Học và làm theo Bác để dạy tốt, học tốt

NGỌC NGÀ 05:42, 09/06/2023

Nhiều năm qua, học tập và làm theo Bác là việc làm tự giác, thường xuyên của các thầy, cô giáo Trường Trung học cơ sở (THCS) Tân Thượng, huyện Di Linh. Việc học và làm theo Bác đã được cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực, góp phần thúc đẩy việc dạy, học của nhà trường tốt hơn.

Học và làm theo Bác là việc làm thường xuyên của giáo viên và học sinh Trường THCS Tân Thượng. Ảnh: Quỳnh Hiền
Học và làm theo Bác là việc làm thường xuyên của giáo viên và học sinh Trường THCS Tân Thượng. Ảnh: Quỳnh Hiền

Thầy Nguyễn Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường THCS Tân Thượng cho biết, sau hai năm triển khai thực hiện Kết luận số 01, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nhận thức về việc học tập và làm theo Bác của cán bộ, giáo viên, đảng viên trong trường tiếp tục được nâng lên rõ rệt. Học và làm theo Bác trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, từ đó tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hành động, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển giáo dục, công tác xây dựng Đảng tại đơn vị.

Theo thầy Nguyễn Văn Dũng, để tạo chuyển biến trong nhận thức cho mỗi cán bộ, giáo viên về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Chi ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền và tổ chức cho cán bộ, giáo viên đăng ký nội dung học tập và làm theo Bác bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, gắn với chức trách, nhiệm vụ của mỗi cán bộ, giáo viên và nhân viên. Từ đó, cán bộ, giáo viên nhà trường luôn nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, không ngừng tự học, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, vận dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, từng bước thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số của ngành Giáo dục, tích cực nêu gương khi đứng trên bục giảng cũng như trong cuộc sống hàng ngày, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.

Hiện nay, 92% học sinh của trường là người đồng bào dân tộc K’Ho. Bởi vậy, bên cạnh nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, nhà trường còn tham gia tích cực vào việc giữ gìn và phát huy văn hoá truyền thống của dân tộc K’Ho trên địa bàn thông qua việc mở các lớp ngoại khóa về truyền dạy cồng chiêng và lớp học tiếng K’Ho. Đến nay, nhà trường đã phối hợp với Trung tâm Học tập cộng đồng xã Tân Thượng mở lớp truyền dạy cồng chiêng cho 40 học viên là cán bộ Đoàn, công chức, học sinh, đoàn viên xã Tân Thượng và lớp dạy chữ viết cho 70 học viên là học sinh khối 7 của trường THCS. 

Bên cạnh đó, Trường THCS Tân Thượng cũng là một trong những điểm sáng của huyện Di Linh khi thực hiện việc phát động giáo viên, học sinh mặc đồng phục truyền thống của đồng bào mình vào ngày thứ 2 hàng tuần. Vì thế, mỗi buổi chào cờ đầu tuần và những ngày lễ, sắc màu của các dân tộc K’Ho, Tày, Nùng, Sán Dìu, Mông... lại thêm rực rỡ sân trường. Đây được xem là mô hình tiêu biểu của ngành Giáo dục huyện Di Linh nhằm thực hiện bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc Việt Nam. “Có lẽ điều quan trọng hơn cả là thầy cô giáo đã từng bước thắp lửa đam mê cho các em học sinh và chung sức cùng bà con và chính quyền địa phương giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Việc các em học sinh hiểu và hào hứng bảo tồn văn hóa là động lực quan trọng để thầy giáo, cô giáo của nhà trường tiếp tục tìm tòi và có thêm những sáng kiến hiệu quả để giáo dục học sinh toàn diện trong thời gian tới”, thầy Nguyễn Văn Dũng tâm tình.

Để làm tốt công tác xây dựng Đảng gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn được giao, Chi ủy, Ban Giám hiệu nhà trường luôn gắn việc học tập và làm theo gương Bác với các phong trào: Thi đua dạy tốt, học tốt; Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; Đổi mới sáng tạo trong dạy và học; Nói lời hay, làm việc tốt... Qua mỗi phong trào đều mang lại hiệu quả thiết thực, giúp đội ngũ giáo viên trong trường có thêm nhiều kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và niềm đam mê với công việc. Nhà trường cũng làm tốt việc biểu dương, khen thưởng kịp thời những mô hình hay, cách làm sáng tạo để nhân rộng, tạo hiệu ứng lan tỏa trong toàn thể cán bộ, giáo viên của nhà trường. Từ đó, mỗi cán bộ, giáo viên luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong công tác giảng dạy và các hoạt động khác của trường.

Không chỉ đối với giáo viên, việc học và làm theo gương Bác cũng được các thầy cô giáo lan tỏa sâu rộng đến toàn thể học sinh thông qua việc tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực như: giáo dục lý tưởng, động cơ, thái độ học tập, giá trị nhân văn, lòng nhân ái, nếp sống văn hóa trong trường học; quyên góp ủng hộ người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa; tổ chức Cuộc thi “Kể chuyện Bác Hồ”; phát động học sinh tham gia bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp...