Mười năm cặp lá đến trường

DIỆP QUỲNH 01:21, 04/04/2023

Một hành trình chưa dài nhưng cũng không ngắn. Mười năm với những lứa học trò ngày ngày lặn lội, vượt khó tới trường. Mười năm, những người thầy, người cô đồng hành, lặng lẽ vun cho đời những mầm xanh. Mười năm, con số đầy hi vọng với thầy cô và học trò Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, ngôi trường nằm nơi con đèo Phi Liêng, Đam Rông.

Học trò Trường THPT Nguyễn Chí Thanh trong một tiết Hóa học
Học trò Trường THPT Nguyễn Chí Thanh trong một tiết Hóa học

MƯỜI NĂM VƯỢT KHÓ

Cô giáo Trương Thị Phượng - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, người đã gắn bó với trường từ những ngày đầu thành lập rất tự hào chia sẻ về mái trường thương mến của mình. Với cô và đội ngũ thầy cô giáo, người lao động trong nhà trường, đây không chỉ là nơi làm việc mà còn là mái ấm, là nơi thầy cô gửi gắm thanh xuân, là nơi gắn bó với những lứa học trò đầy gian khổ.

“Hồi mới thành lập, trường vô cùng khó khăn, khó khăn từ thầy cô cho tới học trò. Nhất là học trò của trường, phải nói là các em đã vượt gian khổ để tiếp tục tới lớp” - cô Phượng nhớ lại những ngày đầu tiên, khi ngôi trường mới được xây dựng trên sườn đồi đất đỏ, nơi học sinh ở những địa danh xa lắc như Tây Sơn, Đơng Glê, Băng Bá..., cách xa trường 15 - 20 km. Những học trò người Mông, Dao, Nùng, K’Ho đi bộ hàng chục cây số, vác gạo vác mắm, ra trung tâm trọ học để tới trường. Những cơn mưa rừng cắt lối, nhiều em đã nản lòng, nghỉ học giữa chừng, quay về với buôn, với bản. Và thầy cô lại lặn lội tìm từng học trò, vận động, thuyết phục các em tới lớp, tiếp tục bảng đen phấn trắng. 
“Chính vì học trò khó khăn quá mà chương trình Cặp lá tới trường của Trường Nguyễn Chí Thanh ra đời”, thầy Đặng Hoàng Hải, giáo viên Vật lý, nguyên Bí thư Chi đoàn nhà trường những ngày đầu thành lập nhớ lại. Thầy Hải không quên những cô bé, cậu bé người Mông vượt đồi từ Tây Sơn, ở trọ để tiếp tục học hành. Đầu tuần, các em đi bộ cả 20 km vác gạo, vác mì ra trường, cuối tuần lại cặm cụi đi bộ về nhà. Nhiều em có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, mồ côi, gia đình có người bệnh, cơ hội đến trường rất mong manh. Vậy là thầy cô giáo vận động nhau, mỗi tháng tự nguyện đóng góp một số tiền để trao học bổng hàng tháng cho những học trò khó khăn nhất với tên gọi “Cặp lá tới trường”. Số tiền không lớn, chỉ vài trăm ngàn đồng/tháng nhưng giúp các em có chi phí mua mắm, mua dầu, chút cá khô để thêm vững tâm đến lớp. Những học bổng đơn sơ ấy đã giúp hàng chục cậu bé, cô bé tiếp tục được việc học, có thêm cơ hội nhìn ngắm xung quanh, tìm hiểu cuộc sống rộng mở.

CẶP LÁ VẪN XANH

Sau 10 năm, cuộc sống của cư dân xã Phi Liêng, huyện Đam Rông đã có nhiều thay đổi. Đời sống ấm no hơn, đường sá đi lại đã được xây dựng, hoàn thiện nhiều. Mái trường Nguyễn Chí Thanh cũng khang trang hơn, đẹp đẽ hơn. Và học trò tới lớp cũng bớt nhiều nỗi lo hơn.

“Nhưng vẫn còn nhiều em rất khó khăn, trường vẫn rất lo cho các em”, cô Trương Thị Phượng tâm sự. Phi Liêng là xã điều kiện kinh tế còn khá vất vả, bà con sống ở nhiều vùng rất xa, chưa có điện lưới, chưa có cả sóng điện thoại. Đến hôm nay, Cặp lá tới trường của Trường THPT Nguyễn Chí Thanh vẫn xanh. Mỗi tháng, thầy cô tự nguyện đóng góp 50 ngàn đồng/người, làm học bổng cho những em học trò khó khăn nhất. Năm học 2022 - 2023, đang có 13 học sinh được nhận sẻ chia từ chương trình. Ngoài ra, nhờ vào công tác xã hội hoá, sự hỗ trợ của cộng đồng, mỗi năm vào các dịp lễ, tết, nhà trường lại trao nhiều phần quà cho học sinh.

Không chỉ đóng góp, trao học bổng hàng tháng giúp học trò tới lớp, những thầy giáo, cô giáo của Trường THPT Nguyễn Chí Thanh còn như mối dây, góp phần níu giữ học trò ở lại với con chữ. Thầy cô thường xuyên tới nhà trọ để thăm học trò, nhất là khi thấy học trò vắng học. Mỗi dịp Tết Nguyên đán, giáo viên vào tận buôn để trao quà tết tới các em, vận động gia đình và học trò quay lại trường sau kì nghỉ. Mùa mưa, nhiều thầy cô vẫn nhắc nhở nhau, có vào buôn, vào bản thì nhìn trời. Chứ không chỉ cần một cơn mưa, nước dâng là thầy cô kẹt lại ở nơi không có sóng điện thoại, không báo tin được ra ngoài trường. 

“Cặp lá đến trường” đã và đang xanh từ những ngày đầu thành lập cho tới hôm nay. Nhìn những học trò ngày một trưởng thành, những thay đổi tích cực trong cuộc sống, những thầy cô giáo của Trường THPT Nguyễn Chí Thanh càng thêm vững tin vào tương lai, vào sự cố gắng của mình, sự vươn lên của học trò giúp lá mỗi ngày mỗi xanh.