Đưa chữ viết K'Ho vào trường học

LÊ TRỌNG 06:11, 05/05/2023

Có một lớp học thật đặc biệt đang hiện hữu tại một ngôi trường vùng xa của tỉnh - đó là lớp truyền dạy chữ viết của người K'Ho cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), do Trường THCS Tân Thượng phối hợp với Trung tâm Giáo dục cộng đồng của xã tổ chức. Lớp học đã được vận hành như thế nào, các em học sinh dân tộc thiểu số hưởng ứng ra sao và cấp ủy, chính quyền địa phương kỳ vọng gì từ lớp học lần đầu tiên được tổ chức ở Lâm Đồng?

Truyền dạy chữ viết của đồng bào KHo tại Trường THCS Tân Thượng
Truyền dạy chữ viết của đồng bào K'Ho tại Trường THCS Tân Thượng

• LỚP HỌC ĐẶC BIỆT

Ngôi trường và lớp học đặc biệt mà tôi quyết tâm “thị sát” cho bằng được nằm trên một khu đồi cao, thoáng đãng, được đầu tư xây dựng khá khang trang, sạch đẹp, quanh năm thông vi vút thuộc địa bàn xã Tân Thượng, huyện Di Linh. Trước mắt tôi, chẳng phải một lớp học thuần túy như bao lớp học khác vẫn thường thấy vào mỗi năm học, mà là một lớp học đặc biệt lần đầu tiên được tổ chức dành cho các em học sinh là con em đồng bào DTTS hiện đang theo học tại trường. Lớp truyền dạy chữ viết của đồng bào K'Ho cho học sinh DTTS tại Trường THCS Tân Thượng, do thầy giáo K’Brôl - hiện đang là giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - THCS huyện Di Linh đảm trách đang bước vào tuần thứ 5, cùng với đó, sự cố gắng nỗ lực của cả thầy và trò để có thể hoàn thành tốt những nội dung cơ bản mà khóa học đã đề ra trong thời gian chỉ vỏn vẹn có 10 tuần lễ.

Chính thức khai giảng vào ngày 27/2/2023, đến nay, lớp truyền dạy chữ viết của đồng bào K'Ho này đã đi qua được hơn nửa chặng đường. Qua tìm hiểu, ban đầu, lớp học có 70 học sinh, nhưng hiện chỉ còn 48 học sinh là con em đồng bào K'Ho, trong đó duy nhất có 1 học sinh người Kinh theo học. Tài liệu phục vụ cho việc dạy và học tiếng K'Ho tại trường là bộ giáo trình do Sở Nội vụ và Sở Giáo dục - Đào tạo Lâm Đồng phối hợp biên soạn, ấn hành và đưa vào giảng dạy. Thầy giáo K’Brôl chia sẻ: “Thực ra, tôi đứng lớp dạy tiếng K'Ho cho đội ngũ cán bộ cũng khá lâu rồi, nhưng có lẽ đây là lớp đầu tiên của tỉnh tôi trực tiếp truyền dạy chữ viết cho các em học sinh DTTS trong trường học. Nhìn chung, các em tham gia lớp học khá hào hứng, tiếp thu và thực hành chữ viết khá tốt. Những em đi học đều đã viết được chữ viết của đồng bào mình, câu chữ rõ ràng và phát âm rất chuẩn. Tôi cũng cảm thấy rất hài lòng và phấn khởi...”.

Trường THCS Tân Thượng, hiện có 92% học sinh đồng bào DTTS theo học. Năm học 2022-2023, trường có 12 lớp với 386 học sinh, trong đó có đến 345 học sinh là đồng bào các DTTS gồm: K'Ho, Nùng, Hoa, Mường, Sán Dìu và KhơMe, chủ yếu là con em đồng bào K'Ho theo học. Thầy giáo Nguyễn Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường THCS Tân Thượng cho biết: Có một thực tế rất đáng quan ngại đó là, đồng bào K'Ho nói chung và con em của họ nói riêng tuy nói rất sành tiếng mẹ đẻ, thế nhưng hầu như các em đều không biết đến chữ viết của đồng bào mình. Đây cũng chính là lý do mà Trường THCS Tân Thượng phối hợp với Trung tâm Giáo dục cộng đồng của xã tổ chức lớp học này nhằm giúp các em biết gìn giữ, nâng niu và trân quý vốn chữ viết của đồng bào mình trong một xã hội học tập như hiện nay. Em Ka Gia Tuệ - Học sinh lớp 7A1, cũng như em K’Kiệt - Học sinh lớp 7A2 Trường THCS Tân Thượng, Di Linh, phấn khởi cho hay: “Trước đây, cả hai chúng con chỉ biết nói thôi, chứ chưa biết viết cái chữ của đồng bào mình. Bây giờ, sau 5 tuần được thầy K’Brôl truyền dạy chúng con đã biết viết chữ K'Ho. Chúng con rất vui và tự hào về chữ viết của đồng bào mình”.

MỤC TIÊU KÉP!

Cùng với việc truyền dạy chữ viết của đồng bào K'Ho cho học sinh DTTS tại Trường THCS Tân Thượng, nơi đây còn phối hợp truyền dạy cồng chiêng cho hơn 40 học viên là cán bộ Đoàn, công chức, đoàn viên, thanh niên và học sinh của xã. Lớp truyền dạy cồng chiêng do 2 nghệ nhân: Da Cha Vũ Bảo và K’Niêm đảm trách. 4 bài chiêng 6 như: Bài chiêng “Đón khách”, “Hái rau”, “Lên rẫy” và “Ru khách” cũng đã và đang được các nghệ nhân lần lượt truyền dạy, tạo niềm say mê, hứng thú thực sự cho các đối tượng học viên. Mục tiêu được đặt ra đó là, thông qua 2 lớp học, chẳng những giúp các em học sinh DTTS tại địa phương biết viết thông thạo chữ viết của đồng bào mình, mà còn trở thành những hạt nhân nòng cốt trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người K'Ho ngay khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. 

Có thể nói, việc phối hợp mở lớp truyền dạy chữ viết của đồng bào K'Ho và truyền dạy cồng chiêng cho học sinh DTTS tại Trường THCS Tân Thượng là một trong những nỗ lực rất đáng ghi nhận từ phía nhà trường, cũng như Trung tâm Giáo dục cộng đồng ở địa phương với mục đích gìn giữ, phát huy vốn ngôn ngữ, đặc biệt là chữ viết của đồng bào dân tộc K'Ho trong thời đại của Cuộc cách mạng công nghiệp hóa 4.0 hiện nay. Hy vọng rằng, những lớp học như thế này sẽ tiếp tục được triển khai trên diện rộng trong thời gian tới nhằm thực hiện có kết quả “Chương trình Bảo tồn và Phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025” mà huyện Di Linh đã đề ra trong lộ trình của mình.