Từ công việc giảng dạy tiếng K’Ho và tiếng Mạ, thầy giáo Trần Ngọc Biên - Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Bảo Lâm, đã góp sức giữ gìn hồn cốt ngôn ngữ Mạ và K’Ho.
Thầy giáo Trần Ngọc Biên (bìa phải) |
Thầy giáo Trần Ngọc Biên chia sẻ, việc ông đến với công tác giảng dạy tiếng nói, chữ viết của người K’Ho và người Mạ là hệ quả kéo theo của việc tự mày mò học ngôn ngữ của 2 dân tộc này trước đó. “Tôi là quân nhân, nhập ngũ năm 1974 đến năm 1985 thì chuyển về công tác tại tỉnh Lâm Đồng, dạy học ở Cát Tiên. Năm 1987, Cát Tiên tách ra từ huyện Đạ Huoai để thành lập huyện mới, tôi lại chuyển công tác sang Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cát Tiên. Tại đây, tôi gặp gỡ, tiếp xúc với cán bộ, đảng viên người Mạ ở Xã 5 (nay là xã Đồng Nai Thượng - xã Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân), rồi Nhân dân Thôn 4, Thôn 5 và Buôn Go - những nơi sinh sống chủ yếu của người Mạ. Đa phần cán bộ, đảng viên người Mạ lúc bấy giờ đã cao tuổi, tiếng Kinh bị hạn chế nên việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng tại những nơi đó gặp rất nhiều khó khăn. Để công tác tuyên giáo của Đảng đạt hiệu quả tốt, tôi quyết định phải học tiếng Mạ”, thầy giáo Trần Ngọc Biên tâm sự.
Thời đó, tài liệu để học tiếng Mạ gần như bằng không, ông phải học theo phương pháp... thủ công, nghĩa là người Mạ nói âm gì thì ghi lại âm đấy. Cứ như vậy, ngày qua ngày, vốn từ vựng tiếng Mạ lớn dần, ông đã có thể giao tiếp với người Mạ bằng tiếng Mạ. Sau đó, ông biên soạn các tài liệu tuyên truyền của Đảng bằng tiếng Mạ. Công tác tuyên giáo của Đảng trong vùng người Mạ sinh sống cũng nhờ đấy mà ngày càng hiệu quả. Trong thời gian này, ông lại có dịp tiếp xúc với ngôn ngữ K’Ho. Đó là nguồn tư liệu quý để sau này khi chuyển đến Bảo Lâm sinh sống và công tác, ông lại phát huy khả năng truyền đạt các chủ trương, đường lối của Đảng đến với cộng đồng người K’Ho, người Mạ - 2 dân tộc thiểu số có số dân đông nhất ở huyện Bảo Lâm. “Năm 1994, tôi chuyển về Bảo Lâm công tác, lại có dịp tiếp xúc với bà con người Mạ, người K’Ho ở những căn cứ kháng chiến như xã Lộc Bắc (cả xã Lộc Bảo), xã Lộc Lâm (cả xã Lộc Phú) và xã Lộc Nam. Một điều khá thú vị ở đây chính là việc phân chia địa bàn cư trú: phía Nam đường 20 (Quốc lộ 20) chủ yếu người K’Ho cư trú, phía Bắc đường 20 thì người Mạ cư trú”, thầy giáo Trần Ngọc Biên cho biết.
Năm 2005, ông là một trong hơn 70 học viên trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được cử tham gia khóa đào tạo giáo viên tiếng K’Ho và tiếng Mạ do Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng phối hợp với Sở Nội vụ Lâm Đồng tổ chức. Qua khóa đào tạo này, không chỉ giúp ông phục vụ đắc lực cho công tác tuyên giáo của Đảng trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, còn là những kinh nghiệm quý báu về nghiệp vụ sư phạm, phương pháp giảng dạy tiếng K’Ho, tiếng Mạ. Năm 2010, thầy giáo Trần Ngọc Biên đã tham gia cùng nhóm biên soạn biên soạn tài liệu tiếng K’Ho và tiếng Mạ dùng để giảng dạy cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Hiện, ông trực tiếp giảng dạy tiếng K’Ho và tiếng Mạ cho cán bộ, công chức, viên chức các huyện Bảo Lâm, Cát Tiên (nay là Đạ Huoai) và TP Bảo Lộc.
Từ thực tiễn dạy học, nghiên cứu của mình, thầy giáo Trần Ngọc Biên đã đưa ngôn ngữ Mạ - K’Ho đến gần hơn với đời sống, giúp người K’Ho và người Mạ đọc được tiếng nói và viết được chữ viết của dân tộc mình, giúp người Kinh biết thêm những giá trị văn hóa mới để thực hiện tốt hơn chức trách trong công việc, góp phần lan tỏa tiếng nói, chữ viết của người K’Ho và người Mạ trong cộng đồng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin