Mặn nồng nghĩa tình cao nguyên

VÕ TÙNG 08:48, 25/01/2025

Khoảng cách địa lý hàng ngàn cây số giữa 2 cao nguyên không làm phai nhạt tình cảm gắn bó keo sơn, giúp đỡ chí tình xuyên suốt hơn 6 thập kỷ giữa 2 tỉnh Lâm Đồng và Hà Giang, trở thành minh chứng cụ thể, sống động cho tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. 

 
Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học trực tiếp đến thăm hỏi và trao kinh phí hỗ trợ đồng bào tỉnh Hà Giang bị thiệt hại do bão số 3 gây ra

DẤU ẤN CAO NGUYÊN LÂM VIÊN NƠI ĐỊA ĐẦU TỔ QUỐC

Trưa 15/9/2024, từ thôn Tân Điền, xã Kim Ngọc, huyện Bắc Quang, nơi chịu thiệt hại nặng nề bởi cơn bão số 3 ở tỉnh miền núi biên giới phía Bắc Hà Giang, đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng sốt sắng gọi hàng chục cuộc điện thoại kết nối với lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, Sở Tài chính tỉnh và các nhà tài trợ để bàn việc xây tặng một cây cầu mới cho đồng bào miền biên ải, thay cho cầu cũ đã rệu rã, xuống cấp trầm trọng. Ý tưởng này bất ngờ xuất hiện khi đoàn công tác tỉnh Lâm Đồng trực tiếp lặn lội ra tận nơi thăm hỏi, chia sẻ đau thương mất mát, hỗ trợ bà con bị thiên tai ở tỉnh bạn, lúc trên đường trở về qua cây cầu sắt Tân Điền cũ kỹ, chứng kiến chiếc xe ô tô con không chở người và chạy rất chậm, nhưng cầu vẫn rung lắc dữ dội, tai nạn chực chờ rất nguy hiểm. “Từ nỗi đau của cầu Phong Châu ở Phú Thọ bị sập, tôi rất lo lắng khi hàng trăm hộ dân thôn Tân Điền hằng ngày phải đi qua cây cầu nằm trên tuyến đường độc đạo đã bị hư hỏng nặng”, người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng bày tỏ cảm giác bất an, lo lắng. Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học bày tỏ mong muốn khẩn trương phát động kêu gọi sửa chữa cây cầu xuống cấp hiện hữu hoặc xây cầu mới tặng người dân thôn Kim Điền. Đề xuất tức thời, nhân văn này được lãnh đạo tỉnh bạn nhất trí, đánh giá cao. Trong niềm phấn chấn xen lẫn xúc động, đồng chí Thào Hồng Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Giang bày tỏ sự cảm kích đối với tấm lòng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng và các nhà tài trợ thể hiện qua món quà mang ý nghĩa vô giá. Quyết định trao ngay 2 tỷ đồng ban đầu để xây cầu mới, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng chính thức phát đi lời kêu gọi quyên góp chung tay từ phía các nhà tài trợ. Rất nhanh chóng, Tập đoàn Đèo Cả ngỏ ý ủng hộ số tiền 10 tỷ đồng. Kinh phí đã sẵn sàng, lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã trao đổi với các đơn vị tư vấn thiết kế đối tác và Tập đoàn Đèo Cả để khảo sát và đưa ra phương án xây dựng cầu tối ưu nhất. Theo đó, Ban Quản lý dự án huyện Bắc Quang được giao làm chủ đầu tư. Cùng lúc, công tác đấu thầu chọn đơn vị thi công đã được đôn đốc, xúc tiến để kịp khởi công xây cầu ngay trong năm 2024.

Đón nhận tin vui này, cán bộ, Nhân dân thôn Tân Điền không giấu nổi niềm hân hoan, trông đợi. Ông Hoàng Văn Chung, một người dân, nói: “Bây giờ, cầu đã bị hư hỏng, cáp treo bị đứt. Khi có nhiều phương tiện đi lại cùng lúc, cầu lại càng rung lắc mạnh. Đã từng xảy ra rất nhiều vụ tai nạn tại đây, có người rơi xuống dưới rồi. Chúng tôi mong có cầu mới từng ngày".

Đồng chí Doãn Ngọc Thiện - Bí thư Đảng ủy xã Kim Ngọc, cho hay: “Tân Điền có 164 hộ dân, chủ yếu làm nghề buôn bán, trồng lúa, hoa màu. Vào mùa nước mưa, bà con không đi lại, vận chuyển được, phải đợi đến mùa nước cạn thì xe mới có thể thông thương vượt suối bằng cây cầu này, nhưng rất khó khăn, khiến giá cả nhiều mặt hàng bị đẩy lên cao. Nếu được đầu tư một cây cầu mới, kiên cố, thì sẽ giải quyết được “nút thắt” về phát triển kinh tế cho hơn 4.000 ha đất tự nhiên và 5.000 nhân khẩu thuộc 3 xã lân cận, chứ không chỉ riêng thôn Tân Điền. Ngoài ra, cầu Tân Điền còn giúp kết nối vùng giữa các huyện Bắc Quang và Vị Xuyên (Hà Giang) với tỉnh Tuyên Quang, từ đó giúp cải thiện sinh kế cho đồng bào các dân tộc thiểu số nghèo tại khu vực này”.

Đặc biệt, lãnh đạo hai địa phương thống nhất công trình mới sau khi hoàn thành sớm nhất có thể, sẽ đổi tên thành “cầu Lâm Đồng”. Từ đây, địa đầu cực Bắc của Tổ quốc hiện diện thêm một địa danh cụ thể gắn tên “người” anh em kết nghĩa chí tình ở phía Nam Tây Nguyên xa xôi, bên cạnh những con đường, nông trường, khu đô thị nơi đây đã mang tên “Lâm Đồng” .

Lâm Đồng - Hà Giang là một, xóa nhòa khoảng cách hàng ngàn cây số, như cách hai tỉnh đã dùng tên gọi của nhau để đặt cho những công trình công cộng từ rất lâu rồi.

 
Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học trực tiếp đến thăm hỏi và trao kinh phí hỗ trợ đồng bào tỉnh Hà Giang bị thiệt hại do bão số 3 gây ra

LÂM ĐỒNG - HÀ GIANG NGHĨA NẶNG TÌNH SÂU

Ngày 1/9/1960, hai tỉnh Hà Giang và Lâm Đồng đã chính thức thiết lập mối quan hệ kết nghĩa anh em, đáp ứng yêu cầu cách mạng lúc bấy giờ. Vượt lên thử thách không gian và thời gian, 64 năm qua, lớp lớp cán bộ, đảng viên, Nhân dân hai địa phương đã không ngừng vun bồi tình cảm, trách nhiệm thông qua nhiều hành động thiết thực, tạo nên sự gắn bó bền chặt, thắm thiết. Đại hội lần thứ III năm 1961, Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã vui mừng được đón đoàn đại biểu tỉnh Lâm Đồng kết nghĩa đến dự. Trong chiến tranh, từ mảnh đất Hà Giang biên cương, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc đã hành quân vào Lâm Đồng vừa xây dựng kinh tế mới, sinh sống hài hòa với người K’Ho, S’tiêng, Mạ, Churu…, vừa củng cố, bổ sung lực lượng cho cách mạng miền Nam, để cùng với anh em các dân tộc tỉnh Lâm Đồng bảo vệ, chiến đấu, giải phóng vùng đất này, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thời kỳ hòa bình, đổi mới đất nước, bất cứ lúc nào phía bạn cần hợp tác, giúp đỡ, tỉnh còn lại đều sẵn lòng tận tâm, cố gắng hết sức có thể. “Tôi và anh em trong đó rất lo lắng khi nhận thông tin tỉnh nhà bị thiệt hại cả người và tài sản. Lãnh đạo và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng cử tôi cùng đoàn công tác ra đây để thăm hỏi, động viên Nhân dân Hà Giang anh em”, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học chân thành, từ tốn bộc bạch khi sớm đặt chân đến vùng phên giậu Tổ quốc vào thời điểm bão lũ số 3 hoành hành mới đây; đồng thời, trao tặng hơn 2 tỷ đồng cùng những món quà ấm áp mà cán bộ, Nhân dân Lâm Đồng gửi tới đồng bào Hà Giang ruột thịt.

Còn bao việc làm hào hiệp, đáng trân quý khác, như các giáo viên Lâm Đồng tận tụy dạy tiếng Anh qua hình thức trực tuyến cho các em học sinh vùng cao Mèo Vạc (Hà Giang)…

Hà Giang - Lâm Đồng thân tình, gần gũi lắm. Như những đóa atiso khởi nguồn từ Lâm Đồng, xuất hiện cứng cáp nơi núi đá từ cách đây mười mấy năm, trở thành nguồn dược liệu gieo mầm sáng hy vọng tạo sinh kế thoát nghèo cho người nông dân nhọc nhằn miền biên ải. Như những cánh đồng hoa tam giác mạch mềm mại khoe sắc quyến rũ giữa “xứ sở ngàn hoa” cũng được lấy giống từ Hà Giang. Mà tôi, người kể câu chuyện về tình bạn tuyệt đẹp này đã may mắn chiêm ngưỡng, trải nghiệm ở cả hai vùng đất.

Và, hình ảnh kiêu hãnh lấp lánh dưới ánh mặt trời của hai loài hoa đặc trưng hai địa phương giao thoa, hội tụ, gợi cho tôi nhớ đến cái tên Hà Lâm, được ghép nên từ chữ cái đầu của từng địa danh để đặt cho một hợp tác xã ở Lâm Đồng. Hẳn là người ta đã nhiệt thành gửi gắm vào đó tất cả tấm lòng “khắc cốt ghi tâm”, để đồng hành dệt nên những mùa xuân đầy yêu thương và khát vọng, cùng nhau kiến tạo diện mạo Hà Giang - Lâm Đồng ngày càng văn minh, giàu đẹp.