Phát huy lợi thế, tiềm năng, củng cố vững chắc địa bàn kinh tế trọng điểm của tỉnh

HỒ XUÂN TRUNG (thực hiện) 06:01, 19/12/2024

Đó là khẳng định của Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm Trương Hoài Minh khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Lâm Đồng xoay quanh những thành tựu đạt được trong quá trình phát triển huyện Bảo Lâm “nhanh, bền vững” cùng những định hướng phát triển mang tính khai mở và dự liệu trong thời gian tới nhân kỷ niệm 30 năm thành lập huyện. 

Tiềm năng phát triển du lịch từ hồ thủy lợi, hồ thủy điện ở Bảo Lâm chưa được đầu tư khai thác
Tiềm năng phát triển du lịch từ hồ thủy lợi, hồ thủy điện ở Bảo Lâm chưa được đầu tư khai thác

PV: Với điều kiện tự nhiên thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu và là vùng đất giàu tài nguyên khoáng sản, nhất là quặng bauxit có trữ lượng lớn, sau 30 năm hình thành và phát triển, Bảo Lâm đã khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững ra sao, thưa đồng chí?

Phó Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm
Trương Hoài Minh
Phó Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm Trương Hoài Minh

Đồng chí Trương Hoài Minh: Từ lợi thế về đất đai, nguồn nước và khí hậu phù hợp để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa, đặc biệt là các loại nông sản chủ lực gồm chè, cà phê và cây ăn quả; xuyên suốt trong thời gian qua, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững và hiện đại. Qua thực tiễn đã chứng minh, đến nay sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện, giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp theo giá so sánh 2010 (giai đoạn 1994-2025) tăng 9,42%. 

Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt nhiều kết quả tích cực; việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất có bước tiến mạnh mẽ, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cao được nhân rộng. Đồng thời, huyện có 19 chuỗi liên kết giá trị được hình thành và phát triển, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) phát triển đa dạng với 63 sản phẩm, trong đó có 1 sản phẩm đạt Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam. Chỉ tính riêng năm 2024, tổng diện tích gieo trồng toàn huyện đạt 57.348 ha, trong đó 30,5% diện tích sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao mang lại tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 5,19%, tạo ra giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất canh tác đạt 191 triệu đồng/năm, tăng 39 triệu đồng/ha/năm so với năm 2023.

 

Bên cạnh khu vực nông nghiệp phát triển khá toàn diện, các khu vực kinh tế khác để lại dấu ấn như thế nào đối với nền kinh tế Bảo Lâm?

Nếu như ngành Nông nghiệp hiện đang phát huy là “trụ đỡ” của nền kinh tế huyện, thì công nghiệp và thương mại dịch vụ cũng đạt mức tăng trưởng khá. Cụ thể, trong năm 2024, ngành Công nghiệp tiếp tục tăng trưởng với giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh) đạt 227,2 tỷ đồng, tăng 5,31% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá hiện hành khu vực cá thể) đạt gần 430 tỷ đồng, tăng 10,49%. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo đạt hơn 417 tỷ đồng, tăng 10,46%, sản xuất và phân phối điện tăng 14,37%. 

Tương tự, trong năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4.353 tỷ đồng, tăng 15,16% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 3.156 tỷ đồng, tăng 17,29%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 821 tỷ đồng, tăng 9,35%; doanh thu dịch vụ và du lịch đạt 376 tỷ đồng, tăng 11,14% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, hoạt động xuất khẩu duy trì ổn định, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 300 triệu USD, đạt 113% kế hoạch. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như: Alumin, hydroxit, sầu riêng, trà Ô long, trà xanh và trà đen các loại.

Tựu trung, tính đến cuối năm 2024, tổng giá trị sản xuất (GO, theo giá so sánh năm 2010) trên địa bàn huyện Bảo Lâm tăng 7,28% so với kế hoạch đề ra từ 7 - 7,5%. Trong đó, khu vực nông nghiệp tăng 5,19%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 7,06% và khu vực dịch vụ tăng 12,18%. Vì vậy, có thể khẳng định rằng, cả 3 khu vực kinh tế của huyện đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Qua đó, đưa giá trị sản xuất khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 30,48%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 52,25% và khu vực thương mại - dịch vụ 17,27% trong cơ cấu kinh tế của huyện. 

Một trong những lợi thế so sánh của huyện đối với các địa phương khác trong tỉnh đó là tài nguyên khoáng sản và nguồn thủy năng. Đồng chí có thể cho biết lợi thế này đang được khai thác ra sao để góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của Lâm Đồng?

Trong những năm qua, việc khai thác thế mạnh về tài nguyên khoáng sản và sông ngòi đã được huyện tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp khai khoáng và sản xuất, phân phối điện. Điển hình là Công ty Bauxit nhôm sản xuất ổn định và vượt mức công suất trên 700.000 tấn/năm; các Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3, 4, 5, nhà máy thủy điện nhỏ hoạt động có hiệu quả, sản lượng điện sản xuất bình quân đạt trên 720 triệu KW/năm. Theo đó, hàng năm đóng góp vào thu ngân sách của tỉnh hàng trăm tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động của địa phương. Bên cạnh đó, công nghiệp khai thác bauxit phát triển đã kéo theo các ngành dịch vụ phụ trợ phát triển, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Và không chỉ dừng lại ở tiềm năng, lợi thế về khoáng sản, thủy điện, Bảo Lâm còn có một số tiềm năng, thế mạnh chưa được tận dụng, phát huy tốt để phát triển kinh tế - xã hội, chẳng hạn như sự đa dạng trong văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện; thế mạnh về tài nguyên rừng, du lịch, sự phong phú, đa dạng của nông sản trên địa bàn huyện…

Xin đồng chí cho biết, kế thừa sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua, định hướng phát triển của huyện trong giai đoạn mới – sau ba thập kỷ thành lập ra sao để đưa Bảo Lâm trở thành 1 trong 4 khu vực kinh tế trọng điểm của Lâm Đồng? 

Trong thời gian tới, huyện tiếp tục phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh, các ngành ở tỉnh, sự đồng hành của các doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn huyện để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, với mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt từ 8 - 8,5%. Trong đó tiếp tục xác định phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, là trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực, phát triển du lịch là đột phá; chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế sang công nghiệp và thương mại, dịch vụ; kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, gắn chặt với quốc phòng, an ninh. Đồng thời, chú trọng cải cách thủ tục hành chính, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Phát huy hiệu quả hoạt động của tổ hỗ trợ, xúc tiến đầu tư để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào địa bàn, thông qua hỗ trợ nhà đầu tư nắm bắt thông tin về kinh tế - xã hội, quy hoạch phục vụ cho công tác khảo sát, nghiên cứu, đầu tư tại huyện. 

Về nông nghiệp, tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng toàn diện, hiện đại và bền vững; chuyển từ phát triển sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao dựa trên ứng dụng công nghệ cao, xây dựng các chuỗi liên kết giá trị, phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2030, cà phê, sầu riêng, bơ Bảo Lâm là những sản phẩm được ưa chuộng trên thị trường; tỷ trọng giá trị xuất khẩu nông sản chế biến, chế biến sâu đạt từ 20% trở lên. Xây dựng và triển khai đề án phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng đa dạng hóa các hoạt động sản xuất dưới tán rừng để tạo việc làm, tăng nguồn thu nhằm nâng cao đời sống của người làm nghề rừng; từ đó chú trọng bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Đối với công nghiệp, mở rộng quy mô công nghiệp khai khoáng, công nghiệp chế biến, đặc biệt là công nghiệp chế biến sau nhôm và chế biến nông sản chủ lực của địa phương.  Hoàn thiện cơ sở hạ tầng Cụm công nghiệp Lộc Thắng, Cụm công nghiệp Lộc An, đặc biệt hoàn thiện thủ tục pháp lý, kêu gọi đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Bảo Lâm tại khu vực đất hoàn nguyên sau khai thác bauxit (700 ha); phối hợp với các sở, ngành của tỉnh thu hút đầu tư lấp đầy các khu, cụm công nghiệp. Tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để duy trì phát triển ổn định, bền vững các dự án thủy điện Đồng Nai 3, 4, 5 và ĐamBri…

Còn lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch, huyện sẽ đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử; xây dựng thương hiệu một số sản phẩm gồm: Cà phê, bơ, sầu riêng... Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các hội chợ nông sản nhằm giới thiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của địa phương. Chú trọng phát triển các loại hình du lịch có tiềm năng lớn bao gồm: Du lịch sinh thái gắn với bản sắc văn hóa của cộng đồng, các buôn làng dân tộc còn duy trì các ngành nghề truyền thống dệt thổ cẩm, ươm tơ dệt lụa, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí tại những hồ chứa nước phục vụ thủy lợi và thủy điện trên địa bàn; du lịch tâm linh dựa vào thế mạnh về kiến trúc, cảnh quan của hệ thống chùa chiền, nhà thờ; du lịch thám hiểm rừng, núi; du lịch canh nông tại các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, như chè, cà phê, bơ, sầu riêng, các loại rau, hoa…

Có thể khẳng định rằng, trong 30 năm qua, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực; bảo đảm quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị tại địa phương. Mức độ tăng trưởng GDP duy trì và ổn định; thu nhập bình quân đầu người tăng dần theo từng năm; các ngành sản xuất phát triển theo hướng phát huy lợi thế đảm bảo sự bền vững; hoàn thành tốt chỉ tiêu ngân sách tỉnh giao. Đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân ngày được nâng cao; trong đó, chú trọng công tác bảo tồn giá trị văn hóa bản địa, các giá trị văn hóa vùng, miền hội tụ tại địa phương...

Với truyền thống cách mạng, cùng hành trang quý báu trong 30 năm hình thành và phát triển; chúng ta tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Bảo Lâm quyết tâm giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, đồng thuận trong Nhân dân đưa Bảo Lâm phát triển nhanh và bền vững, củng cố vững chắc vị thế là 1 trong 4 địa bàn kinh tế trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng và cùng với các địa phương khác vươn mình cùng với đất nước trong kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh của dân tộc Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn đồng chí!