Các vấn đề thời tiết ảnh hưởng đến sức khỏe chúng ta như thế nào? Phóng viên Báo Lâm Đồng có cuộc trò chuyện với GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ, chuyên gia về lĩnh vực hô hấp và y học giấc ngủ về cách phòng ngừa các bệnh do thời tiết thay đổi đột ngột hiện nay tại Đà Lạt - Lâm Đồng như: ho, dị ứng, rối loạn giấc ngủ...
GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ đang giảng dạy chuyên đề bệnh hô hấp, dị ứng và rối loạn giấc ngủ cho sinh viên năm cuối Đại học Y khoa Penn State (Hoa Kỳ) sang học tập tại Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng và các cơ sở y tế tỉnh Lâm Đồng |
• PV: Thưa GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ! Là người ở Đà Lạt ông có nhận thấy sự biến đổi đột ngột của thời tiết trong thời gian gần đây, chúng ta cảm nhận có cả bốn mùa luân chuyển qua một ngày đêm?
• GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ: Trong thời gian gần đây người dân sinh sống tại Đà Lạt luôn nhận thấy sự thay đổi rất lớn nhiệt độ trong ngày như là có bốn mùa qua đi trong 24 giờ: buổi sáng thời tiết mát mẻ như mùa xuân, buổi trưa nóng bức như mùa hè, chiều tối chuyển dần sang thời tiết thu và đông. Điều này do bởi biên độ nhiệt thay đổi rất lớn trong ngày và đêm do sự thay đổi nhiệt độ bên ngoài của môi trường. Sự thay đổi biên độ nhiệt mà người dân sinh sống tại Đà Lạt cảm nhận như trải qua bốn mùa trong ngày có thể xem như là một biến cố thời tiết gây ra bởi những yếu tố tự nhiên của khí hậu và đặc biệt do ảnh hưởng của sự thay đổi môi trường điều nhiệt bên ngoài liên quan đến hiệu ứng nhà kính, biến đổi hệ sinh thái rừng, diện tích đất đai sử dụng cho đô thị hóa và dòng chảy hệ thống nước ngầm có vai trò điều nhiệt tự nhiên... Tháng Ba là thời tiết mùa xuân, khoảng thời gian mà trước đây người dân sinh sống ở Đà Lạt luôn cảm nhận được là thời tiết dễ chịu nhất và đẹp nhất của thành phố Đà Lạt ngàn hoa, thì hiện nay lại cảm nhận rất khó chịu vì sự thay đổi nhiệt độ rất lớn giữa ngày và đêm: ban ngày nóng bức, ban đêm thì lạnh và có những đêm thì rất lạnh; người dân và cả bản thân tôi đã quen với khí hậu lạnh cũng phải mặc hai, thậm chí là ba lớp áo.
• PV: Sự biến đổi đột ngột của thời tiết với biên độ nhiệt dao động từ 9-28 độ C trong vòng 24 giờ có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe con người thưa ông, những bệnh lý nào đáng lo ngại?
• GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ: Sự thay đổi rất lớn của biên độ nhiệt trong 24 giờ (chu kỳ ngày - đêm) với khoảng cách biệt trên 15 độ (ví dụ ban ngày nóng đến trên 250C, ban đêm lạnh dưới 100C hoặc thấp hơn) ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe vì cơ thể con người khó điều chỉnh kịp thời trạng thái sinh lý với sự thay đổi nhiệt độ rất lớn bên ngoài. Khi nhiệt độ nóng lên vào ban ngày, các hoạt động hô hấp, tim mạch, chuyển hóa và điều nhiệt đều tăng lên; khi nhiệt độ lạnh xuống vào ban đêm lại làm giảm chuyển hóa và tăng thải nhiệt. Đặc biệt, hệ thống miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể thì luôn cần một nhiệt độ ổn định trong ngày để duy trì hoạt động tối ưu, giúp bảo vệ cơ thể tốt nhất. Cơ thể đáp ứng rất tốt sự thay đổi nhiệt độ theo mùa trong năm nhưng không tốt với sự thay đổi nhiệt độ rất lớn theo chu kỳ ngày - đêm. Do vậy, biên độ nhiệt trong 24 giờ cao thì sẽ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân sinh sống trên địa bàn thành phố.
• PV: Là Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, GS có thể hướng dẫn cách phòng các bệnh do ảnh hưởng của thời tiết biến đổi đột ngột như ho, dị ứng?
• GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ: Thời tiết biến đổi đột ngột trong ngày sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra các biến cố về hô hấp, tim mạch, dị ứng, thần kinh và các bệnh truyền nhiễm. Sự nóng - lạnh quá mức của ngày - đêm sẽ làm tăng triệu chứng ho do các bệnh hô hấp như viêm phế quản mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, ho do hậu COVID-19. Đặc biệt, ho sẽ nặng lên vào ban đêm khi trời lạnh. Biên độ nhiệt cao trong 24 giờ sẽ làm cho tăng phản ứng tính phế quản do ban ngày thời tiết nóng khô, ban đêm lạnh và ẩm sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra các cơn hen ở trẻ em và người lớn, nhất là ở người cao tuổi, làm xuất hiện các triệu chứng ho và khó thở. Ở người bị COPD, thời tiết biến đổi đột ngột trong ngày cũng làm tăng nguy cơ khởi phát những cơn khó thở cấp tính, nguy cơ nhiễm trùng hô hấp phải nhập viện. Ở trẻ nhỏ, thời tiết biến đổi đột ngột trong ngày cũng làm tăng nguy cơ nhiễm siêu vi hô hấp, nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp cấp tính với những triệu chứng thường gặp như ho và sốt. Ngoài ra, thời tiết biến đổi đột ngột trong ngày cũng làm nặng thêm các triệu chứng của các bệnh dị ứng hô hấp như viêm mũi dị ứng (hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi), dị ứng da như viêm da dị ứng, chàm, mày đay do lạnh (ngứa, khô da, nổi ban).
Do vậy, để đề phòng những ảnh hưởng xấu của thời tiết do biến đổi đột ngột nhiệt độ trong ngày, người khỏe mạnh và người có những bệnh mạn tính về hô hấp và dị ứng cần phải tự thích ứng với biên độ nhiệt cao như là mặc quần áo phù hợp (đêm lạnh phải giữ ấm), chế độ vận động và dinh dưỡng hợp lý, giữ nhiệt độ cơ thể thay đổi ở mức sinh lý tránh vận động quá mức làm tăng thải nhiệt khi trời nóng gây mệt mỏi trong ngày. Người có bệnh về hô hấp và dị ứng phải tuân thủ chế độ điều trị, điều trị tối ưu theo hướng dẫn của cán bộ y tế, tránh tiếp xúc môi trường bên ngoài khi nhiệt độ cao vào buổi trưa và trời lạnh vào buổi tối.
• PV: Đồng thời, GS cũng là Chủ tịch Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam, xin ông chia sẻ một số thông tin về việc thời tiết biến đổi có ảnh hưởng đến rối loạn giấc ngủ và cách khắc phục như thế nào?
• GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ: Giấc ngủ sinh lý có liên quan mật thiết đến nhịp sinh học (chu kỳ ngày - đêm) và yếu tố nhiệt độ môi trường bên ngoài. Thật vậy, để có một giấc ngủ chất lượng tốt thì sự thay đổi sinh lý nhiệt độ của cơ thể là rất quan trọng: nhiệt độ của cơ thể trong ngày là 370C và giảm đến khoảng 35,50C - 360C khi ngủ vào lúc nửa đêm và sáng sớm. Do vậy, khi nhiệt độ bên ngoài biến đổi quá mức trong 24 giờ sẽ làm cho cơ thể khó điều chỉnh nhiệt độ ở nội tạng và ở da (khi nhiệt độ nội tạng và da chênh lệch chỉ khoảng dưới 20C thì sẽ đi vào giấc ngủ nhanh và sâu hơn). Thế nên, thời tiết lạnh về đêm sẽ gây khó đi vào giấc ngủ, gây thức giấc thường xuyên và làm giảm chất lượng giấc ngủ, gây buồn ngủ và mệt mỏi trong ngày. Các dữ liệu khoa học đã chứng minh rằng giấc ngủ chất lượng tốt (ngủ đủ giấc và ngủ sâu) có tác dụng bảo vệ cơ thể, tăng cường khả năng miễn dịch, giảm các nguy cơ bệnh thần kinh, hô hấp và tim mạch, giúp cải thiện hiệu suất học tập và làm việc, giúp kéo dài tuổi thọ. Do vậy, Hiệp hội Y học Giấc ngủ Thế giới và Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam đã chọn ngày 17/3 hàng năm là “Ngày giấc ngủ Thế giới và Quốc gia” với khẩu hiệu “Giấc ngủ tốt giúp vượt qua bệnh tật”.
Để khắc phục các biến đổi thời tiết với sự chênh lệch lớn nhiệt độ ngày và đêm như hiện nay tại Đà Lạt làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và tránh các rối loạn giấc ngủ, người khỏe mạnh và người có bệnh mạn tính nên cần phải tuân thủ thói quen ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc (tối thiểu 8 giờ mỗi đêm ở trẻ em và 6 giờ ở người trưởng thành), tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời cường độ cao và nắng nóng sau 10 giờ sáng, tránh các yếu tố gây ảnh hưởng đến giấc ngủ như dùng điện thoại, máy tính bảng, xem truyền hình sau 9 giờ tối; tránh dùng các chất gây rối loạn giấc ngủ như trà, cà phê, bia, rượu 6 giờ trước khi ngủ; tránh vận động quá mức buổi tối khi trời lạnh và trước khi đi ngủ. Buổi tối trời lạnh nên mặc áo ấm, mang vớ khi ngủ và giường ngủ phải ấm áp, tránh không khí lạnh trong phòng ngủ. Có thể thực hành thiền định và tập thở theo phương thức thư giãn sẽ giúp dễ đi vào giấc ngủ và chất lượng giấc ngủ tốt hơn trong điều kiện thời tiết hiện nay.
• PV: Cảm ơn GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin