Trong năm 2024, Lâm Đồng đạt được nhiều kết quả trong thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra công tác đảm bảo ATTP trong dịp Festival Hoa Đà Lạt năm 2024 |
UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh; ban hành kế hoạch đảm bảo ATTP trong các đợt cao điểm như: Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu, mùa lễ hội…; hướng dẫn tổ chức, đơn vị triển khai đảm bảo ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm. UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP để làm cơ sở đánh giá tác động một số chính sách của Luật ATTP sửa đổi, bổ sung.
Các sở, ngành đã xây dựng kế hoạch đảm bảo ATTP theo quy định, đồng thời chỉ đạo tuyến dưới thực hiện nghiêm túc công tác quản lý ATTP và Chỉ thị số 17/CT-TTg. Trong năm 2024, các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã tổ chức kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo ATTP tại các huyện, thành phố trên địa bàn theo các đợt cao điểm.
UBND các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch triển khai công tác bảo đảm ATTP và thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg trên địa bàn; tăng cường kiểm soát ATTP tại các chợ, siêu thị, các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể...; 100% huyện, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai công tác bảo đảm ATTP. Các xã, phường, thị trấn tổ chức ký bản cam kết bảo đảm ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định. Hướng dẫn các cơ sở có trách nhiệm niêm yết công khai bản cam kết tại cơ sở và thực hiện các nội dung đã cam kết về điều kiện bảo đảm ATTP tương ứng. Kiểm tra, giám sát, quản lý ATTP đối với cơ sở ký cam kết theo quy định.
Trong năm 2024 không có tổ chức, cá nhân nào thuộc thẩm quyền quản lý bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm, lơ là trong quản lý ATTP.
Các đơn vị đã tiến hành kiểm tra, hậu kiểm các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh do-anh vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông, lâm, thủy sản; các cơ sở sản xuất, kinh do-anh thực phẩm; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố... Các ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Quản lý thị trường, Công an đã kiểm tra, hậu kiểm 13.982 cơ sở; phát hiện vi phạm, xử lý phạt tiền 463 cơ sở hơn 2,7 tỷ đồng. Các cơ sở vi phạm chủ yếu về điều kiện đảm bảo ATTP, điều kiện kinh doanh, vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa...
Các ngành đã triển khai kế hoạch giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm nhằm cảnh báo nguy cơ về ATTP như test nhanh 147 mẫu thực phẩm có nguy cơ cao (như bún, bánh, chả, heo quay, mứt...) đều cho kết quả đạt; xét nghiệm tại labo 1.576 mẫu (thực phẩm bảo vệ sức khỏe, nước uống đóng chai, bao bì, chè, rau củ, quả, trái cây các loại, động vật tươi sống, thủy sản, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi…), kết quả có 1.535 mẫu đạt, 41 mẫu không đạt (chiếm 2,6%). Giám sát đảm bảo ATTP phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa diễn ra trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đảm bảo không để ngộ độc thực phẩm xảy ra trong thời gian diễn ra các sự kiện.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh như: Bệnh dịch tả lợn châu Phi; bệnh viêm da nổi cục trên bê; bệnh tiêu chảy ở bò sữa. Cơ quan chức năng đã thực hiện các biện pháp cách ly điều trị; vệ sinh phòng bệnh, phun thuốc sát trùng, tiêu độc tại các cơ sở, hộ chăn nuôi và khu vực xung quanh có bò bị bệnh, chết, buộc tiêu hủy, đảm bảo vệ sinh môi trường. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác kiểm dịch, giết mổ; không để xảy ra tình trạng giết mổ, vận chuyển bò bị bệnh ra khỏi địa phương. Đảm bảo công tác kiểm soát giết mổ; kiểm dịch xuất, nhập vào tỉnh; trong đó nhập 27,3 tấn sản phẩm đông lạnh; 4,6 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt.
Năm 2024, ghi nhận 1 vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên (có trong cóc) với 2 người mắc, 1 người tử vong tại xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm. Tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính trong các vụ ngộ độc được ghi nhận 1/100.000 dân, là 0,15% giảm so với cùng kỳ (15,8%).
Lâm Đồng đã thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính về lĩnh vực ATTP, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, 100% hồ sơ về ATTP đều được xử lý trước và đúng thời hạn theo quy định. Trong năm 2024, toàn tỉnh cấp 1.583 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Triển khai hệ thống thông tin quản trị ATTP đồng bộ, liên thông, kết nối vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, kiến thức về ATTP. Chủ động nắm thông tin từ hệ thống giám sát ATTP trong cả nước; cảnh báo sản phẩm thực phẩm không an toàn trên hệ thống trang thông tin điện tử của các sở, ngành, trên hệ thống loa truyền thanh các xã, thị trấn.
Tổ chức 97 lớp tập huấn về ATTP cho 9.110 học viên là các đối tượng là cán bộ quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; các tổ chức, đoàn thể. Trong đó, 17 lớp, 766 học viên là cán bộ, công chức; 67 lớp, 6.647 học viên là người trực tiếp sản xuất, kinh doanh và bếp ăn tập thể của trường học. Thực hiện thông tin, tổ chức các hoạt động kết nối sản xuất với tiêu thụ, xúc tiến thương mại, truyền thông quảng bá sản phẩm, thương hiệu nông sản sạch, đảm bảo ATTP của địa phương thông qua các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại. Triển khai xây dựng mô hình đảm bảo ATTP trong sản xuất rượu thủ công tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng; mô hình điểm về ATTP đối với các bếp ăn tập thể trong Khu công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng.
Việc thực hiện các nhiệm vụ đặc thù tại Chỉ thị số 17/CT-TTg như: Đảm bảo ATTP tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; phát triển hệ thống phân phối thực phẩm; áp dụng VietGAP trong trồng trọt và chăn nuôi... cũng đạt được nhiều kết quả tích cực.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin