Trong những năm trở lại đây, tỷ lệ phát hiện nhiễm HIV trong nhóm đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới có xu hướng tăng và là nhóm khó tiếp cận vì nhạy cảm và họ thường không bộc lộ, khó phát hiện, khó quản lý nhóm đối tượng này.
Xét nghiệm khẳng định HIV tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng |
Tình hình dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp, ngày càng có xu hướng lan rộng tại nhiều quốc gia trên thế giới. HIV/AIDS vẫn đang là vấn đề sức khoẻ đáng quan ngại và gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe con người, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới.
Tại Lâm Đồng năm 2024 ước tính số người nhiễm HIV/AIDS còn sống là 1.400 người, trong đó có 1.029 người nhiễm HIV đã được phát hiện và đang còn sống. Trong những năm qua, ngành Y tế đã nỗ lực triển khai toàn diện và hiệu quả các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sức khỏe và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo số liệu giám sát phát hiện hàng năm, dịch HIV/AIDS có xu hướng ổn định; số người nhiễm HIV phát hiện mới từ nhóm nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm và vợ, chồng thuộc nhóm nguy cơ này có xu hướng giảm; có khoảng 30% các trường hợp HIV mới phát hiện quản lý được thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV khó kiểm soát trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới do các yếu tố liên quan như: sự di biến động giữa các tỉnh, thành phố, hành vi quan hệ tình dục không an toàn.
Người nhiễm HIV phát hiện mới hàng năm tại tỉnh Lâm Đồng hiện nay vẫn tập trung ở nhóm tuổi từ 25-49 tuổi. Từ năm 2020 đến năm 2024, người nhiễm HIV tại Lâm Đồng tập trung nhiều nhất ở nhóm 25-49 tuổi (chiếm 40-75% số người nhiễm hàng năm); nhóm tuổi 15-25 tuổi (chiếm từ 10% đến 54,3%) và ít nhất là nhóm dưới 15 tuổi (chiếm 1,6-2,9%; riêng năm 2022 và 2024 không có người nhóm dưới 15 tuổi nhiễm HIV).
Từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào năm 1993, tính đến tháng 10/2024 lũy tích các trường hợp nhiễm HIV/AIDS được báo cáo tại Lâm Đồng là 1.893 trường hợp. Trong đó, có 289 trường hợp đã chuyển thành bệnh nhân AIDS và 615 bệnh nhân tử vong do liên quan đến HIV/AIDS. Số tích lũy ca nhiễm HIV cao nhất tại TP Đà Lạt 606 người và thấp nhất tại huyện Lạc Dương 10 người. Về địa bàn phân bố dịch tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều đã có người nhiễm HIV.
Tổng số mẫu xét nghiệm HIV 10 tháng năm 2024 là 27.349 mẫu, phát hiện 111 mẫu dương tính với HIV. Trong đó, số mẫu xét nghiệm cho phụ nữ có thai, chuyển dạ là 15.515 mẫu, phát hiện 10 mẫu dương tính với HIV.
Tỷ lệ người nhiễm HIV là nam giới chiếm 70,1%; lây truyền chủ yếu qua đường tình dục chiếm 50,2% và lây truyền qua đường máu chiếm 23,4%. Tuy nhiên, trong những năm gần đây dịch HIV tập trung chủ yếu lây qua đường quan hệ tình dục không an toàn (từ 62,5% năm 2020, đến năm 2024 chiếm 55,2%). Đặc biệt, trong những năm trở lại đây tỷ lệ phát hiện nhiễm HIV trong nhóm đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới có xu hướng tăng và là nhóm khó tiếp cận vì nhạy cảm và họ thường không bộc lộ, khó phát hiện, khó quản lý nhóm đối tượng này. Trong khi nhận thức về HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư vẫn còn hạn chế, nhất là trong nhóm người có nguy cơ cao và vẫn còn sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV/AIDS và các đối tượng có liên quan.
Tại Lâm Đồng, các dịch vụ về HIV/AIDS từ can thiệp dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV cũng được triển khai một cách toàn diện và hiệu quả. Hiện tại, toàn tỉnh có hơn 965 người nhiễm HIV đang được điều trị ARV. Trong đó, có 13 trẻ em đang được điều trị ARV, gần 1.045 người nghiện các chất dạng thuốc phiện được điều trị thay thế bằng thuốc Methadone. Mỗi năm có 45.000-55.000 lượt người được xét nghiệm HIV; hàng chục nghìn lượt người được tiếp cận truyền thông, chương trình bao cao su, bơm kim tiêm..., tỉnh Lâm Đồng cũng đã thực hiện chi trả chi phí điều trị HIV/AIDS thông qua Bảo hiểm y tế.
Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tổ chức các hoạt động thiết thực, từng bước ngăn chặn đại dịch HIV/AIDS, Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đã được tỉnh Lâm Đồng phát động đã trở thành sự kiện quan trọng hàng năm huy động cả cộng đồng tham gia phòng, chống HIV/AIDS. Với mục tiêu của Chính phủ là chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030 và chiều hướng của dịch HIV/AIDS đang ảnh hưởng mạnh lên nhóm tuổi trẻ, chủ đề của Tháng hành động năm nay là “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”. Kết thúc dịch AIDS không có nghĩa là không còn người nhiễm HIV, không còn người tử vong do AIDS mà kết thúc dịch AIDS có nghĩa là khi đó AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cộng đồng.
Để kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, ngành Y tế tỉnh Lâm Đồng luôn đặc biệt quan tâm tuyên truyền sâu rộng để nâng cao kiến thức, thái độ, hành vi về HIV/AIDS, giới tính, sức khoẻ sinh sản, tình dục an toàn, tác hại của ma tuý, cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV ở giới trẻ. Tuy nhiên, cần có sự góp sức của cả cộng đồng trong việc chủ động triển khai các hoạt động truyền thông phù hợp với điều kiện của từng đơn vị, thông qua các kênh truyền thông trực tiếp và gián tiếp, đặc biệt qua mạng internet. Đồng thời, bảo đảm quyền con người trong tiếp cận dịch vụ y tế, không có sự phân biệt đối xử, đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho tất cả mọi người, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương và đảm bảo tính sẵn có của các dịch vụ y tế với chi phí hợp lý, chất lượng, hiệu quả.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin