Sau Trung học cơ sở, học sinh cần chọn cho mình một hướng đi phù hợp với năng lực

LINH ĐAN 19:03, 30/08/2023

(LĐ online) - Thời gian tuyển sinh vào lớp 10 đã kết thúc, tuy nhiên việc phân luồng vẫn còn gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Đặc biệt là vấn đề tâm lý “ngại” của phụ huynh, học sinh khi đăng kí theo học tại các Trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp hoặc cao đẳng, trung cấp dạy nghề. Trước thềm khai giảng năm học mới, PV Báo Lâm Đồng đã phỏng vấn bà Phạm Thị Hồng Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) để làm rõ hơn về vấn đề này.

bà Phạm Thị Hồng Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
Bà Phạm Thị Hồng Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

PV: Hiện nay việc phân luồng học sinh Trung học phổ thông (THPT) giai đoạn 2018 - 2025 trên địa bàn tỉnh đã được triển khai cụ thể như thế nào? Đồng thời nhiều phụ huynh cũng có ý kiến cho rằng, nhiều trường THPT chưa đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất cũng như chưa tạo được tâm lý cho cha mẹ học sinh về việc phân luồng, bà có thể cho biết quan điểm của Sở GD&ĐT về vấn đề này như thế nào?

Bà Phạm Thị Hồng Hải: Đối với học sinh đã tốt nghiệp Trung học cơ sở (THCS), nếu như các em có điều kiện và năng lực học tốt thì sẽ tiếp tục theo học ở các trường THPT. Còn lại, nếu như không đáp ứng được năng lực học phổ thông, đặc biệt là chương trình giáo dục phổ thông mới ngày càng khó thì có thể đăng kí theo học tại các Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) ở các huyện, thành phố. Tuy nhiên, hiện nay tâm lý của phụ huynh học sinh vẫn muốn con em mình  theo học tại các trường phổ thông. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đã kết hợp với các địa phương tuyên truyền phổ biến cho cha mẹ học sinh hiểu rõ. 

Khi thực hiện hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 sẽ thực hiện tỷ lệ phân luồng theo Quyết định 552 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng việc thực hiện theo nội dung quyết định vẫn còn ở mức hạn chế. Năm học 2023 - 2024, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 công lập là 82% và 18% còn lại sẽ phân luồng chọn vào học tập tại các TTGDTX hoặc các trường cao đẳng, trung cấp dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Nhưng sau khi đã kết thúc thời gian tuyển sinh, vẫn còn gần 500 chỉ tiêu chưa tuyển sinh được, do đó Sở GD&ĐT đã ban hành công văn hướng dẫn cho các đơn vị, nếu như đơn vị nào tuyển chưa đủ theo tỷ lệ đã được phân bổ, cần tiếp tục tiến hành công tác tuyển sinh bổ sung. 

Theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh, chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi sát sao việc tuyển sinh vào lớp 10 và kịp thời chỉ đạo theo đúng quan điểm “Không để em học sinh nào không có nơi học và nơi học nghề”. Hiện nay, sau khi tiến hành tuyển bổ sung tại các TTGDTX và các trường đào tạo nghề đã có tới 85% học sinh đã nộp hồ sơ vào đăng kí học, có thể nói đây là một tỷ lệ rất cao so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Và chúng tôi tin rằng đây là một lựa chọn hoàn toàn đúng đắn và tốt nhất cho bản thân các em học sinh khi đăng kí tại các cơ sở giáo dục này. Điều quan trọng nhất hiên nay là các cơ quan quản lý nhà nước liên quan cần tiếp tục công tác tuyên truyền để phụ huynh và các em học sinh hiểu hơn về mục tiêu của công tác phân luồng.

 
Phân luồng học sinh sau THCS là giải pháp tích cực của ngành GD&ĐT nhằm hướng nghiệp cho học sinh, phát triển giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và giảm tải đào tạo cho bậc THPT. Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị để đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Ngày 14/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã Ban hành Quyết định số 552/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”.
 

PV: Để mục tiêu của việc phân luồng được diễn ra theo đúng lộ trình, bà có thể cho biết sự phối hợp giữa ngành GD&ĐT và ngành Lao động - Thương binh & Xã hội đã có những bước triển khai như thế nào? 

Bà Phạm Thị Hồng Hải: Đầu tiên, ngành GD&ĐT sẽ hỗ trợ về mặt chuyên môn. Bởi trước đây, hệ thống TTGDTX sẽ học theo chương trình và sách giáo khoa riêng. Nhưng hiện nay, theo chương trình giáo dục phổ thông mới, tất cả đều được học sách chung và chương trình chung. Sau khi học giáo dục thường xuyên xong, các em vẫn được tham gia thi tốt nghiệp THPT và cao đẳng, đại học giống như học chương trình phổ thông bình thường, tuy nhiên, các môn học và tiết học của các em ở hệ GDTX ít hơn học sinh phổ thông. 

Tiếp đó, Sở GD&ĐT, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân hiểu được, không phải học GDTX là học ở một hệ thấp hơn mà đó là học ở một hệ phù hợp hơn. Hàng năm, theo cách gọi của ngành Giáo dục, vẫn có một tỷ lệ phân luồng tự nhiên, đó là, có một bộ phận các em không tiếp tục theo học THPT, TTGDTX, giáo dục nghề nghiệp hay ở các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn mà các em trực tiếp đi học luôn các nghề phổ thông, đây cũng là một điều tích cực nếu như điều đó phù hợp với cuộc sống, điều kiện, hoàn cảnh và năng lực của các em.