Đảm bảo an toàn truyền máu cho người bệnh

AN NHIÊN 04:18, 16/03/2023

Sàng lọc máu bằng kỹ thuật hiện đại tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Lâm Đồng giúp loại bỏ các túi máu nhiễm bệnh viêm gan B, C, giang mai và HIV. Kết quả nghiên cứu mới công bố của Bác sĩ chuyên khoa II (BSCKII) Lê Văn Tiến - Giám đốc BVĐK Lâm Đồng và cộng sự đã góp phần đảm bảo an toàn truyền máu cho bệnh nhân.

Máu được sàng lọc bằng kỹ thuật hiện đại trước khi truyền cho bệnh nhân
Máu được sàng lọc bằng kỹ thuật hiện đại trước khi truyền cho bệnh nhân

An toàn truyền máu luôn là vấn đề cấp thiết và được quan tâm ở mọi quốc gia trên thế giới, trong đó sàng lọc các tác nhân lây truyền qua đường máu luôn là mục tiêu quan trọng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khu vực Đông Nam Á tỷ lệ nhiễm vius viêm gan B, C (HBV, HCV) cao nhất thế giới. Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm HBV trong cộng đồng khá cao từ 10% - 15%. Thông tư 26/2013/TT-BYT của Bộ Y tế quy định để truyền đơn vị máu an toàn, ngoài xét nghiệm miễn dịch, cần bổ sung kỹ thuật sinh học phân tử NAT (Nucleic Acid Testing) để phát hiện sớm hơn, rút ngắn hơn ở giai đoạn cửa sổ tình trạng nhiễm HBV, HCV, HIV. 

Tại Lâm Đồng cũng như khu vực các tỉnh Tây Nguyên chưa có nghiên cứu đánh giá tình hình nhiễm HBV, HCV, HIV và giang mai ở người hiến máu tình nguyện và cũng chưa có nghiên cứu đánh giá hiệu quả sàng lọc sau khi bổ sung kỹ thuật NAT phát hiện HBV, HCV, HIV tiềm ẩn, đảm bảo tốt an toàn truyền máu giúp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngày càng tốt hơn. Vì vậy, đề tài “Nghiên cứu tình hình nhiễm HBV, HCV, HIV và bệnh giang mai được xác định bằng kỹ thuật miễn dịch và kỹ thuật sinh học phân tử (NAT) ở người hiến máu tình nguyện tại tỉnh Lâm Đồng năm 2020-2021” của BSCKII Lê Văn Tiến và cộng sự vừa công bố tại Hội nghị khoa học thường năm năm 2023 của BVĐK tỉnh Lâm Đồng là công trình nghiên cứu đầu tiên trong lĩnh vực này.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ mẫu nhiễm HBV là 1,31%; HCV 0,25%; HIV 0,16% và giang mai 0,19%. Hiệu quả sàng lọc HBV, HCV, HIV sau khi bổ sung kỹ thuật NAT ở 16.259 mẫu của đối tượng nghiên cứu giúp phát hiện và loại bỏ thêm 37 đơn vị máu nhiễm HBV-DNA mà kỹ thuật sàng lọc miễn dịch huyết thanh học không phát hiện được, với tỷ lệ phát hiện thêm mẫu nhiễm HBV-DNA là 0,23%; chưa phát hiện tỷ lệ nhiễm HCV và HIV qua sàng lọc máu bằng kỹ thuật sinh học phân tử. Việc sử dụng sàng lọc miễn dịch huyết thanh học có bổ sung kỹ thuật NAT đã góp phần cao hơn nữa đảm bảo an toàn truyền máu cũng như cho thấy việc cần thiết phải thực hiện bổ sung kỹ thuật NAT trong công tác đảm bảo an toàn truyền máu hiện nay.

BSCKII Lê Văn Tiến cho biết, an toàn truyền máu là nội dung xuyên suốt trong chiến lược truyền máu của mỗi quốc gia; trong đó, sàng lọc các tác nhân lây truyền qua đường máu luôn là mục tiêu quan trọng nhằm giảm thiểu nguy cơ nhiễm các tác nhân lây truyền qua đường máu khi sử dụng các chế phẩm máu để truyền với mục đích điều trị. Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo việc sàng lọc HBV, HCV và HIV là bắt buộc cho tất cả các đơn vị máu. Tại Việt Nam, theo quy định của pháp luật về hướng dẫn hoạt động truyền máu phải đảm bảo 100% các đơn vị máu được sàng lọc thường quy các bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường máu HBV, HCV, HIV và giang mai. Đây là quy định bắt buộc và ngoài việc sử dụng các kỹ thuật xét nghiệm miễn dịch cần bổ sung kỹ thuật sinh học phân tử NAT để phát hiện sớm hơn, rút ngắn hơn ở giai đoạn cửa sổ tình trạng nhiễm 3 loại virus trên.

Kỹ thuật miễn dịch (là các kỹ thuật ELISA, Hóa phát quang hay Điện hóa phát quang) với độ nhạy, độ đặc hiệu rất cao từ 99,5% -100%. Tuy nhiên, thời gian cửa sổ khá dài. Kỹ thuật NAT là kỹ thuật sinh học phân tử khuếch đại DNA hay trình tự mục tiêu của RNA giúp phát hiện sớm HIV chỉ trong 11 ngày sau phơi nhiễm thay vì xét nghiệm miễn dịch bình thường trên 21 ngày; tương tự HBV 34 ngày và HCV 23 ngày thay vì 59 và 82 ngày. Nhu cầu truyền máu tại BVĐK Lâm Đồng ngày càng nhiều, mỗi năm cần khoảng 10.000 đơn vị máu. Với tỷ lệ nhiễm các bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường máu như HBV, HCV trong dân số cao và con đường lây truyền qua truyền máu, các sản phẩm của máu đã và đang được cộng đồng hết sức quan tâm. Ngoài việc xét nghiệm bằng kỹ thuật miễn dịch có độ chính xác cao như ELISA, Hoá phát quang hay Điện hoá phát quang thì việc xét nghiệm bổ sung bằng kỹ thuật sinh học phân tử NAT phát hiện HBV, HCV, HIV tiềm ẩn là hết sức cần thiết và quan trọng. 

Hiện nay, vẫn còn một số bệnh viện tỉnh thành chưa thực hiện kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử NAT để truyền máu điều trị cho bệnh nhân, nếu có thì lấy đơn vị máu từ các Trung tâm Huyết học truyền máu đã được sàng lọc NAT về truyền hoặc gửi mẫu tới các Trung tâm Huyết học để sàng lọc NAT dẫn đến thời gian vận chuyển, gửi mẫu và chờ đợi khá lâu. Từ tháng 3/2020, BVĐK Lâm Đồng đã bắt đầu triển khai thực hiện kỹ thuật xét nghiệm NAT để bổ sung cho việc sàng lọc thường quy các đơn vị máu.