Thêm hy vọng từ một lớp học tiếng Anh 

VIẾT TRỌNG - NGỌC LIÊN 01:28, 02/12/2024

Trong một góc nhỏ yên bình của Giáo sở Thánh Tâm tại Đà Lạt, có một lớp học tiếng Anh dành cho những học viên rất đặc biệt - những người khuyết tật. Cứ 2 ngày cuối tuần họ lại đến lớp với niềm tin rằng biết thêm một ngoại ngữ, thêm hy vọng những điều tốt đẹp cho cuộc sống của mình. 

Các học viên trong một giờ sinh hoạt
Các học viên trong một giờ sinh hoạt

LỚP HỌC ĐẶC BIỆT 

Lớp học tiếng Anh đặc biệt này chỉ vỏn vẹn 12 học viên, được bắt nguồn từ Chương trình “Hành động có sự tham gia của hội viên - PAR” của Ban Bác ái xã hội thuộc tổ chức Caritas dành cho Hội Người khuyết tật Đà Lạt. Caritas là một tổ chức thiện nguyện đang hoạt động tại Đà Lạt 

Trước đây Caritas từng tổ chức một khóa huấn luyện về kỹ năng bán hàng cho những người khuyết tật Đà Lạt, sau đó theo yêu cầu của các học viên trong lớp, mong muốn được học tiếng Anh để có thể đọc các văn bản cũng như giao tiếp cơ bản với người nước ngoài mỗi khi gặp gỡ hoặc bán hàng. Chính từ mong muốn đó, Caritas Đà Lạt đã kết nối với các sinh viên một nhóm tình nguyện tại Trường Đại học Đà Lạt để tìm được người dạy cho các học viên trong lớp. Lớp học học vào tối thứ 6 và tối thứ 7 hàng tuần, kéo dài trong 3 tháng. 

Trong số 12 học viên trong lớp học này mỗi người một hoàn cảnh, một công việc. Có người là thợ may, có người là kế toán, có người sửa điện tử và làm đồ họa, có người quẩn quanh ở nhà lo việc nhà, có người ở nhà làm bánh bán, có người là thợ mộc, có người đi bán vé số… Nhưng điểm chung là hầu hết bị hạn chế vận động, teo cơ tay, cơ chân, có người bị liệt cả 2 chân, phải dùng xe lăn để đi lại, chỉ làm việc theo khả năng của mình. Và họ có chung một ước mơ, một khát vọng vươn lên trong cuộc sống, mơ ước được đi học, được có cơ hội nâng cao kiến thức, nâng cao kỹ năng, được học một ngoại ngữ có ích để có thể phục vụ cho công việc của mình.

• VÀ NHỮNG HỌC VIÊN ĐẶC BIỆT

Như học viên Nguyễn Văn Nhung, 50 tuổi, người ở Sào Nam, Phường 11, Đà Lạt, bị sốt bại liệt từ nhỏ và di chứng để lại là đôi chân bị liệt, không đi lại được, chỉ dùng xe lăn, cho biết rằng ông lâu nay chỉ biết quẩn quanh ở nhà, làm việc nhà ít ra ngoài vì mặc cảm tật nguyền dù rất muốn có cơ hội đi học. 

“Tôi ở nhà, làm việc nhà để phụ vợ và con đang làm giữ trẻ. Rất mừng khi biết đến lớp học này, dù ở xa nhưng tôi vẫn đến lớp đúng giờ. Học tiếng Anh không dễ nhưng tôi cố gắng từng ngày. Các thầy cô giáo ở đây rất quý học viên, động viên và chỉ bảo tận tình, rất mong có những lớp học như vậy được tổ chức để những người khuyết tật như chúng tôi có cơ hội được đi học” - ông Nhung nói.

Cùng bị liệt đôi chân từ nhỏ, học viên Nguyễn Ngọc Quang, 45 tuổi, người ở Phường 10, Đà Lạt là người đến lớp rất sớm bằng chiếc xe máy ba bánh dành cho người khuyết tật. Ông cho biết đã học sửa chữa điện tử và thiết kế đồ họa và từ lâu sinh sống bằng 2 nghề này. 

Theo ông Quang, nghề sửa chữa điện tử rất cần đến ngoại ngữ, cần tiếng Anh vì rất nhiều tài liệu có liên quan đến nghề đều có sử dụng tiếng Anh. Đặc biệt, nghề thiết kế đồ họa cũng vậy, cũng rất cần ngoại ngữ là tiếng Anh. 

“Khi lớp được mở, chúng tôi rất mừng. Lớp học theo tôi như một cơ hội mở rộng nghề nghiệp và giúp người khuyết tật giao lưu với thế giới bên ngoài. Tiếng Anh cũng có thể tự học nhưng một lớp học dành riêng cho những người khuyết tật giúp chúng tôi tự tin hơn” - ông Quang nói. 

Như ông Quang cho biết, trong thiết kế đồ họa nếu nắm vững tiếng Anh sẽ mang lại rất nhiều lợi thế, từ việc tiếp cận các nguồn tài liệu chuyên môn bằng tiếng Anh đến việc giao dịch, thực hiện các đơn đặt hàng của khách hàng nước ngoài. Khi đến lớp, nhờ sự giúp đỡ của các tình nguyện viên, ông nay đã thấy tự tin hơn trong giao tiếp, biết sử dụng tiếng Anh cơ bản trong giao dịch, đọc tài liệu cũng như tìm kiếm thêm cơ hội nâng cao tay nghề của mình.

“Tiếng Anh là ngôn ngữ mang tính toàn cầu hiện nay, không có đôi chân để đi xa, tôi muôn dùng ngôn ngữ để vươn đến thế giới bên ngoài” - ông Quang khẳng định. 

Một trong những tấm gương học tập nổi bật của lớp dù lớp tuổi mà chúng tôi được tiếp xúc là bà Nguyễn Thị Ánh Cúc, 58 tuổi, người ở Phường 7, Đà Lạt. 

Bà Cúc bị teo cơ một chân sau một cơn sốt bại liệt từ nhỏ. Không để bệnh tật ảnh hưởng đến cuộc đời mình, bà Cúc luôn nỗ lực vươn lên. Bà tự học và biết làm nhiều nghề để kiếm sống, trong đó có nghề kế toán và kiếm được việc làm kế toán mà mình yêu thích. 

Bà Cúc cho biết, gần đây chồng bà mất vì một căn bệnh nan y nên một mình bà phải làm việc để nuôi con ăn học đại học tại TP Hồ Chí Minh. Hiện 3 năm gần đây bà là kế toán kho cho một công ty của Hàn Quốc chuyên về xuất nhập khẩu các mặt hàng nông sản từ Đà Lạt đi Hàn Quốc. Công việc bà hằng ngày trong kho là kiểm hàng, lên lịch xuất hàng, bà còn tự sắp xếp các thùng hàng vừa sức khi không có người phụ. “Tôi biết rằng mình cần phải mạnh mẽ, không chỉ vì con, mà còn vì chính bản thân tôi” - bà Cúc chia sẻ.
Đến với lớp học tiếng Anh cho người khuyết tật, bà Cúc mong có thể học được các kỹ năng giao tiếp tiếng Anh lưu loát hơn. “Học tiếng Anh không chỉ là niềm vui cho bản thân mà còn giúp ích trong cuộc sống và công việc của tôi, nhất là giao tiếp với người nước ngoài, mở ra thêm cơ hội cho mình. Khó khăn thì lúc nào cũng có, nhưng mình phải cố gắng. Có sức thì còn làm được, có kiến thức thì mở ra tương lai tốt hơn” - bà Cúc nói với nụ cười rất tươi.

• PHẦN THƯỞNG CHO NGƯỜI ĐI DẠY 

Theo chị Nguyễn Thị Hiền, 24 tuổi, người phụ trách lớp học tiếng Anh của Caritas, chương trình đã vận động được các nhà tài trợ cùng các bạn tình nguyện viên đứng lớp để tổ chức lớp cho đến nay. Lớp hiện có sỹ số khá nhỏ, 12 học viên, là vì để người dạy có thể theo dõi, giúp đỡ đến từng học viên một cách cụ thể. 

“Thật ra, lớp không chỉ dạy tiếng Anh, dạy chữ như một lớp học thông thường mà còn hơn thế nữa. Khi đến đây sẽ thấy các học viên cần rất nhiều thứ, không chỉ là kiến thức mà còn là tình yêu thương, sự chia sẻ, thông cảm, niềm tin vào tương lai” - chị Hiền cho biết.

“Dạy học ở lớp sẽ không giống dạy ở trường. Nhiều học viên là người khuyết tật chịu rất nhiều tổn thương về mặt tâm lý. Có người khó khăn, phải bỏ học giữa chừng vì phụ giúp gia đình. Nhưng điều làm người dạy hạnh phúc nhất là nhìn thấy các học viên khi đến lớp đã dần thay đổi, tự tin hơn, vui vẻ hơn, đó là phần thưởng quý giá nhất cho người dạy học” - chị Hiền nói thêm. 

Để tạo không khí thân thiện, lớp theo chị Hiền thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa, các buổi sinh hoạt tập thể, chúc mừng sinh nhật, lắng nghe mọi người chia sẻ, tổ chức trao các món quà nhỏ là sách vở, dụng cụ học tập làm phần thưởng cho học viên từ những nhà hảo tâm giúp đỡ nhằm động viên khuyến khích mọi người đi học.

“Người khuyết tật là một phần của cộng đồng, có quyền sống, có quyền học tập và lao động, cho nên chúng tôi trong khả năng của mình sẽ cố gắng tổ chức thêm nhiều các lớp kỹ năng mềm, các lớp hướng nghiệp, kết nối thêm với các tổ chức từ thiện để tìm kiếm nguồn học bổng duy trì lớp và cho học viên có thể học lên cao hơn” - chị Hiền cho biết.