Chuyển đổi số song hành chuyển đổi xanh

DIỄM THƯƠNG 09:38, 27/01/2025

Chuyển đổi xanh cùng chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh, bền vững nhằm chuyển đổi nền kinh tế từ nâu sang xanh. Trong dòng chảy đó, Lâm Đồng cũng có những hoạch định chiến lược phát triển bền vững để khai thác tiềm năng chuyển đổi số - chuyển đổi xanh, tạo ra phát triển kép về cả kinh tế số và kinh tế xanh.

Kiosk Dịch vụ công đưa nền hành chính công sang bước tiến mới
Kiosk Dịch vụ công đưa nền hành chính công sang bước tiến mới

CHUYỂN ĐỔI KÉP

Chuyển đổi số chính là động lực quan trọng để thúc đẩy sự thành công chuyển đổi xanh và xu hướng chuyển đổi kép - chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh - là xu hướng tất yếu mà Lâm Đồng đã sớm nắm bắt để tận dụng các vận hội mới cũng như mang lại lợi ích bền vững cho xã hội và môi trường.

Với sự chỉ đạo vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, chuyển đổi số Lâm Đồng đã đạt những kết quả quan trọng. 100% cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở có hạ tầng đảm bảo công tác điều hành qua môi trường mạng; hình thành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. 100% xã, phường, thị trấn có điểm phục vụ bưu chính, phủ sóng mạng băng rộng cáp quang, mạng di động 4G, 5G phát sóng trên địa bàn tỉnh.

Toàn tỉnh có hơn 11.000 thành viên tổ công nghệ số cộng đồng, lực lượng chủ yếu là học sinh và đoàn viên, thanh niên; tích hợp chuyển đổi số để thực hiện Đề án 06, hợp nhất hệ thống một cửa điện tử và cổng dịch vụ công thành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Lâm Đồng và triển khai đồng bộ đến 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và cấp xã.

Thực hiện tốt bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến xếp top 20 tỉnh, thành cả nước. Đặc biệt, hiện nay tất cả các địa phương đã vận hành Trung tâm Điều hành thông minh (IOC), Lâm Đồng cũng là tỉnh vào nhóm đầu cả nước thực hiện được việc này theo đúng lộ trình.

Toàn tỉnh Lâm Đồng có 12 sàn giao dịch thương mại điện tử đã được Bộ Công thương xác nhận. Đây là một kênh thông tin giới thiệu, quảng bá sản phẩm, thương hiệu tới khách hàng trong và ngoài nước và thị trường tiềm năng.

Theo Quy hoạch tỉnh Lâm Ðồng xác định, đến năm 2030, tỉnh phát triển nhanh, bền vững; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; lấy phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá; phấn đấu đến năm 2050 đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Lâm Ðồng đã xác định các trụ cột chính trong phát triển kinh tế - xã hội và định hướng chuyển đổi xanh, nhằm đạt được tương lai phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Trong tương lai gần, với bệ phóng là chuyển đổi số, sẽ sớm có các danh mục dự án xanh, tạo điều kiện cho đầu tư nguồn lực xanh, cụ thể hóa vấn đề chuyển đổi xanh.

Số hóa dữ liệu dân cư từ Đề án 06 đem lại nhiều kết quả cao cho Lâm Đồng
Số hóa dữ liệu dân cư từ Đề án 06 đem lại nhiều kết quả cao cho Lâm Đồng

“THỂ CHẾ XANH”

Tại Diễn đàn đầu tư "Cao nguyên xanh Lâm Đồng chuyển đổi xanh bền vững, cơ hội cho nhà đầu tư", GS.TS Trần Hồng Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: Lâm Đồng có nhiều tiềm năng, thế mạnh so với các địa phương trong vùng, như điều kiện tự nhiên thuận lợi; tài nguyên du lịch giàu có, phong phú, đặc sắc; văn hóa dân tộc đa dạng, người dân thân thiện và mến khách; tiềm năng đất đai đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội; kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ và hiện đại; nền kinh tế có quy mô khá so với vùng; phát triển khoa học công nghệ, kinh tế số, chuyển đổi số và kinh tế đô thị được quan tâm, thúc đẩy… Từ đó, đã mang lại cho tỉnh Lâm Đồng nhiều lợi thế để phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; tỷ lệ che phủ rừng đạt 54,37%, tiềm năng lớn để tham gia vào thị trường tín chỉ carbon.

Khi xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Lâm Đồng rất quan tâm đến việc giảm phát thải khí nhà kính (Net-Zero) thông qua định hướng ưu tiên phát triển các dự án về năng lượng tái tạo, xử lý chất thải rắn gắn với công nghệ xử lý hiện đại. Lâm Ðồng cần phải chuyển đổi xanh bền vững, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Do đó, tăng trưởng xanh cần phải dựa trên tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải nhà kính, nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế…

Để thực hiện chiến lược phát triển đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước; đến năm 2050 đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống; hiện nay tỉnh đã và đang tập trung đầu tư, kêu gọi đầu tư 15 dự án để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, ưu tiên công nghệ cao, phát triển xanh.

Theo đó để thực hiện chủ trương, định hướng và mục tiêu trên, tỉnh xác định, tiếp tục huy động mọi nguồn lực để xây dựng địa phương phát triển nhanh, bền vững dựa trên 3 trụ cột chính, bao gồm nông nghiệp hiện đại, trung tâm sản xuất nghiên cứu nông nghiệp thông minh, hiệu quả, nông nghiệp hữu cơ tầm quốc gia và quốc tế; phát triển du lịch - dịch vụ chất lượng cao và bền vững, trong đó TP Ðà Lạt trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch canh nông và du lịch văn hóa - di sản, danh lam thắng cảnh tầm quốc gia và quốc tế; phát triển công nghiệp theo hướng chọn lọc, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến dược liệu, dược phẩm và thực phẩm chức năng từ sản phẩm nông nghiệp.

Trước những mục tiêu đó, gợi mở những "thể chế xanh", các nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi cũng như cơ hội của các nhà đầu tư đối với các dự án, các hạng mục chuyển đổi xanh của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Thái cũng đã nhấn mạnh, địa phương tiếp tục đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ mới vào phát triển kinh tế; chú trọng chuyển đổi xanh, bảo đảm cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững.


Phân tích dữ liệu từ Trung tâm Điều hành thông minh - IOC huyện Đơn Dương
Phân tích dữ liệu từ Trung tâm Điều hành thông minh - IOC huyện Đơn Dương

SONG HÀNH ĐỂ BỀN VỮNG

Theo TS Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phân tích 4 vấn đề đang diễn ra trên toàn cầu liên quan chuyển đổi xanh, như: Tác động của việc tăng dân số thế giới, chiến lược an ninh lương thực mỗi quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa; sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ và tình trạng biến đổi khí hậu. Tỉnh đang từng bước nghiên cứu, xây dựng và triển khai chiến lược chuyển đổi xanh nhằm đạt được mục tiêu Net Zero, phù hợp với các định hướng và chính sách của Thủ tướng Chính phủ. Chiến lược này bao gồm việc phát triển hạ tầng bền vững, bảo vệ môi trường và khuyến khích các giải pháp năng lượng tái tạo.

Chuyển đổi số song hành với chuyển đổi xanh được xem là một sứ mệnh toàn cầu, một mệnh lệnh đặt ra cho tất cả các quốc gia, doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay nhằm hướng tới một thế giới thịnh vượng và xanh hơn.

Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh không chỉ là ứng dụng công nghệ mà còn thay đổi quy trình xử lý công việc, quy trình sản xuất - kinh doanh nhằm nâng cao hiệu suất, tính hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

Nhận thức và nhận diện rõ tính đột phá của hoạt động chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cũng như đánh giá toàn diện và thực chất thực tiễn triển khai 2 công cuộc chuyển đổi này vào thời điểm hiện nay, có giá trị hết sức to lớn và quan trọng đối với Lâm Đồng, là cơ sở để bứt phá về quan điểm, tư duy và hành động.