(LĐ online) - Mùa Xuân năm 1966, phong trào đấu tranh chống chế độ Sài Gòn của học sinh, sinh viên Đà Lạt đã bùng lên mạnh mẽ, đỉnh cao là sự kiện chiếm Đài Phát thanh Đà Lạt (từ ngày 1/4 đến ngày 4/4/1966). Kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống học sinh, sinh viên (9/1/1950 - 9/1/2025), ông Lê Thân - một trong những thủ lĩnh của phong trào năm 1966 tại Đà Lạt, đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi hết sức ý nghĩa.
Tác giả và ông Lê Thân |
• Thưa ông, với vai trò là Tổng Thư ký của Lực lượng Nhân dân, Sinh viên, Học sinh Tranh thủ Dân chủ Đà Lạt - lực lượng lãnh đạo Phong trào học sinh, sinh viên ở Đà Lạt năm 1966, ông có thể chia sẻ một chút về phong trào này?
• Ông Lê Thân: Phong trào học sinh, sinh viên tại Đà Lạt năm 1966 là một phần của làn sóng đấu tranh lớn ở miền Trung Việt Nam, vốn bùng nổ từ Huế và Đà Nẵng trước đó. Lúc đó, tình hình chính trị rối ren, các tướng lĩnh cao cấp Sài Gòn có tham vọng chính trị khác nhau muốn dựa vào ảnh hưởng của Phật giáo để giành sự ủng hộ Phật tử và vai trò lãnh đạo trong chính quyền Việt Nam Cộng hoà. Chính những mâu thuẫn này đã châm ngòi cho các phong trào đấu tranh dân chủ ở nhiều nơi, trong đó Đà Lạt cũng không ngoại lệ.
Tại Đà Lạt, phong trào khởi đầu từ sự kêu gọi của học sinh, sinh viên Phật tử, đặc biệt là tại chùa Linh Sơn. Anh em học sinh, sinh viên tập hợp lại, hình thành một lực lượng quần chúng mạnh mẽ với nòng cốt là Lực lượng Tranh thủ Dân chủ thành lập ngày 26/3/1966, do ông Hồ Quang Nhật - người Công giáo, sinh viên Viện Đại học Đà Lạt làm Chủ tịch và tôi, lúc đó đổi tên là Thạch, học sinh Trường Trung học Trần Hưng Đạo làm Tổng Thư ký.
Chúng tôi nhận thức rõ ràng rằng đây là thời điểm để cất tiếng nói, không chỉ đấu tranh cho tự do dân chủ mà còn để thể hiện sự bất mãn với chính quyền của ông Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ, cũng như hưởng ứng phong trào học sinh, sinh viên của miền Trung.
Riêng tôi, lúc đó mới trở về từ nhà tù ở Nha Trang, mất liên lạc với người phụ trách mình và đang tìm cách tiếp tục học tập và hoạt động tại Đà Lạt. Dù không giữ vai trò lãnh đạo cao nhất, tôi cùng các anh em tham gia phong trào một cách tích cực.
Đài Phát thanh Đà Lạt bị đốt ngày 4/4/1966. Ảnh tư liệu |
• Việc chiếm Đài Phát thanh Đà Lạt diễn ra như thế nào và có ý nghĩa ra sao, thưa ông?
• Ông Lê Thân: Chiếm Đài Phát thanh Đà Lạt là một trong những sự kiện quan trọng nhất của phong trào. Đây là cách để tiếng nói của chúng tôi lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ trong phạm vi Đà Lạt mà còn tác động đến các khu vực lân cận. Sự kiện này chịu ảnh hưởng trực tiếp từ phong trào ở Huế và Đà Nẵng, nơi các lực lượng quần chúng đã sử dụng đài phát thanh để truyền tải thông điệp đấu tranh.
Ngày hôm đó, ngày 1/4/1966, đoàn biểu tình của chúng tôi tập trung tại khu vực chợ Hòa Bình, sau đó tiến đến Dinh Thị trưởng. Bà Nguyễn Thị Hậu, lúc đó là Thị trưởng Đà Lạt, đã ra đối thoại nhưng không thành công do quần chúng cho rằng bà không có thiện chí với Nhân dân, khi Nhân dân đứng phơi nắng, bà lại ngồi trên ghế do cận vệ mang ra.
Khi chúng tôi chuyển hướng chiếm Đài Phát thanh Đà Lạt, lực lượng bảo an tại đó rút lui theo lời khuyên từ một viên Đại uý Tuyên úy Phật giáo. Đài Phát thanh bị lực lượng tranh thủ dân chủ chiếm rất dễ dàng. Tuy nhiên, khi tiếp quản, chúng tôi phát hiện bóng đèn phát sóng bị tháo mất. Mất một khoảng thời gian, chúng tôi mới tìm được bóng đèn bị giấu trong thùng rác và khôi phục hoạt động phát thanh.
Chúng tôi phát đi bản Tuyên ngôn 5 điểm tập trung vào việc đòi hỏi dân chủ và bầu cử, yêu cầu các tướng tá tập trung vào nhiệm vụ chiến đấu, để lại chính quyền cho dân sự. Sự kiện này không chỉ làm chính quyền Đà Lạt rúng động mà còn tác động lớn đến dư luận miền Nam.
• Phong trào này có phải là của Phật giáo như một số người nhận định?
• Ông Lê Thân: Đúng là ban đầu phong trào có sự hỗ trợ từ giới Phật giáo, đặc biệt từ chùa Linh Sơn, trường Bồ Đề. Nhưng chúng tôi, những người tham gia, không hoàn toàn gắn mình với một tôn giáo nào. Phong trào chủ yếu là của học sinh, sinh viên, quần chúng, những người cảm thấy bất mãn và mong muốn thay đổi ở miền Nam.
Ngay cả trong hàng ngũ chính quyền Việt Nam Cộng hòa tại Đà Lạt, nhiều sĩ quan cũng không dám mạnh tay đàn áp vì họ e ngại về hậu quả khi chính quyền sụp đổ như họ đã thấy trước đó. Đây cũng là yếu tố giúp phong trào có được thời gian tồn tại và lan rộng.
Sinh viên Trường Cao đẳng Đà Lạt ngày nay |
• Vậy, vai trò lãnh đạo của Đảng trong sự kiện này như thế nào, thưa ông?
• Ông Lê Thân: Phong trào học sinh, sinh viên ở Đà Lạt năm 1966 không phải là một sự kiện đơn lẻ, mà là một phần của chiến lược đấu tranh rộng lớn được Đảng chỉ đạo nhằm khoét sâu mâu thuẫn nội bộ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, đồng thời tận dụng tình hình bất ổn để thúc đẩy phong trào cách mạng ở đô thị.
Đường lối của Đảng lúc bấy giờ là “Đứng vững hai chân – chính trị và quân sự, tấn công ba mũi – chính trị, quân sự, binh vận, trên ba vùng chiến lược - rừng núi, đồng bằng, đô thị”. Chính trong bối cảnh này, phong trào học sinh, sinh viên ở Đà Lạt được định hướng để đạt ba mục tiêu chiến lược.
Một là, khoét sâu mâu thuẫn nội bộ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa: Việc tổ chức các cuộc biểu tình, chiếm Đài Phát thanh không chỉ là biểu hiện của sự bất mãn trong quần chúng mà còn là cách gây bất ổn hậu phương của địch, giữa giới lãnh đạo quân đội và chính quyền ngày càng trầm trọng.
Hai là, tìm kiếm và chuyển hướng nhân tố lãnh đạo: Trong quá trình đấu tranh, Đảng luôn nhắm đến việc phát hiện những nhân tố ưu tú trong phong trào quần chúng, đặc biệt là trí thức và học sinh, sinh viên, để xây dựng lực lượng lâu dài và từng bước hướng họ tham gia Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam.
Ba là, đẩy mạnh mâu thuẫn giữa quần chúng và chính quyền: Đảng chủ trương tận dụng tối đa sự bất mãn của quần chúng để tạo xung đột trực tiếp với chính quyền Việt Nam Cộng hòa, từ đó làm sâu sắc thêm sự chia rẽ và khiến nhiều người chuyển hẳn sang hàng ngũ cách mạng.
Vai trò của Đảng trong phong trào là hết sức tinh tế, linh hoạt. Thời điểm đó, phong trào công khai ở Đà Lạt không do các cơ sở Đảng trực tiếp chỉ huy, mà chủ yếu dựa vào lực lượng quần chúng, đặc biệt là giới Phật tử và học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, các cơ sở cách mạng của Đảng luôn hiện diện, dù không lộ diện công khai nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và hỗ trợ phong trào.
Thực tế, đa số anh em trong ban lãnh đạo phong trào ở Đà Lạt thời đó không liên quan trực tiếp đến Đảng hay Mặt trận Giải phóng miền Nam. Bản thân tôi là người của cách mạng, nhưng lúc này cũng mất liên lạc, lực lượng quần chúng tích cực, bao gồm cả các cơ sở cách mạng ẩn danh, đã hỗ trợ và hòa mình vào phong trào, đảm bảo rằng mọi hoạt động đều đi đúng hướng của Đảng và phục vụ cho lợi ích lớn hơn mà Đảng hướng tới như trên tôi đã nói.
• Chắc hẳn trong quá trình đấu tranh không thể tránh khỏi những khó khăn, tổn thất, ông có thể chia sẻ về điều này?
• Ông Lê Thân: Phong trào này không tránh khỏi khó khăn và tổn thất. Lực lượng quân đội Việt Nam Cộng hòa đã tấn công lại vào sáng sớm ngày 4/4 và chúng tôi quyết định rút lui. Trước khi rút, anh Hồ Quang Nhật - Chủ tịch Lực lượng Tranh thủ Dân chủ ra lệnh đốt đài phát thanh để ngăn không cho đối phương tiếp quản. Những ngày sau đó, địch đã tăng cường đàn áp, nhiều anh em đã hi sinh.
Hậu phong trào, một số học sinh, sinh viên tham gia Mặt trận Giải phóng miền Nam như Ngô Ngọc Dũng, Phạm Xuân Tể, Nguyễn Minh Thơ, Hoàng Mạnh Tiến, Thái Ngô Cư, Thái Kim Đăng và một số người khác như cô Tâm, cô Hà, anh Quang, anh Hưng… và nhiều người khác trở về với đời sống bình thường. Phong trào tuy không kéo dài, nhưng đã để lại một dấu ấn sâu sắc, chứng minh sức mạnh của quần chúng khi đoàn kết vì một lý tưởng chung.
Phong trào đã làm nổi bật sự bất ổn trong nội bộ chính quyền Việt Nam Cộng hòa, đồng thời cho thấy tiềm năng to lớn của quần chúng trong việc tạo áp lực thay đổi chính trị. Tuy không thể nói rằng phong trào này mang lại kết quả toàn diện, nhưng nó đã để lại kinh nghiệm đấu tranh sau này, như phong trào học sinh, sinh viên Đà Lạt những năm 70, góp phần vào dòng chảy chung của phong trào dân chủ và độc lập dân tộc.
• Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên, ông có lời khuyên nào đối với thế hệ học sinh, sinh viên hôm nay trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc?
• Ông Lê Thân: Truyền thống hào hùng của học sinh, sinh viên Việt Nam luôn gắn liền với những trang sử vẻ vang của dân tộc. 75 năm qua, các thế hệ học sinh, sinh viên đã không chỉ là những người tiên phong trong phong trào yêu nước, mà còn là những người mở đường cho sự đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.
Ngày nay, trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thế hệ trẻ Việt Nam cần nhận thức rõ rằng, sứ mệnh của học sinh, sinh viên không chỉ dừng lại ở việc học tập mà còn là góp phần xây dựng một Việt Nam thịnh vượng.
Các bạn học sinh, sinh viên hãy luôn khát khao học hỏi để tạo ra giá trị cho bản thân, cộng đồng và đất nước. Hãy giữ vững tinh thần yêu nước và trách nhiệm xã hội, tinh thần yêu nước hôm nay là nỗ lực học tập, nghiên cứu và sáng tạo để đưa đất nước vươn lên. Các bạn phải có bản lĩnh và sống có lý tưởng, bởi một thế hệ trẻ mạnh mẽ về tư tưởng sẽ là trụ cột cho tương lai của dân tộc.
Thế hệ chúng tôi đã làm nên lịch sử trong thời kỳ chiến tranh và giải phóng dân tộc, thế hệ của các bạn hôm nay phải viết nên những trang sử mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tôi tin rằng, với tinh thần và bản lĩnh của mình, thế hệ học sinh, sinh viên hôm nay sẽ đưa đất nước Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới một cách mạnh mẽ.
• Cảm ơn ông đã chia sẻ những ký ức, góc nhìn quý báu về Phong trào học sinh, sinh viên tại Đà Lạt năm 1966, cũng như những lời nhắn nhủ của ông đến thế hệ trẻ hôm nay.
- Ông Lê Thân sinh năm 1944 tại Nha Trang, Khánh Hoà - Năm 1961: Tham gia hoạt động cách mạng - Từ tháng 3/1963 - 8/1963: Bị địch bắt giam tại Nha Trang - Năm 1965: Học sinh Trường Trung học Trần Hưng Đạo (Đà Lạt) - Năm 1966: Tham gia Lực lượng Tranh thủ Dân chủ và tham gia lãnh đạo Phong trào học sinh, sinh viên tại Đà Lạt - Cuối năm 1966: Về lại Sài Gòn tiếp tục hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên - Từ tháng 4/1968 - 5/1975: Bị đị bắt giam tại Côn Đảo - Sau năm 1975, làm việc tại Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Lâm Nghiệp, Công ty Xuất Nhập khẩu… |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin