Quy chế dân chủ từng bước đi vào nền nếp

THÂN THU HIỀN 05:58, 03/12/2024

Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, huyện Lâm Hà đã và đang tập trung chỉ đạo, nâng cao hiệu lực thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở. Qua đó, tạo được niềm tin, sự đồng thuận, tập hợp các tầng lớp Nhân dân đoàn kết thực hiện nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Với phương châm Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra,
xã Liên Hà đã thực hiện tốt QCDC trong thời gian qua
Với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", xã Liên Hà đã thực hiện tốt QCDC trong thời gian qua

KHI NGƯỜI DÂN ĐỒNG THUẬN

Sau khi thống nhất chủ trương, thôn Liên Hồ (xã Liên Hà) bắt tay vào xây dựng Khu dân cư kiểu mẫu. Qua đó Ban Công tác Mặt trận thôn triển khai lấy ý kiến Nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận và chung tay xây dựng.

Ông Lương Viết Huỳnh - Trưởng thôn Liên Hồ cho hay: "Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, công khai các khoản thu, chi và thành lập tổ giám sát công trình nên việc đóng góp kinh phí, hiến đất xây dựng công trình được bà con nhiệt tình hưởng ứng. Theo đó, thôn đã vận động Nhân dân đóng góp tiền đối ứng là 1,6 tỷ đồng để xây dựng 1,3 km đường bê tông; Nhân dân đóng góp và Nhà nước đối ứng hơn 900 triệu đồng xây nhà văn hóa và các công trình phụ; xây dựng 1,5 km tuyến đường hoa, trồng 160 cây xanh các loại...". 

Đồng chí Bùi Việt Cường - Bí thư Đảng uỷ xã Liên Hà cho biết: “Để thực hiện QCDC từng bước đi vào cuộc sống, những vướng mắc của người dân được giải quyết theo thẩm quyền, những vấn đề không thuộc thẩm quyền địa phương sẽ được phân loại để báo cáo huyện. Việc giải quyết thấu tình đạt lý giúp người dân đồng thuận trong các vấn đề về đời sống, xã hội, phát triển kinh tế ở địa phương. Qua đó các vụ việc, những kiến nghị chính đáng của người dân được giải quyết kịp thời. Cùng với đó, địa phương làm tốt công tác biểu dương, nhân rộng các điển hình dân vận khéo, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trên mọi lĩnh vực, tạo điều kiện để người có uy tín tham gia tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện các nội dung QCDC ở cơ sở”.

GẮN VỚI NHIỆM VỤ CỤ THỂ

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tú - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Lâm Hà cho biết: “Xác định việc thực hiện QCDC ở cơ sở nhằm tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, hàng năm, Ban Chỉ đạo huyện Lâm Hà đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo triển khai việc thực hiện QCDC đến các xã, thị trấn, các cơ quan, doanh nghiệp trong toàn huyện”.

Thời gian qua, huyện Lâm Hà tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện, kịp thời chấn chỉnh các sai phạm. Trong năm 2024, Ban Thanh tra Nhân dân đã tổ chức giám sát, kiểm tra được 53 vụ việc ở các địa bàn cơ sở, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, tổ chức giám sát được 139 công trình dự án đầu tư xây dựng tại các xã, thị trấn. Thực hiện vận động ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" được 2,4 tỷ đồng; vận động quỹ cứu trợ được 6,4 tỷ đồng; quỹ xóa nhà tạm, nhà đã dột nát được 274 triệu đồng/3,6 tỷ đồng, nguồn quỹ tỉnh chuyển về 3 tỷ đồng.

Toàn huyện hiện có 14/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, có 4/14 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2/14 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về giáo dục. Trong năm đã tiếp 201 lượt/241 công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh với các nội dung chủ yếu tập trung trong lĩnh vực đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, công tác thi hành án...

Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Lâm Hà khẳng định: “Ngoài việc thống nhất để cấp có thẩm quyền quyết định và giám sát, các cấp ủy, chính quyền trong huyện còn quan tâm thực hiện cải cách hành chính. Tăng cường công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân từ cơ sở. Các xã, thị trấn thực hiện mô hình “một cửa”, một cửa liên thông; đảm bảo các thủ tục hành chính được giải quyết nhanh chóng, thuận lợi, tránh phiền hà cho Nhân dân. Thực hiện tốt QCDC trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đã làm chuyển biến phong cách lãnh đạo, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; ngăn ngừa các biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí, xa dân, sách nhiễu Nhân dân và yếu kém trong quản lý... Từ đó, ý thức làm chủ của Nhân dân được thực hiện tốt hơn, tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở, đoàn kết, động viên người dân tích cực góp công, góp của chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh...”.