Học sinh làm phân bón hữu cơ, bảo vệ môi trường

TỨ ĐỨC 06:21, 06/03/2024

Xuất phát từ thực tiễn, hai học sinh Đồng Ý Nguyên và Đặng Nhật Huy, học lớp 8B, Trường Trung học cơ sở (THCS) xã Hà Lâm (huyện Đạ Huoai) đồng tác giả thực hiện “Dự án xử lý rác thải hữu cơ nhà bếp làm phân bón bằng vi sinh vật có trong dạ cỏ trâu, bò kết hợp chế phẩm Emgro và giun quế”. Dự án của hai em đoạt giải Nhất cấp huyện, giải Ba cấp tỉnh Cuộc thi Khoa học kỹ thuật (lĩnh vực kỹ thuật môi trường) dành cho học sinh THCS năm học 2023 - 2024. 

Em Đồng Ý Nguyên và Đặng Nhật Huy với dự án làm phân bón hữu cơ, bảo vệ môi trường được Hội Nông dân huyện biểu dương
Em Đồng Ý Nguyên và Đặng Nhật Huy với dự án làm phân bón hữu cơ, bảo vệ môi trường được Hội Nông dân huyện biểu dương

Hiện nay, trong thực tế người nông dân đã tự xử lí rác thải hữu cơ nhà bếp nhờ men vi sinh, tuy nhiên, xử lí rác thải hữu cơ nhà bếp bằng hỗn hợp men vi sinh với thức ăn dở dang trong dạ cỏ trâu, bò và giun quế thì chưa có công trình nào nghiên cứu. 

Trước thực trạng trên, hai học sinh của trường THCS xã Hà Lâm đã mang đến sự khác biệt hơn bởi việc sử dụng vi sinh vật từ thức ăn thừa trong dạ cỏ trâu, bò để xử lý rác thải hữu cơ nhà bếp; đây được xem là một phương pháp thân thiện với môi trường, giá thành rẻ, nguyên vật liệu dễ kiếm xung quanh chúng ta. So với các phương pháp xử lý truyền thống như đốt cháy hoặc chôn rác, phương pháp này có thể giảm lượng khí thải, không tạo ra chất độc hại. Trong quá trình ủ có bổ sung thức ăn dở dang trong dạ cỏ trâu, bò, giun quế, nên tăng cường khả năng phân huỷ rác hữu cơ nhà bếp tạo ra phân hữu cơ vi sinh ko có mùi hôi thối.

Những rác thải hữu cơ từ nhà bếp không nên bón trực tiếp cho cây trồng mà chưa qua xử lí, vì rác thải đó phân giải chậm, không triệt để nên nguồn dinh dưỡng ít, lâu ngày sẽ gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí. Một số loại rác thải hữu cơ từ nhà bếp như: hoa quả dư thừa, vỏ trái cây, rau, vỏ trứng, xương… mỗi loại chứa những dưỡng chất khác nhau. Nông dân địa phương cũng có thể kết hợp thêm thức ăn cho giun là cỏ voi băm nhỏ để trộn vào hỗn hợp rác thải nhà bếp. Nếu kết hợp tất cả các nguyên liệu lại, sau quá trình nuôi giun quế sẽ tạo ra nguồn phân bón rất giàu dinh dưỡng cho cây trồng.

Hệ vi sinh vật có trong dạ cỏ trâu, bò gồm có 3 nhóm chính: vi khuẩn (Bacteria), động vật nguyên sinh (Protozoa) và nấm (Fungi). Số lượng bacteria 109 - 1010 trong 1 ml chất chứa, có trên 60 loài đã được xác định số lượng bacteria. Số lượng bacteria của từng loài phụ thuộc rất lớn vào khẩu phần ăn của bò. Protozoa có số lượng ít hơn nhiều so với số lượng bacteria, chúng chỉ có 106 trong 1 ml chất chứa, nhưng vì có kích thước lớn hơn nên tổng sinh khối tương tự như bacteria. Nấm (Fungi) trong dạ cỏ bò mới chỉ được nghiên cứu trong vài chục năm gần đây, vị trí của chúng trong hệ sinh thái dạ cỏ cũng chưa có những khẳng định đầy đủ, có một số loài đã được xác định. Phần đóng góp của nấm trong tiêu hoá ở dạ cỏ chưa được xác định thật rõ rệt, nhưng ước tính có khoảng 10% tổng sinh khối của vi sinh vật được hình thành do hoạt động của nấm trong điều kiện khẩu phần có nhiều xơ. Thức ăn trong dạ cỏ trâu, bò được các em học sinh xin tại các lò mổ trâu, bò tại địa phương. 

Giun quế là loài mắn đẻ và sinh sản nhanh quanh năm, thời gian thành thục thì ngắn. Vì vậy, nếu nuôi tốt, trong thời gian ngắn có thể tạo ra số lượng cá thể rất nhiều, cho năng suất nuôi 2-3 kg giun quế /1 m2/1 tháng. Giun quế có hàm lượng Protein thô chiếm từ 50 - 70% trọng lượng khô của cơ thể, hàm lượng đạm của giun quế tương đương với bột cá, thường được dùng trong thức ăn chăn nuôi và thủy sản. Cơ thể giun quế còn hội tụ đủ 12 loại Axit Amin và nhiều loại Vitamin, chất khoáng cần thiết cho cây trồng, gia súc, gia cầm và thủy sản. Đặc biệt, giun quế còn có các loại kích thích yếu tố sinh trưởng tự nhiên mà nhiều loại khác không có.

Về dự án này, hai em Đồng Ý Nguyên và Đặng Nhật Huy đã cho ra công thức để các nông hộ địa phương có thể tự làm là dùng 5 kg rác thải thực phẩm thừa đã được băm nhỏ, 5 kg cỏ voi đã băm nhỏ, 0,5 kg thức ăn dở dang có trong dạ cỏ trâu, bò, 1 gam chế phẩm Emgro, tất cả trộn đều rồi dùng ni lông bịt chặt, ủ trong 4 ngày ở nhiệt độ 220C - 300C và PH từ 5,8 - 7,4. Xử lý rác thải hữu cơ nhà bếp bằng vi sinh vật có trong dạ cỏ trâu, bò; chế phẩm Emgro và nuôi giun quế đã giải quyết triệt để, tận gốc nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường từ nguồn rác thải hữu cơ nhà bếp, chi phí rẻ và rất dễ thực hiện, đồng thời, thành phẩm sau khi nuôi giun quế được sử dụng làm nguồn phân bón hữu cơ sạch (phân giun quế) phục vụ trong trồng trọt và thịt giun quế sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.

Ông Hoàng Thanh Nam - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đạ Huoai cho biết: Hai em học sinh còn nhỏ tuổi, nhưng đã quan tâm và có ý tưởng sáng tạo đề ra giải pháp xử lý rác thải sinh hoạt thành phân bón hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng và nuôi giun quế. Đặc biệt, dự án của hai em đã đoạt giải cao trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp huyện, cấp tỉnh. Hội Nông dân huyện đã kịp thời khen tặng hai em để tuyên dương và động viên, khích lệ các học sinh phấn đấu học tập, rèn luyện tốt, có thêm nhiều ý tưởng sáng tạo có ích cho cuộc sống, đặc biệt là quan tâm đến lĩnh vực bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp sinh thái.