Khai trương Phòng Khám - Điều trị -Tư vấn HIV/AIDS

AN NHIÊN 11:19, 07/01/2025

(LĐ online) - Sáng nay, 7/1, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng tổ chức khai trương Phòng Khám - Điều trị - Tư vấn HIV/AIDS (tại địa chỉ 54 Phạm Ngọc Thạch, Phường 6, TP Đà Lạt). Đặc biệt, tại đây có Phòng điều trị PrEP (điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV).

Khai trương Phòng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP)
Cán bộ y tế khai trương Phòng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP)

Tại buổi lễ, BSCKII Lê Văn Phú - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng đã công bố quyết định thành lập Tổ Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) cho các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

BSCKII Lê Văn Phú –Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng đã công bố quyết định thành lập Tổ Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP)
BSCKII Lê Văn Phú - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng đã công bố quyết định thành lập Tổ Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP)

Phát biểu khai trương Phòng Khám - Điều trị -Tư vấn HIV/AIDS, BSCKII Trịnh Văn Quyết - Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng cho biết: Thực hiện quyết định của Bộ Y tế về việc ban hành kế hoạch điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) giai đoạn 2021 – 2025 và  kế hoạch của UBND tỉnh Lâm Đồng về thực hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS trước năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Sở Y tế Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2025.

Trong tình hình dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp, ngày càng có xu hướng lan rộng tại nhiều quốc gia trên thế giới, HIV/AIDS vẫn đang là vấn đề sức khoẻ đáng quan ngại và gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe con người, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới. Theo số liệu báo cáo năm 2023 của Bộ Y tế, Việt Nam ước tính số người nhiễm HIV/AIDS còn sống là 250.000 người, trong đó có trên 234 nghìn người nhiễm HIV đã được phát hiện và đang còn sống.

Trong những năm qua, với những nỗ lực triển khai toàn diện và hiệu quả các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam giữ vững mục tiêu khống chế tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3% (hiện ước đạt 0,26%), giảm tác động của HIV/AIDS đối với sức khỏe và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tại Lâm Đồng, từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào năm 1993, tính đến tháng 12/2024 lũy tích các trường hợp nhiễm HIV/AIDS được báo cáo trên toàn tỉnh là 1.914 trường hợp, trong đó có 290 trường hợp đã chuyển thành bệnh nhân AIDS và 627 bệnh nhân tử vong do liên quan đến HIV/AIDS. Số tích lũy ca nhiễm HIV cao nhất tại thành phố Đà Lạt (585 người) và thấp nhất tại huyện Lạc Dương (10 người).

Như vậy, chúng ta cần hiểu rằng kết thúc dịch AIDS không có nghĩa là không còn người nhiễm HIV, không còn người tử vong do AIDS mà kết thúc dịch AIDS có nghĩa là khi đó AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cộng đồng. Để kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, mỗi người cần nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về HIV/AIDS, giới tính, sức khoẻ sinh sản, tình dục an toàn, tác hại của ma tuý, cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV ở giới trẻ cần có sự góp sức của cả cộng đồng trong việc chủ động triển khai các hoạt động truyền thông phù hợp về phòng chống HIV.

BSCKII Trịnh Văn Quyết –Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng  phát biểu tại lễ khai trương phòng điều trị PrEP
BSCKII Trịnh Văn Quyết – Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng phát biểu tại lễ khai trương phòng điều trị PrEP

Với mục tiêu tăng cường điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho những người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV để giảm số người nhiễm mới, hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS trước năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, chúng ta cần đẩy mạnh cung cấp dịch vụ PrEP phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, đảm bảo khách hàng được tiếp cận và sử dụng dễ dàng, thuận lợi. Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ PrEP đảm bảo khách hàng được tiếp cận PrEP toàn diện, thân thiện, hướng tới sự hài lòng của khách hàng. Tăng cường các hoạt động truyền thông, đa dạng hóa các kênh thông tin, đặc biệt tập trung vào kênh truyền thông trực tuyến thông qua mạng xã hội, xây dựng nội dung truyền thông phù hợp với đặc điểm của từng nhóm có hành vi nguy cơ cao nhằm tăng khả năng tiếp cận với dịch vụ PrEP cho khách hàng.

Thiết lập mạng lưới giám sát, báo cáo điều trị PrEP lồng ghép vào mạng lưới giám sát, báo cáo phòng, chống HIV/AIDS, bảo đảm kết nối các dịch vụ để chăm sóc sức khỏe toàn diện cho khách hàng. Thiết lập cơ chế tài chính bền vững cho công tác điều trị PrEP. Triển khai tốt việc chuyển gửi, kết nối điều trị giữa điều trị PrEP với chẩn đoán, điều trị các bệnh phối hợp như viêm gan vi rút B, C, bệnh lây truyền qua đường tình dục (lậu, giang mai, chlamydia), điều trị nghiện các chất dạng thuốc nghiện bằng methadone... Bảo đảm quyền con người trong tiếp cận dịch vụ y tế, không có sự phân biệt đối xử, đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho tất cả mọi người, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương và phải đảm bảo tính sẵn có của các dịch vụ y tế với chi phí hợp lý, đảm bảo chất lượng.

Lãnh đạo Sở Y tế kêu gọi toàn thể cán bộ, viên chức Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và người dân trong tỉnh nói chung tiếp tục tham gia và có những đóng góp tích cực hơn nữa vào công tác phòng, chống HIV/AIDS nhằm thực hiện thắng lợi Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS trước năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

BSKI Bùi Văn Lượng - Trưởng Khoa HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng thông tin về việc điều trị PrEP
BSKI Bùi Văn Lượng - Trưởng Khoa HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng thông tin về việc điều trị PrEP

BSKI Bùi Văn Lượng - Trưởng Khoa HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng thông tin về việc điều trị PrEP hiệu quả cao trong dự phòng lây nhiễm HIV. Trên thế giới, các bằng chứng khoa học đã chứng minh hiệu quả điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP). PrEP là một chiến lược dự phòng HIV trong đó người chưa nhiễm HIV dùng thuốc kháng vi rút tenofovir/emtricitabine (TDF/FTC) để phòng lây nhiễm HIV. Có hai cách sử dụng PrEP là: PrEP dùng hàng ngày và PrEP tình huống (ED-PrEP).

Người cần điều trị PrEP bao gồm: Người có bạn tình là người có HIV (đặc biệt là người chưa đạt ức chế virus > 200 bản sao/ml); người có quan hệ tình dục qua đường hậu môn/âm đạo không dùng bao cao su với nhiều bạn tình; người mắc các nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STI) (tự báo cáo, từng điều trị triệu chứng, hoặc xét nghiệm); người sử dụng dự phòng sau phơi nhiễm không liên quan đến nghề nghiệp (nPEP); người yêu cầu được sử dụng PrEP; người dùng chung dụng cụ tiêm chích hoặc có bạn chích nhiễm HIV.

Điều trị PrEP rất an toàn, chỉ khoảng 10% số bệnh nhân có thể có "hội chứng bắt đầu dùng thuốc” (ví dụ: đau dạ dày hoặc đau đầu nhẹ), thường nhẹ, tự hết sau 1-2 tuần và không dẫn đến việc ngưng thuốc; có thể có sự giảm nhẹ, đảo ngược về mật độ chất khoáng ở xương và chức năng thận với tỷ lệ <1%; chức năng thận được theo dõi chặt chẽ.

Những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV tuân thủ uống thuốc ARV hằng ngày có thể giảm nguy cơ lây nhiễm trên 90%. Vì vậy, năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo các quốc gia cần triển khai cung cấp dịch vụ điều trị PrEP cho nhóm có nguy cơ cao nhiễm HIV như nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người chuyển giới (TW), người tiêm chích ma tuý (TCMT), bạn tình âm tính của người nhiễm HIV chưa điều trị ARV hoặc người nhiễm HIV đã điều trị ARV có tải lượng HIV từ 200 bản sao/ml máu trở lên.

PrEP có nghĩa là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Nó có nghĩa là một người có hành vi nguy cơ cao dễ bị lây nhiễm HIV nhưng chưa bị nhiễm HIV sử dụng thuốc kháng vi rút (ARV) mỗi ngày để dự phòng không bị nhiễm HIV.

Thuốc PrEP hiện đang sử dụng ở Việt Nam có tên là Truvada. Nó kết hợp 2 loại thuốc ARV là Tenofovir và Emtricitabine. Khi dùng Truvada hàng ngày, nồng độ thuốc ARV trong máu có thể ngăn chặn không cho virút HIV xâm nhập và nhân lên trong cơ thể.

Các đại biểu ngành Y tế tham dự lễ khai trương Phòng điều trị PrEP
Các đại biểu ngành Y tế và giáo dục viên đồng đẳng tham dự lễ khai trương Phòng điều trị PrEP

Đối tượng dùng được PrEP: Tất cả những người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao và chưa nhiễm HIV, cụ thể là: Người nam có quan hệ tình dục đồng giới; người chuyển giới nữ; người bán dâm; người tiêm chích ma túy; bạn tình của người nhiễm HIV và người nhiễm HIV đó chưa điều trị ARV hoặc điều trị ARV nhưng tải lượng HIV chưa đạt ức chế vi rút (vẫn còn trên 200 bản sao/ml máu); những người đã điều trị dự phòng sau phơi nhiễm với HIV (PEP) nhưng tiếp tục có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV cũng nên dùng PrEP.

Thuốc PrEP uống hàng ngày, mỗi ngày một viên. Có thể uống trước hoặc sau khi ăn. Nên uống vào một thời điểm nhất định để tạo ra thói quen uống thuốc đều đặn. Nếu quên liều, cần uống ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên không được uống quá 2 liều trong một ngày (trong 24 giờ). PrEP không tương tác với đa số các thuốc khác nên an toàn khi uống cùng với nhau.

Hiện tại, thuốc PrEP đang được cung cấp tại Phòng khám – điều trị - tư vấn HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng, số 54 Phạm Ngọc Thạch – phường 6 – Tp. Đà Lạt.

Trong thời gian tới, thuốc PrEP sẽ được cung cấp rộng rãi tại các cơ sở điều trị ARV trong tỉnh (Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Trung tâm Y tế Đức Trọng, Bệnh viện II Lâm Đồng).