(LĐ online) - Sáng nay, 24/12, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác y tế năm 2024 và triển khai công tác năm 2025 với sự tham dự có Phó Thủ tướng Lê Thành Long.
Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và bà Huỳnh Thị Phương Duyên - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Lâm Đồng chủ trì hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Lâm Đồng |
Tại điểm cầu UBND tỉnh Lâm Đồng, chủ trì hội nghị có ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và bà Huỳnh Thị Phương Duyên - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Lâm Đồng. Tham dự có đại diện lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông; Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc ngành y tế.
Đại diện lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và các sở tham dự hội nghị |
• KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU ĐƯỢC GIAO
Có 3 chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ đều đạt và vượt. Cụ thể: Số bác sĩ trên 10.000 dân 14/13,5; số giường bệnh trên 10.000 dân 34/32,5; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 94,1%.
Có 9 chỉ tiêu cụ thể cho ngành, lĩnh vực được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ thì 8/9 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt, còn 1 chỉ tiêu thực hiện không đạt là tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh 112,3 bé trai/100 bé gái (chỉ tiêu là 111,2 bé trai/100 bé gái).
Bộ Y tế đã tập trung đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế. Tiếp tục thực hiện các chương trình, đề án về công tác dân số góp phần kéo dài và tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số. Các dịch vụ khám, chữa bệnh tiếp tục được nâng cao chất lượng, hiệu quả với tinh thần lấy người bệnh làm trung tâm, nâng cao sự hài lòng của người bệnh. Nhiều kỹ thuật y học tiên tiến được ứng dụng thành công. Đẩy mạnh phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh, hệ thống phòng khám y học gia đình. Tập trung mở rộng hoạt động khám chữa bệnh từ xa, tăng cường chỉ đạo, chuyển giao kỹ thuật, kịp thời hỗ trợ cho tuyến dưới, các địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y học hiện đại. Thực hiện bước đầu đổi mới đào tạo nguồn nhân lực y tế.
Tiếp tục thực hiện đối mới cơ chế hoạt động, tài chính, giá dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Thực hiện lộ trình tính chi phí quản lý vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, lộ trình BHYT toàn dân. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số y tế được đẩy mạnh, hoàn thành kết nối dữ liệu y tế với một số thủ tục hành chính như dữ liệu giấy khám sức khỏe phục vụ cấp đổi giấy phép lái xe, cấp giấy chứng sinh, báo tử…; hoàn thành hạ tầng kỹ thuật của các nền tảng số: nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử; nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa…
Lãnh đạo Sở Y tế và các đơn vị tham dự hội nghị |
• HỆ THỐNG Y TẾ DỰ PHÒNG, KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH TIẾP TỤC ĐƯỢC CỦNG CỐ VÀ PHÁT TRIỂN
Tình hình dịch bệnh truyền nhiễm cơ bản được kiểm soát, không xuất hiện các chùm ca bệnh, ổ dịch lớn trong cộng đồng; riêng sốt phát ban nghi sởi có số mắc nhiều hơn so với cùng kỳ năm 2023. Tính đến ngày 17/11/2024 bệnh sốt xuất huyết được ghi nhận 114.906 trường hợp mắc, 18 ca tử vong (so với cùng kỳ năm 2023 số mắc giảm 10,2%, tử vong giảm 22 ca). Bệnh tay chân miệng ghi nhận 67.884 trường hợp mắc, không tử vong (so với cùng kỳ 2023 số mắc giảm 51,9%, tử vong giảm 30 ca). Sốt phát ban nghi sởi ghi nhận 14.287 trường hợp mắc, 4 ca tử vong liên quan đến bệnh sởi (so với cùng kỳ năm 2023, số mắc cao hơn 42 lần, tử vong liên quan đến bệnh sởi tăng 4 ca). Các bệnh viêm não vi rút ghi nhận 532 trường hợp mắc, 6 ca tử vong; viêm màng não do não mô cầu 21 trường hợp mắc, 1 ca tử vong; bệnh dại ghi nhận 74 ca tử vong; bạch hầu có 10 trường hợp mắc, 1 ca tử vong. Đặc biệt các bệnh mới nổi như: cúm A (H5) 1 trường hợp mắc và 1 ca tử vong tại Khánh Hòa; cúm A (H9N2) 1 trường hợp mắc tại Tiền Giang. Bệnh Covid-19 ghi nhận 6.775 trường hợp mắc, 1 ca tử vong.
Trong 11 tháng đầu năm 2024, toàn quốc ghi nhận 131 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) làm 4.796 người mắc và 21 trường hợp tử vong (so với cùng kỳ năm 2023, số vụ tăng 7 vụ, số mắc tăng 2.677 người, số tử vong giảm 7 người).
Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh và các đơn vị trực thuộc ngành y tế tham dự hội nghị |
Đến tháng 10/2024 cả nước có 1.645 bệnh viện, trong đó có 384 bệnh viện ngoài công lập, hàng năm khám cho hơn 170 triệu lượt ngoại trú và điều trị nội trú cho hơn 17 triệu lượt người. Cùng với đó, mạng lưới bệnh viện vệ tinh được mở rộng; hình thành và phát triển hệ thống khám, chữa bệnh từ xa, kết nối bệnh viện tuyến trên với hơn 1.500 cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc, kể cả vùng sâu, vùng xa, biển đảo.
Đảm bảo công tác khám, chữa bệnh trong các dịp lễ Tết; đồng thời phối hợp tốt với các đơn vị, địa phương trong ứng phó, huy động nguồn nhân lực, cấp cứu, điều trị người bệnh trong thiên tai, bão lũ. Nhiều bệnh viện triển khai áp dụng thành công các kỹ thuật cao, đặc biệt là can thiệp tim bào thai, ghép tạng, ghép đa tạng trên một người bệnh; góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những địa chỉ tin cậy về ghép mô tạng trên bản đồ y khoa thế giới. Tăng cường công tác vận động hiến máu, mô tạng, nhất là người cho chết não.
Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị |
• NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG NĂM 2025
Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng chính sách và văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường theo dõi, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật; hoàn thành xây dựng, hoàn thiện các dự án luật, các đề án, văn bản trong Chương trình công tác của Chính phủ, Bộ Y tế năm 2025 và thực hiện nhiệm vụ được giao tại các văn kiện của Đảng liên quan đến lĩnh vực y tế. Tập trung thực hiên rà soát, tinh gọn cơ cấu tổ chức của các tổ chức hành chính thuộc Bộ theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khoá XII và định hướng chung của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo của Chính phủ, trong đó tập trung rà soát cơ cấu, tổ chức, biên chế bên trong của các đơn vị.
Tiếp tục tổ chức triển khai, xây dựng chính sách đối với y tế cơ sở, y tế dự phòng. Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Phòng bệnh sau khi được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2025. Nâng cao năng lực y tế dự phòng, dự báo, giám sát và phát hiện dịch bệnh sớm, khống chế kịp thời, có hiệu quả các dịch bệnh, các sự kiện khẩn cấp về y tế công cộng. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác bảo trợ xã hội từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chuyển sang.
Bảo đảm cung ứng đủ thuốc, vắc xin, trang thiết bị y tế có chất lượng, an toàn, hiệu quả, giá hợp lý cho công tác công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân, phòng chống thiên tai, thảm họa và các tình huống khẩn cấp. Tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến đặc thù đào tạo nhân lực y tế nhằm tạo môi trường pháp lý triển khai đổi mới đào tạo nhân lực y tế đáp ứng yêu cầu đảm bảo và nâng cao chất lượng nhân lực y tế, tiến tới hội nhập quốc tế.
Tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Nghiên cứu, xây dựng lộ trình điều chỉnh mức đóng BHYT phù hợp với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân và điều kiện kinh tế - xã hội. Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin y tế. Tập trung đẩy mạnh triển khai Đề án 06/CP, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành y tế, hình thành nền y tế thông minh với 3 nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Lâm Đồng |
Bộ Y tế đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tập trung công tác xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, thể chế kịp thời, đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác y tế; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp liên ngành và kiểm tra giám sát của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền các cấp để đôn đốc và có các giải pháp khắc phục những tồn tại, bất cập trong lĩnh vực y tế. Chính phủ quan tâm chỉ đạo, ban hành các chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nhân lực ngành Y tế.
Đề xuất UBND, HĐND các tỉnh, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương. Đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về sức khỏe, y tế và các yếu tố ảnh hưởng đến sức khoẻ vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bố trí đủ nguồn lực từ ngân sách địa phương thực hiện toàn diện, đồng bộ công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân đã được phân cấp theo quy định. Ban hành theo thẩm quyền cơ chế đầu tư, chính sách ưu đãi, khuyến khích các cơ quan, đơn vị, tư nhân thực hiện, cung cấp các dịch vụ y tế phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế ở địa phương.
Tiếp tục chỉ đạo, bố trí ngân sách cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập không bảo đảm bù đắp chi phí từ nguồn thu qua giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT. Chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với Sở Y tế giao phương án tự chủ cho các cơ sở khám chữa bệnh phù hợp với khả năng của cơ sở và lộ trình kết cấu chi phí vào giá dịch vụ khám chữa bệnh.
Bố trí đủ dự toán và bảo đảm kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ chi của Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số khi chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên của ngành y tế. Bố trí vốn đối ứng để thực hiện các dự án ODA do Bộ Y tế làm chủ dự án và giao cho địa phương thực hiện. Bảo đảm ngân sách và chủ động mua sắm thiết bị, vật tư, hóa chất cho công tác phòng, chống dịch, khám bệnh, chữa bệnh. Triển khai hiệu quả các Luật mới trong lĩnh vực y tế, Luật Đấu thầu, Luật Giá trên địa bàn.
Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo bố trí đủ nguồn vốn của địa phương (nếu có) để hoàn thành dự án theo đúng tiến độ như đã cam kết.
Quy định pháp luật về đấu thầu đối với việc mua thuốc, vật tư, thiết bị y tế đã được ban hành kịp thời, đầy đủ, thống nhất và đồng bộ, trong đó có nhiều giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm thuốc, thiết bị y tế. UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo công tác mua sắm đấu thầu không để thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch, khám bệnh, chữa bệnh.
Có cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ để thu hút các bác sỹ có trình độ, tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ y tế.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin