Hiện tại, thuốc PrEP đang được cung cấp tại Phòng Khám - Điều trị - Tư vấn HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng (số 54 Phạm Ngọc Thạch, Phường 6, TP Đà Lạt). Trong thời gian tới, thuốc PrEP sẽ được cung cấp rộng rãi tại các cơ sở điều trị ARV trong tỉnh (Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Trung tâm Y tế Đức Trọng, Bệnh viện II Lâm Đồng).
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng vừa khai trương Phòng Khám - Điều trị -Tư vấn HIV/AIDS, có Phòng điều trị PrEP (điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV) |
Sở Y tế Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) cho các đối tượng nguy cơ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2025. Mục tiêu tăng cường điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho những người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV để giảm số người nhiễm mới, hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS trước năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Mục tiêu cụ thể nhằm cung cấp dịch vụ PrEP phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, đảm bảo khách hàng được tiếp cận và sử dụng dễ dàng, thuận lợi. Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ PrEP đảm bảo khách hàng được tiếp cận PrEP toàn diện, thân thiện, hướng tới sự hài lòng của khách hàng. Tăng cường các hoạt động truyền thông, đa dạng hóa các kênh thông tin, đặc biệt tập trung vào kênh truyền thông trực tuyến thông qua mạng xã hội. Đồng thời xây dựng nội dung truyền thông phù hợp với đặc điểm của từng nhóm quần thể có hành vi nguy cơ cao, nhằm tăng khả năng tiếp cận với dịch vụ PrEP của các nhóm đối tượng này. Thiết lập mạng lưới giám sát, báo cáo điều trị PrEP lồng ghép vào mạng lưới giám sát, báo cáo phòng, chống HIV/AIDS, bảo đảm kết nối các dịch vụ để chăm sóc sức khỏe toàn diện cho khách hàng. Thiết lập cơ chế tài chính bền vững cho công tác điều trị PrEP.
Chỉ tiêu điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) được đưa ra gồm: Tỷ lệ người nam quan hệ tình dục đồng giới (viết tắt là MSM) được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) đạt 30%. Số khách hàng có nguy cơ cao nhiễm HIV được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV (PrEP) ít nhất 1 lần đạt 90 khách hàng. Tỷ lệ khách hàng duy trì điều trị PrEP sau 3 tháng đạt trên 80%.
Gói dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP), bao gồm: Tư vấn xét nghiệm HIV cho đối tượng có nguy cơ cao nhiễm HIV; điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP); hỗ trợ tuân thủ điều trị PrEP và duy trì điều trị PrEP; sàng lọc một số bệnh lây truyền qua đường tình dục thường gặp (lậu, giang mai, chlamydia) và kết nối điều trị; sàng lọc viêm gan B, C; cung cấp các vật dụng can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV như bao cao su, bơm kim tiêm (kết hợp với chương trình can thiệp giảm hại); các dịch vụ được cung cấp phải thân thiện và hướng tới sự hài lòng của khách hàng; truyền thông huy động cộng đồng và giảm kỳ thị, phân biệt đối xử trong nhóm khách hàng dùng PrEP.
Bác sĩ chuyên khoa I Bùi Văn Lượng - Trưởng Khoa HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng thông tin về việc điều trị PrEP hiệu quả cao trong dự phòng lây nhiễm HIV. Trên thế giới, các bằng chứng khoa học đã chứng minh hiệu quả điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP). PrEP là một chiến lược dự phòng HIV trong đó người chưa nhiễm HIV dùng thuốc kháng vi rút tenofovir/emtricitabine (TDF/FTC) để phòng lây nhiễm HIV. Có hai cách sử dụng PrEP là: PrEP dùng hàng ngày và PrEP tình huống (ED-PrEP).
Người cần điều trị PrEP bao gồm: Người có bạn tình là người có HIV (đặc biệt là người chưa đạt ức chế virus > 200 bản sao/ml); người có quan hệ tình dục qua đường hậu môn/âm đạo không dùng bao cao su với nhiều bạn tình; người mắc các nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STI) (tự báo cáo, từng điều trị triệu chứng, hoặc xét nghiệm); người sử dụng dự phòng sau phơi nhiễm không liên quan đến nghề nghiệp (nPEP); người yêu cầu được sử dụng PrEP; người dùng chung dụng cụ tiêm chích hoặc có bạn chích nhiễm HIV.
Những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV tuân thủ uống thuốc ARV hằng ngày có thể giảm nguy cơ lây nhiễm trên 90%. Vì vậy, năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo các quốc gia cần triển khai cung cấp dịch vụ điều trị PrEP cho nhóm có nguy cơ cao nhiễm HIV như nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người chuyển giới (TW), người tiêm chích ma tuý (TCMT), bạn tình âm tính của người nhiễm HIV chưa điều trị ARV hoặc người nhiễm HIV đã điều trị ARV có tải lượng HIV từ 200 bản sao/ml máu trở lên.
PrEP có nghĩa là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Nó có nghĩa là một người có hành vi nguy cơ cao dễ bị lây nhiễm HIV nhưng chưa bị nhiễm HIV sử dụng thuốc kháng vi rút (ARV) mỗi ngày để dự phòng không bị nhiễm HIV. Thuốc PrEP hiện đang sử dụng ở Việt Nam có tên là Truvada. Nó kết hợp 2 loại thuốc ARV là Tenofovir và Emtricitabine. Khi dùng Truvada hàng ngày, nồng độ thuốc ARV trong máu có thể ngăn chặn không cho virút HIV xâm nhập và nhân lên trong cơ thể...
Đối tượng dùng được PrEP gồm tất cả những người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao và chưa nhiễm HIV, cụ thể là: Người nam có quan hệ tình dục đồng giới; người chuyển giới nữ; người bán dâm; người tiêm chích ma túy; bạn tình của người nhiễm HIV và người nhiễm HIV đó chưa điều trị ARV hoặc điều trị ARV nhưng tải lượng HIV chưa đạt ức chế vi rút (vẫn còn trên 200 bản sao/ml máu); những người đã điều trị dự phòng sau phơi nhiễm với HIV (PEP) nhưng tiếp tục có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV cũng nên dùng PrEP.
Thuốc PrEP uống hàng ngày, mỗi ngày một viên. Có thể uống trước hoặc sau khi ăn. Nên uống vào một thời điểm nhất định để tạo ra thói quen uống thuốc đều đặn. Nếu quên liều, cần uống ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên không được uống quá 2 liều trong một ngày (trong 24 giờ). PrEP không tương tác với đa số các thuốc khác nên an toàn khi uống cùng với nhau. Điều trị PrEP rất an toàn, chỉ khoảng 10% số bệnh nhân có thể có "hội chứng bắt đầu dùng thuốc” (ví dụ: đau dạ dày hoặc đau đầu nhẹ), thường nhẹ, tự hết sau 1 - 2 tuần và không dẫn đến việc ngưng thuốc; có thể có sự giảm nhẹ, đảo ngược về mật độ chất khoáng ở xương và chức năng thận với tỷ lệ dưới 1%; chức năng thận được theo dõi chặt chẽ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin