Việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng là vấn đề cấp thiết nhằm góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống, bồi dưỡng tình cảm cách mạng, làm cho lịch sử Đảng và lịch sử truyền thống thấm sâu trong tâm trí mỗi cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng Nhân dân.
Câu chuyện Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Thẩm, do thí sinh Huỳnh Thị Ngọc Thùy, Chi bộ Trường Mầm non Hoàng Oanh - Đảng ủy xã Quảng Lập thực hiện |
Trong những năm qua, trên cơ sở kết quả nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng của địa phương; các ban, ngành, đoàn thể huyện Đơn Dương đã tổ chức tuyên truyền Lịch sử Đảng bộ huyện giai đoạn 1930 - 1975, giai đoạn 1975 - 2005, truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân các xã, thị trấn nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và những sự kiện quan trọng của địa phương đến với đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân, nhất là trong thanh niên và học sinh. Qua đó, góp phần bồi dưỡng và phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh đoàn kết, tạo sự thống nhất cao trong Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận trong xã hội; đặc biệt đấu tranh chống các luận điệu sai trái và âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch nhằm xuyên tạc lịch sử Đảng và lịch sử dân tộc, phủ nhận sự thật lịch sử và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng của địa phương chưa được duy trì thường xuyên, nội dung, phương thức chưa đa dạng, phong phú, hiệu quả tuyên truyền chưa thật sự lan tỏa đến các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Từ thực tiễn nêu trên, Huyện ủy Đơn Dương đã tổ chức phát động Hội thi Kể chuyện tìm hiểu “Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân huyện Đơn Dương giai đoạn 1930 - 2005 và những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của huyện Đơn Dương từ 2005 đến nay”; trong đó, đối tượng dự thi là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang, giáo viên, học sinh các trường trung học phổ thông (THPT) đang sinh sống, công tác, học tập và làm việc trên địa bàn huyện Đơn Dương; chú trọng, khuyến khích sự tham gia của cán bộ hưu trí và quần chúng Nhân dân. Hội thi được tổ chức theo hình thức kể chuyện, theo đó, mỗi thí sinh tham gia dự thi lựa chọn một trong các nội dung được gợi ý mà bản thân tâm đắc, ấn tượng; biên soạn thành đề cương bài kể và trải qua 3 vòng thi sơ khảo tại cơ sở, tại các cụm và vòng Chung khảo cấp huyện; trong đó quy định thời gian kể chuyện từ 8 phút đến 12 phút.
Nếu như trước đây ít đối tượng tìm đến các công trình lịch sử Đảng bộ của huyện và các xã, thị trấn để tìm hiểu, thì giờ đây, thông qua Hội thi, rất nhiều người quan tâm tìm để đọc, nghiên cứu, từ cán bộ, đảng viên cho đến các em học sinh. Qua tổng hợp, vòng sơ khảo tại các buổi chào cờ sáng thứ Hai đầu tuần, đầu tháng của 52 tổ chức cơ sở đảng đã thu hút được gần 500 lượt cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tham gia thi kể chuyện. Vòng cơ sở tại 20 Ban Chỉ đạo thu hút 175 lượt cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tham gia; kết thúc vòng cơ sở đã lựa chọn 30 thí sinh đạt thứ hạng cao tham gia Hội thi vòng cụm.
Mặt khác, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên (người dự thi) không chỉ tìm hiểu, nắm bắt một số nội dung về lịch sử do bản thân chuẩn bị mà thông qua bài thi của các đồng chí, đồng nghiệp khác giúp cho tất cả mọi người có điều kiện hiểu biết về lịch sử địa phương. Đồng thời, thông qua không gian thi kể chuyện lịch sử vòng sơ khảo diễn ra trong các buổi sinh hoạt tư tưởng dưới cờ vào sáng thứ Hai đầu tuần, đầu tháng, sinh hoạt cơ quan, đơn vị nên đối tượng hướng đến để tuyên truyền là rất lớn. Một đơn vị, một người kể nhưng hàng trăm người nghe, điều này được minh chứng ở Trường THPT Đơn Dương, cả giáo viên và học sinh có tất cả 800 người. Khi một học sinh kể chuyện về lịch sử thì cả 800 người đều được biết về lịch sử. Một tháng thi kể ít nhất 2 lần thì khoảng 1.600 lượt người được nghe.
Với sự phong phú, đa dạng về chủ đề, nhiều sự kiện lịch sử như “trận đánh hào hùng của quân và dân huyện Đơn Dương trong cuộc tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1968”, “Khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng ở quận D’ran - Khúc ca của lòng yêu nước, cuộc chiến của sự tự do”, “Đơn Dương đã đổi thay và đột phá trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước”; hay tấm gương người nữ cán bộ “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, đồng chí Amalé Nghèo - tấm gương tiêu biểu trong phong trào chống FULRO được các thí sinh tái hiện một cách sinh động qua hiệu ứng sân khấu hóa sinh động, hấp dẫn, lan tỏa nhiều cung bậc cảm xúc cho người nghe, cung cấp nhiều thông tin bổ ích. Đặc biệt, sự liên hệ với thực tiễn của thí sinh sau mỗi chủ đề đã tạo được hiệu ứng tuyên truyền, giáo dục sâu sắc trong mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên.
Hơn nữa, việc trao đổi thông tin, nội dung liên quan đến lịch sử huyện, việc tìm hiểu kinh nghiệm giữa những đối tượng tham gia dự thi cũng tạo điểm nhấn làm tăng hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục. Từ đó, giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhất là thế hệ trẻ hiểu sâu sắc về truyền thống cách mạng của Đảng, quê hương, khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, nhất là góp phần quan trọng vào việc bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc, bóp méo lịch sử của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị.
Có thể khẳng định, Hội thi đã thật sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ và mang lại hiệu quả rất lớn trong công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ địa phương, truyền thống lịch sử hào hùng của các thế hệ cha anh trong đấu tranh giải phóng dân tộc; những thành tựu đạt được của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện nhà trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin