Hiện nay, sốt rét đã giảm nhiều, nhiều huyện, thành phố trong tỉnh như Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Lạc Dương, Lâm Hà, Đà Lạt... không còn ca lây nhiễm tại chỗ trên địa bàn trong hơn 3 năm liền. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng đã tổ chức tập huấn và bước đầu hướng dẫn cho các huyện, thành phố triển khai chuẩn bị hồ sơ minh chứng, để được chứng nhận loại trừ sốt rét, phấn đấu đến năm 2025, Lâm Đồng được công nhận loại trừ sốt rét trên quy mô cấp tỉnh.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát công tác phòng, chống sốt rét tại xã Sơn Điền, huyện Di Linh |
Thạc sĩ Trần Như Tuấn - cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng cho biết, trong giai đoạn 2018 - 2022, tình hình sốt rét trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực; không có ca tử vong do sốt rét, không có ca sốt rét ác tính, bệnh nhân sốt rét giảm sâu qua các năm. Nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh trong 5 năm liên tục không có ca bệnh sốt rét; hầu hết ca bệnh sốt rét là ký sinh trùng sốt rét ngoại lai, không có ca sốt rét nội địa.
Theo phân vùng dịch tễ sốt rét can thiệp tỉnh Lâm Đồng năm 2019, có 23 vùng không có sốt rét lưu hành (tương đương 18,79% dân số); 93 vùng nguy cơ sốt rét quay trở lại (chiếm 68,52% dân số); 26 vùng sốt rét lưu hành nhẹ (10,21% dân số); 3 vùng sốt rét lưu hành vừa (1,5% dân số) và 2 vùng sốt rét lưu hành nặng (0,96% dân số). Số bệnh nhân sốt rét toàn tỉnh ghi nhận 181 ca (năm 2018), 188 ca (năm 2019), 43 ca (năm 2020), 9 ca (năm 2021) và 1 ca (năm 2022).
Công tác phòng, chống sốt rét được sự quan tâm chỉ đạo của Sở Y tế Lâm Đồng, sự chỉ đạo và hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP Hồ Chí Minh; sự đầu tư của các dự án về vật tư, kinh phí, đào tạo... cùng với mạng lưới hoạt động phòng, chống và loại trừ sốt rét tuyến cơ sở duy trì hoạt động tốt.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn như: Kinh phí hạn chế ảnh hưởng đến các hoạt động giám sát điểm kính hiển vi, giám sát côn trùng sốt rét; kiểm tra, giám sát kết quả phun tẩm. Từ năm 2023, Chương trình Phòng, chống sốt rét quốc gia không cấp thuốc, vật tư, hóa chất sốt rét; các huyện, thành phố tự mua sắm thuốc, hóa chất, vì vậy trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn trong kinh phí, chọn lựa thuốc, hóa chất đảm bảo chất lượng cho hoạt động phòng, chống và loại trừ sốt rét tại các đơn vị trong tỉnh. Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác phòng, chống sốt rét có nhiều biến động từ tuyến xã, huyện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Đối với Lâm Đồng, tình trạng dân di biến động vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn trong giai đoạn loại trừ sốt rét, đặc biệt, tại các huyện có vùng rừng giáp ranh với các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Đắk Nông...
Để tiến tới loại trừ sốt rét, tỉnh triển khai các giải pháp bao gồm: Phát hiện ca bệnh tại 100% xã, phường có điểm kính hiển vi phục vụ công tác phát hiện ca bệnh sốt rét, 100% các xã thụ hưởng Dự án “Sáng kiến khu vực ngăn chặn và loại trừ sốt rét kháng thuốc Artemisinin, giai đoạn 2021 - 2023” được cung cấp test chẩn đoán nhanh, quản lý đối tượng đi rừng, giám sát phát hiện ca bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện, 2 Bệnh viện đa khoa tỉnh và các bệnh viện tuyến trên (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi Đồng...).
Báo cáo nhanh ca bệnh trong vòng 24 giờ sau khi ca bệnh được chẩn đoán xác định; điều tra ca bệnh chậm nhất 3 ngày sau khi ca bệnh được chẩn đoán xác định. Từ tháng 7/2020, Lâm Đồng đã thực hiện báo cáo bằng phần mềm eCDS - MMS (theo dõi báo cáo ca bệnh truyền nhiễm, thực hiện báo cáo qua email). Giám sát và quản lý các trường hợp sốt rét. Duy trì hệ thống giám sát về sốt rét từ tỉnh đến thôn, bản; tại các cơ sở y tế nhà nước và tư nhân. Duy trì hoạt động các điểm kính hiển vi để kịp thời phát hiện sớm các trường hợp sốt rét. Đẩy mạnh phát hiện sốt rét chủ động và thụ động bằng việc lấy lam máu tìm ký sinh trùng sốt rét. Duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động điểm kính hiển vi xã, nhằm kịp thời phát hiện nhanh, chính xác ca bệnh sốt rét tại địa phương. Chủ động phát hiện ca bệnh trên đối tượng đi rừng. Phối hợp điều tra, xử lý ca bệnh, ổ bệnh. Quản lý các trường hợp sốt rét, dân cư trong vùng nguy cơ và dân cư di biến động ở thôn, bản, xã, phường.
Bên cạnh đó, thực hiện thông tin, báo cáo theo quy định. Phối hợp chặt chẽ giữa tuyến tỉnh, huyện, xã để tiến hành điều tra, phân loại ca bệnh, ổ bệnh nhằm xử lý kịp thời bằng những biện pháp chuyên môn kỹ thuật phù hợp. Phối hợp với chính quyền địa phương, thực hiện truyền thông phòng, chống và loại trừ sốt rét kết hợp triển khai các biện pháp chuyên môn, với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan truyền thông của địa phương. Tổ chức điều tra, xử lý ca bệnh, ổ bệnh. Chủ động giám sát phát hiện ký sinh trùng sốt rét tại thôn, bản có ca bệnh sốt rét; phối hợp giám sát ca bệnh, truyền thông hướng dẫn các biện pháp phòng, chống sốt rét. Cấp phát và hướng dẫn sử dụng màn võng, kem xua diệt muỗi cho đối tượng đi rừng. Tập huấn cho cán bộ làm công tác côn trùng sốt rét tuyến huyện, nhằm chủ động tổ chức giám sát côn trùng tại địa phương. Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống và loại trừ sốt rét.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin