(LĐ online) - Ngày 11/12, Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức chương trình Tọa đàm trao đổi nghiệp vụ về công tác pháp chế và xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Đồng chí Vũ Văn Thúc - Phó Giám đốc Sở Tư pháp phát biểu khai mạc tọa đàm |
Chương trình tọa đàm do đồng chí Vũ Văn Thúc - Phó Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì cùng sự tham dự của hơn 100 đại biểu là người làm công tác pháp chế, xây dựng pháp luật tại các sở, ban, ngành của tỉnh và đại diện Phòng Tư pháp các huyện, thành phố trong tỉnh.
Tham dự chương trình tọa đàm, các đại biểu đã được đại diện các phòng chức năng của Sở Tư pháp phổ biến, trao đổi một số nội dung, điểm mới của Nghị định số 56/2024/NĐ-CP ngày 18/5/2024 của Chính phủ và Nghị định số 59/2024/NĐ-CP ngày 25/5/2024 của Chính phủ.
Các đại biểu tham gia chương trình tọa đàm |
Theo đó, Nghị định số 56/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế. Nghị định số 56/2024/NĐ-CP gồm 4 điều trong đó sửa đổi, bổ sung 10 điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP; tập trung chủ yếu sửa đổi, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế ở bộ, cơ quan, ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và doanh nghiệp nhà nước, tiêu chuẩn, chế độ của người làm công tác pháp chế.
Đồng thời, Nghị định cũng bổ sung một số nội dung để quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập và trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trong công tác pháp chế.Với nhiều điểm mới, bám sát yêu cầu, nhiệm vụ và thực tiễn, Nghị định số 56/2024/NĐ-CP ngày 18/5/2024 của Chính phủ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, tiêu chuẩn, chế độ cho người làm công tác pháp chế cũng như yêu cầu thực tiễn công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật trong tình hình mới, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác pháp chế.
Đại biểu trao đổi tại buổi tọa đàm |
Còn Nghị định số 59/2024/NĐ-CP ngày 25/5/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ. Nghị định số 59/2024/NĐ-CP gồm có 3 điều, trong đó có những điểm mới cơ bản như: sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; sửa đổi, bổ sung các quy định giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho bộ, ngành, địa phương nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan lập đề nghị, soạn thảo VBQPPL và các chủ thể có liên quan trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL. Trong Nghị định số 59/2024/NĐ-CP có ban hành một số biểu mẫu mới kèm theo để thay thế biểu mẫu số 42 tại Phụ lục I cũng như thay thế các mẫu số 01, 02, 03 và bổ sung các mẫu số 12, 13, 14 tại Phụ lục V đã ban hành kèm theo Nghị định số 34/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP.
Với các quy định này, Nghị định số 59/2024/NĐ-CP sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính kịp thời trong công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc của bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan và đáp ứng tốt hơn yêu cầu, đòi hỏi của công tác xây dựng pháp luật trong thời gian tới.
Tại chương trình tọa đàm, các đại biểu cũng đã trao đổi, thảo luận làm rõ thêm những điểm mới, quan trọng cũng như một số vướng mắc trong việc áp dụng Nghị định số 56/2024/NĐ-CP và Nghị định số 59/2024/NĐ-CP. Qua chương trình tọa đàm cũng nhằm nâng cao chất lượng công tác pháp chế và xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin