Tỉnh Lâm Đồng đang tiếp tục đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, không theo địa giới hành chính, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Trung tâm Hành chính tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Chính Thành |
Theo bà Phạm Thị Minh Hiền - Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công Lâm Đồng, điểm nổi bật của tỉnh trong năm 2024 là việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được thực hiện đồng bộ trong việc ứng dụng một cửa điện tử và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO; quá trình giải quyết được kiểm soát chặt chẽ nên tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn trong tỉnh đạt cao.
Cho đến nay, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì và thực hiện có hiệu quả; giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại 19/19 sở, ban, ngành; 10/10 huyện, thành phố và 137/137 đơn vị cấp xã. Tỷ lệ TTHC thực hiện việc tiếp nhận, trả kết quả tại Bộ phận Một cửa của cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã đạt 100%.
Lâm Đồng cũng thực hiện 100% TTHC ngành dọc theo Quyết định số 1291/QĐ-TTg ngày 07/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ tại Bộ phận Một cửa các cấp; thực hiện đầy đủ việc đánh giá chất lượng giải quyết TTHC định kỳ theo quy định của Thông tư số 01/2018/TT-VPCP và Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định phê duyệt bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử.
Cấp thẻ căn cước công dân được thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và các huyện, thành trong tỉnh |
Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hiện nay đã bố trí quầy ưu tiên tiếp nhận hồ sơ cho người già, phụ nữ mang thai, người khuyết tật, đối tượng chính sách, người có công; lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các quầy tiếp nhận hồ sơ và giải quyết TTHC.
Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã hoàn thành các giai đoạn của Đề án đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo yêu cầu của Chính phủ đúng thời gian quy định.
Trung tâm thường xuyên tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo việc tiếp nhận giải quyết TTHC theo mô hình phi địa giới hành chính, tăng năng suất lao động của Bộ phận Một cửa. Từ tháng 4/2021 đến nay, Trung tâm tiếp nhận phi địa giới hành chính đối với 12 TTHC lĩnh vực đất đai cho cá nhân của TP Đà Lạt, đồng thời chuyển Bộ phận Một cửa của UBND Phường 4, Đà Lạt thực hiện tiếp nhận, giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh từ đầu tháng 9/2022 đến nay.
Trung tâm cũng hoàn thành việc chuyển giao cho Bưu điện tỉnh cung ứng dịch vụ bưu chính công ích đảm nhận quá trình hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ đầu vào, trả kết quả giải quyết TTHC theo quy định pháp luật đối với tất cả các lĩnh vực TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện.
Việc chuyển giao nhân viên Bưu điện thực hiện việc số hóa hồ sơ, giấy tờ TTHC, tổ chức bộ phận hướng người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến được thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Một cửa các cấp, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp được phục vụ tốt hơn; tiết kiệm chi phí trong thực hiện TTHC, đặc biệt là TTHC liên thông nhiều cấp.
Mô hình trên cũng phát huy được chủ trương của Chính phủ về xã hội hóa các dịch vụ hành chính công, hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp của người dân với cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước; góp phần giúp các cơ quan giảm áp lực công việc, tập trung cho công tác chuyên môn; số lượng nhân sự giảm, trong khi chất lượng phục vụ tại Bộ phận Một cửa tăng; tách bạch giữa việc tiếp nhận và trả kết quả TTHC với việc giải quyết TTHC.
Cụ thể, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, 14 nhân viên Bưu điện (bao gồm nhân viên thực hiện nhiệm vụ số hóa) đã thực hiện nhiệm vụ của 54 công chức của các sở, ban, ngành, giảm được 40 công chức. Tại Bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cấp huyện, mỗi đơn vị có 1 công chức và từ 2 đến 4 nhân viên Bưu điện thực hiện nhiệm vụ của 8 công chức từ các chuyên môn cấp huyện, giảm được từ 4 đến 5 công chức. Số kinh phí tiết kiệm được trong 1 năm của tỉnh ước tính khoảng 6,3 tỷ đồng (tính theo lương bình quân chi trả cho nhân viên Bưu điện hiện nay 6 triệu đồng/tháng).
Đồng thời, hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh được tích hợp chức năng của Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử đáp ứng yêu cầu tính năng kỹ thuật theo quy định.
Lâm Đồng hiện đã xây dựng, hoàn thiện Kho quản lý dữ liệu điện tử trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC và kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG) đáp ứng yêu cầu tái sử dụng dữ liệu theo quy định. Đến nay đã thực hiện đồng bộ, kết nối chia sẻ dữ liệu về trạng thái, tình hình xử lý hồ sơ giữa các hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền thực hiện của cơ quan nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh do các bộ như: Tư pháp, Xây dựng, Lao động -Thương binh và Xã hội, Y tế triển khai cung cấp với Hệ thống giải quyết TTHC cấp tỉnh và Cổng DVCQG, hệ thống thực hiện các nhóm TTHC liên thông theo Đề án 06, hệ thống của Bộ Giao thông Vận tải đối với các TTHC lĩnh vực quản lý vận tải.
Bộ nhận diện thương hiệu Bộ phận Một cửa cấp tỉnh đã được thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cũng như tại Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã theo đúng hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cũng hoàn thành việc lắp đặt ki-ốt để trả kết quả giải quyết TTHC tự động. Việc cấp thẻ căn cước công dân được thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và tại Bộ phận Một cửa cấp huyện.
“Trong thời gian đến, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ thông qua việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, không theo địa giới hành chính, nhằm giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp”, bà Hiền cho biết.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin