(LĐ online) - Với nhiều bậc cha mẹ, cảm giác hồi hộp, lo lắng, nhiều khi đến mức bất an luôn xuất hiện thường trực trong những ngày đầu con trẻ bỡ ngỡ bước chân vào lớp 1. Để bé có thể tự tin, các bậc phụ huynh cần nằm lòng những bí quyết để giúp con bạn không còn bỡ ngỡ khi bước chân vào năm đầu tiên của cấp Tiểu học.
Học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm thực tế |
Chương trình giáo dục tiểu học giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực; định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, cộng đồng và những thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt; trong đó, các em được học tập giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực, nhằm hình thành phát triển nhân cách toàn diện ở trẻ em, học không chỉ thiên về kiến thức mà còn phát triển hài hòa cả nhân cách, trí tuệ, tâm hồn, thể chất, trong đó việc hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của trẻ được chú trọng ngay từ lớp 1.
Lớp 1 gồm có 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc như sau: Tiếng Việt; Toán; Đạo đức; Tự nhiên và Xã hội; Nghệ thuật (Gồm môn Âm nhạc và Mĩ thuật); Giáo dục thể chất; Hoạt động trải nghiệm tích hợp Tài liệu giáo dục địa phương.
So với Chương trình năm 2006, Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1 số môn học không có nhiều thay đổi, nội dung hoạt động giáo dục mới so với trước là Hoạt động trải nghiệm có 105 tiết học, trong đó 35 tiết chung cho các hoạt động tập thể chào cờ đầu tuần, 35 tiết chung cho nội dung sinh hoạt lớp cuối tuần và 35 tiết còn lại được tích hợp với tài liệu giáo dục địa phương.
Điểm mới của môn học ở lớp 1 Chương trình GDPT 2018: Giáo dục thể chất được coi trọng nhằm tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện về chiều cao, thể lực, trí tuệ. Do vậy, cha mẹ cần quan tâm con tới việc học đều tất cả các môn học, khi trẻ có năng khiếu môn học nào thì tạo điều kiện cho trẻ phát huy thế mạnh về môn học đó. Riêng môn Tiếng Anh lớp 1 là môn học tự chọn, nếu học sinh có nhu cầu thì cha mẹ đăng ký với nhà trường có kế hoạch giáo dục, thời khóa biểu riêng phù hợp.
Chương trình lớp 1 được thiết kế dạy học 2 buổi/ngày, sáng học 4 tiết, chiều học không quá 3 tiết, trước hết, các bậc cha mẹ học sinh cần nắm vững thời gian để sắp xếp công việc gia đình hợp lý, thuận tiện đưa đón.
Ngoài thời gian học chính khóa 7 tiết/ngày, nếu cha mẹ có nhu cầu cho con tham gia các hoạt động giáo dục khác ngoài giờ chính khóa như giáo dục kĩ năng sống, sinh hoạt câu lạc bộ… cha mẹ hỏi ý kiến giáo viên để được tư vấn thêm.
Trẻ học cả ngày, các kiến thức hoàn thành tại lớp, do vậy các bậc cha mẹ không phải lo lắng chuyện học thêm cho con, ngoài thời gian học tại trường, thời gian ở nhà dành cho trẻ nghỉ ngơi hợp lý nhằm phát triển trí tuệ, thể lực, sức khỏe.
Lớp 1 là nền móng của cấp Tiểu học, khi ở cấp học Mầm non hoạt động vui chơi là chủ đạo bước vào lớp 1 thì hoạt động học tập là chủ đạo, do vậy các em chưa thể làm quen ngay với các hoạt động học, thậm chí có trẻ còn khóc nhè đòi về. Giai đoạn này rất cần sự quan tâm phối hợp của cha mẹ với giáo viên chủ nhiệm, trong quá trình trẻ đi học tại trường, giáo viên không chấm điểm tất cả các môn mà dành thời gian nhận xét, đánh giá và giúp đỡ kịp thời cho các em ngay trong quá trình học tập, do vậy ở giai đoạn đầu của lớp 1 sự kết nối thường xuyên giữa cha mẹ học sinh với giáo viên chủ nhiệm là rất quan trọng.
Để không ảnh hưởng tâm lý các con, cha mẹ không thể hỏi các câu: Hôm nay con được mấy điểm? Điều cha mẹ cần quan tâm là cách học tập của con em mình, động viên kịp thời các tiến bộ của con dù là nhỏ nhất. Thay vào đó, những câu hỏi bố mẹ cần trao đổi là: Hôm nay con học có vui không? Hôm nay con xung phong trả lời câu hỏi nào? Hôm nay con giúp đỡ bạn điều gì? Điều gì con thấy vui khi đến lớp? Con thấy khó khăn nào bố mẹ giúp đỡ và trao đổi cô giáo?…
Với môn Tiếng Việt, chuẩn đầu ra nêu rõ 1 phút học sinh phải đọc được bao nhiêu từ, việc đọc viết ra sao, để đạt chuẩn đó, học sinh sẽ học 420 tiết. Như vậy, về mặt khoa học, học sinh không phải học nhiều hơn. Chương trình mới có điều chỉnh dựa trên quan điểm là cố gắng giúp học sinh đọc thông viết thạo sau khi học xong lớp 1 để từ đó có thể học tốt các môn khác.
Đối với môn Tiếng Việt lớp 1, giai đoạn đầu năm học chưa coi trọng và đặt yêu cầu cao về tập viết, thời gian đọc của học sinh chiếm thời lượng 60%, trong đó viết chỉ thực hiện khoảng 25%, thời gian còn lại dành cho các kĩ năng nghe, nói và kiểm tra đánh giá. Giai đoạn này giáo viên không phải ghi nhận xét vào vở mà trực tiếp giúp đỡ các em khi gặp khó khăn, ghi nhận tuyên dương các em với tiến bộ nhỏ nhất.
Các bậc cha mẹ cần biết, lớp 1 là nền móng của tiểu học, khác với Mầm non, bước vào lớp 1 thì hoạt động học tập là chủ đạo, do vậy yếu tố rất quan trọng góp phần thành công giáo dục trẻ đó là công tác phối hợp giữa nhà trường với cha mẹ học sinh. Khi có việc gì xảy ra cha mẹ cần bình tĩnh liên hệ giáo viên để giải quyết, tránh nôn nóng làm ảnh hưởng tới tâm lý các em, một trong những giải pháp để giúp học sinh không sợ học, không áp lực với việc học là không giao thêm bài tập và ép học sinh thực hiện quá nhiều nhiệm vụ học ở nhà.
Việc giúp học sinh đọc thông, viết thạo cần có quá trình, không thể nóng vội, các bậc cha mẹ không quá lo lắng và cho trẻ học chữ trước vào lớp 1 để trẻ phát triển tự nhiên và tạo hứng thú khi vào lớp 1 được học cái mới. Điều này rất quan trọng trong việc hình thành nền nếp, động cơ học tập của trẻ.
Cha mẹ cần phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục học sinh, cùng chơi và cùng học với bé lúc ở nhà thông qua một số hình thức học tập trải nghiệm, tạo được môi trường gia đình ấm áp, cùng với môi trường giáo dục nhà trường thân thiện và xã hội an toàn, đem đến niềm vui cho trẻ.
Các bậc cha mẹ không nên lo lắng chuyện học thêm cho con, ngoài thời gian học tại trường, thời gian ở nhà dành cho trẻ nghỉ ngơi hợp lý nhằm phát triển trí tuệ, thể lực, sức khỏe, thời gian buổi tối gia đình cho con vừa ôn luyện vừa trò chuyện vừa chơi vui với con mình.
Phụ huynh cần phối hợp cùng nhà trường để giúp các em trải nghiệm các kiến thức đã học tại nhà một cách phù hợp, thoải mái. Ví dụ để tăng cường kỹ năng đọc cho các em bố mẹ có thể mua cho các em những cuốn truyện phù hợp với lứa tuổi để trẻ có thể rèn kỹ năng đọc qua đọc truyện và hình thành thói quen đọc sách.
Để làm được tất cả điều đó, các bậc cha mẹ học sinh chuẩn bị tốt hành trang cho con và luôn tin tưởng và đồng hành với thầy cô giáo, chắc chắn sẽ đạt được những kết quả tốt nhất.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin