Di Linh: Phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số

NGỌC NGÀ 05:41, 31/07/2023

Với hơn 64.000 người đồng bào các dân tộc thiểu số (DTST) sinh sống trên địa bàn, Di Linh là huyện có đông người DTTS nhất tại tỉnh Lâm Đồng. Đây là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của địa phương. Và việc phát triển đội ngũ cán bộ người DTTS là một trong những điều kiện quan trọng giúp huyện Di Linh phát huy hiệu quả nguồn lực đó.

Ngành Giáo dục huyện Di Linh hiện có 478 cán bộ, giáo viên là người DTTS. Ảnh: Q.Hiền
Ngành Giáo dục huyện Di Linh hiện có 478 cán bộ, giáo viên là người DTTS. Ảnh: Q.Hiền

QUAN TÂM PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ CÁN BỘ NGƯỜI DTTS 

Ông Vũ Đức Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh thông tin, “Chính quyền địa phương rất quan tâm tới việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ người DTTS. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS của huyện được cấp ủy và chính quyền các cấp quan tâm, thường xuyên cử đi đào tạo, bồi dưỡng kiến thức để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác, giải quyết công việc. Tỷ lệ cán bộ, công chức người DTTS ở cả cấp huyện và cấp xã đảm bảo tỷ lệ, có tính mở, liên thông và phù hợp về cơ cấu giữa các độ tuổi”. 

Thống kê của UBND huyện Di Linh cho thấy, theo yêu cầu về tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện là người DTTS phải đạt tỷ lệ 20%; theo đó, số cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS cần đạt là 437 người, đến nay, đã thực hiện là 270 người, đạt tỷ lệ 61,78% so với kế hoạch đề ra. Năm 2023 tổng số cán bộ, công chức cấp xã tại 16 xã có tỷ lệ người DTTS từ 5% trở lên là 322 cán bộ, công chức; theo đó, số cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS cần đạt là 107 người, hiện nay, cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS hiện có là 113 người, đạt tỷ lệ 100,9%, vượt kế hoạch đề ra.

Trong đó, cán bộ lãnh đạo quản lý là người DTTS ở cấp huyện là 18 người, ở cấp xã là 30 người. Ngoài ra trong các ngành, đội ngũ cán bộ người DTTS cũng dần tăng lên. Trong đó cao nhất là cán bộ ngành Giáo dục huyện với 478 cán bộ, giáo viên là người DTTS.
Ngoài ra, số lượng người DTTS là đại biểu HĐND các cấp đều tăng lên qua các nhiệm kỳ. Cụ thể, nhiệm kỳ 2021-2026, đại biểu HĐND tỉnh người dân tộc thiểu số là 1 đại biểu; đại biểu HĐND huyện người dân tộc thiểu số là 10 đại biểu; đại biểu HĐND cấp xã người dân tộc thiểu số là 158 đại biểu.

Đồng chí K’Broi - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Di Linh nhận định: Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) là người DTTS của huyện Di Linh thường xuyên được quan tâm về nhiều mặt. Công tác tuyển dụng, bố trí, sử dụng CBCCVC là người DTTS của huyện Di Linh được các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng, đầy đủ các khâu trong quy trình công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức như đánh giá, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, bố trí, sử dụng và thực hiện chế độ chính sách. Trên cơ sở đó, đã xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng CBCCVC theo hướng trẻ hóa, chuẩn hóa và chú trọng trên tất cả các mặt lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý hành chính nhà nước và gắn với việc bố trí sử dụng sau khi được đào tạo. Việc tuyển dụng công chức, viên chức có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí tuyển dụng nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho các công chức, viên chức được tuyển dụng phát huy năng lực, đảm bảo hiệu quả công tác, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

• NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Mặc dù đã có nhiều chuyển biến, song việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ người DTTS ở huyện Di Linh vẫn còn những vấn đề đặt ra.

Một số ngành, địa phương chưa gắn đào tạo với quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ, còn chạy theo bằng cấp, do đó một bộ phận cán bộ, công chức cấp xã đã được đào tạo nhưng chưa phát huy được trình độ đào tạo vào nhiệm vụ chuyên môn.

Việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, các văn bản của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ có lúc còn lúng túng, còn chậm, chất lượng thực hiện một số khâu trong công tác cán bộ chưa cao; công tác đánh giá còn hạn chế, chưa hoàn toàn bảo đảm nguyên tắc “chính xác”, “lượng hóa” công việc, nhiệm vụ. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức chưa được thường xuyên; trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực thực tiễn ở một số cán bộ, công chức còn hạn chế, có cán bộ chưa chịu khó học tập, rèn luyện, tác phong công tác, lề lối làm việc chưa khoa học, thiếu năng động, sáng tạo; tính tiền phong, gương mẫu, ý thức trách nhiệm của một số cán bộ, công chức, viên chức đối với công việc chưa cao, làm việc còn cầm chừng, trông chờ, ỷ lại.

Theo đánh giá của huyện Di Linh, những vấn đề tồn tại trên chủ yếu do các nguyên nhân chủ quan: Ý thức, trách nhiệm và tinh thần tự giác học tập, rèn luyện trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chưa cao; vẫn còn tình trạng đặt nặng yếu tố bằng cấp, ít quan tâm đến chất lượng, hiệu quả, nhu cầu thực tiễn và năng lực thực thi nhiệm vụ...

Huyện Di Linh xác định mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của địa phương đủ về số lượng, đạt về chất lượng, có năng lực trình độ, phẩm chất đạo đức phục vụ Nhân dân, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm quốc phòng - an ninh; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

 Và trên cơ sở nhìn nhận đánh giá sát những vấn đề đang đặt ra trong phát triển đội ngũ cán bộ người DTTS, huyện Di Linh cũng đã xác định những nhiệm vụ cụ thể để phát triển cả số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ người DTTS. Từ đó, đội ngũ này thực sự là cầu nối quan trọng để kết nối và phát huy hơn 64.000 người đồng bào các DTTS trên địa bàn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.