(LĐ online) - Chiều 30/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh đã chủ trì hội nghị tổng kết công tác ngành Giao thông Vận tải (GTVT) năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Hội nghị kết nối đầu cầu Bộ GTVT với điểm cầu 62 tỉnh thành trong cả nước.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị tại đầu cầu Chính phủ. |
Năm 2024 là năm ngành GTVT có nhiều điểm nhấn, đạt được những kết quả tích cực và đáng tự hào với những điểm nhấn nổi bật như đã khởi công nhiều dự án đường bộ, đường sắt, hàng không theo nhiệm vụ được giao. Trong đó, về đường bộ, Bộ đã khởi công 8 dự án, hiện hoàn thành đưa vào khai thác 7 dự án, nâng tổng số đường cao tốc cả nước đến nay lên hơn 2.021 km. Trong năm, Bộ đã giải ngân hơn 60,2/75,5 nghìn tỉ đồng, đạt 80% kế hoạch.
Đồng chí Võ Ngọc Hiệp – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chủ trì hội nghị với sự tham dự của lãnh đạo Sở GTVT, đại diện các sở, ngành địa phương. |
Về hàng không, tiến độ dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, dự án Nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất cơ bản bảo đảm.
Đặc biệt, năm 2024, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và hiện Bộ GTVT đang triển khai các nhiệm vụ tiếp theo của dự án này.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Lâm Đồng |
Điểm lại những kết quả tích cực và đang tự hào của ngành GTVT trong năm 2024; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh đã nhấn mạnh 8 kết quả nổi bật của ngành trong năm 2024, trong đó đặc biệt là công tác chỉ đạo, điều hành có nhiều đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, qua đó đã tạo khí thế mới, tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng tinh thần tất cả vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến kết nối đầu cầu Chính phủ với 62 tỉnh, thành phố cả nước. |
Ngành đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, hoàn thiện thể chế có nhiều đột phá, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đề án phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã được thông qua, mở ra một giai đoạn mới cho hệ thống giao thông vận tải của nước ta.
Đặc biệt, cả nước đã và đang nỗ lực đạt cột mốc 3.000 km đường bộ cao tốc Bắc Nam, góp phần rút ngắn thời gian di chuyển và thúc đẩy phát triển kinh tế các vùng miền.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng thẳng thắn nhận diện một số tồn tại, hạn chế như: Một số dự án trọng điểm chưa được bàn giao 100% mặt bằng; tiến độ triển khai dự án thành phần 4 Cảng hàng không Quốc tế Long Thành còn chậm; nguồn cung cấp cát khu vực ĐBSCL tuy được giải quyết nhưng chưa triệt để, công suất khai thác vẫn chưa đáp ứng được tiến độ yêu cầu.
Tai nạn giao thông vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp; nhiều công trình dự án đường bộ cao tốc sớm hoàn thành, đưa vào khai thác, song các trạm dừng nghỉ, hệ thống giám sát điều hành giao thông chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến sự bất tiện đối với người dân…
Tại hội nghị, các bộ ngành, địa phương và các doanh nghiệp cũng đã có nhiều ý kiến trao đổi, kiến nghị những vấn đề liên quan đến lĩnh vực GTVT như đề nghị quan tâm hỗ trợ thúc đẩy phát triển giao thông xanh; quan tâm đầu tư giao thông cho các tỉnh miền núi; tháo gỡ những điểm nghẽn về giao thông đường thuỷ;…
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ghi nhận và biểu dương những kết quả của ngành GTVT cũng như của các bộ ngành, địa phương. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Sau gần 80 năm ngành giao thông, đây là hội nghị có tính lịch sử đánh dấu ngành giao thông bước vào thời kỳ mới, giai đoạn phát triển mới sau một năm 2024 mang lại rất nhiều thành quả. Tôi đánh giá rất cao những kết quả hết sức ấn tượng của ngành giao thông trong năm 2024".
Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng. |
Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, trong thời gian đến, ngành GTVT phải quyết tâm hơn nữa triển khai các nhiệm vụ còn lại của giai đoạn 2021 - 2025, đặc biệt là mục tiêu hoàn thành 3.000km đường cao tốc vào cuối năm 2025. Đồng thời, quan tâm hơn đến nâng cao chất lượng quy hoạch giao thông, chú trọng đầu tư đồng bộ và phải có tính kết nối vùng; tổ chức các phương thức giao thông xanh, đảm bảo khoa học, hiệu quả, tạo thế là lực cho phát triển toàn diện kinh tế, xã hội của đất nước ở hiện tại và cả tương lai.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng khẳng định, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến việc phát triển hạ tầng giao thông, và thời gian tới, sẽ tiếp tục đầu tư vào hạ tầng giao thông, quan tâm và ưu tiên đầu tưu cho các tỉnh khó khăn,... tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin