Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Mycobacterium Tuberculosis gây ra. Bệnh lây lan do vi khuẩn lao phát tán ra ngoài khi người mắc lao phổi ho, nói, hắt hơi, khạc nhổ mà vô tình người tiếp xúc gần đó có thể bị hít vào và gây bệnh tại phổi. Từ phổi, vi khuẩn lao có thể qua đường máu hay bạch huyết đến các tạng khác trong cơ thể và gây bệnh tại đó.
Vào ngày 24/3 hàng năm, kỷ niệm Ngày Thế giới phòng, chống lao nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về ảnh hưởng của bệnh lao đến sức khỏe, kinh tế và xã hội, đồng thời, đẩy mạnh nỗ lực chấm dứt đại dịch lao trên toàn cầu. Đây cũng là dịp kỷ niệm ngày bác sĩ Robert Koch đã phát hiện ra vi khuẩn gây bệnh lao vào năm 1882, mở ra con đường chẩn đoán và chữa khỏi căn bệnh này.
Chủ đề Ngày Thế giới phòng, chống lao năm 2023 là “Việt Nam chiến thắng bệnh lao” thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc chấm dứt căn bệnh nguy hiểm này. Để đạt được mục tiêu to lớn đó cần có sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và của toàn dân trong công tác phòng, chống bệnh lao. Chúng ta cũng cần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người có nguy cơ cao, người dân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa... Xóa bỏ sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người mắc lao. Tăng cường công tác chẩn đoán, phát hiện, chăm sóc dự phòng, hỗ trợ và điều trị người mắc lao. Đặc biệt, phải sử dụng triệt để lợi thế của hệ thống Chương trình Chống lao quốc gia với kinh nghiệm tổ chức phát hiện chủ động, Xquang di động, sàng lọc lao trong số người tiếp xúc và hệ thống xét nghiệm Xpert (một kỹ thuật xét nghiệm tiên tiến, hiện đại để phát hiện vi khuẩn lao) và huy động cộng đồng tham gia phát hiện chủ động, tích cực và điều trị khỏi bệnh lao.
Vi khuẩn lao có khả năng kháng lại cồn và axit mà ở nồng độ đó vi khuẩn khác bị tiêu diệt. Vi khuẩn lao tồn tại được nhiều tuần trong đờm, rác ẩm và tối, chết ở nhiệt độ 100 độ C/5 phút và dễ bị mất khả năng gây bệnh dưới ánh nắng mặt trời. Năm 1993, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố lao là một "tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu". Năm 2006, tổ chức Stop TB Partnership xây dựng Kế hoạch ngăn chặn lao toàn cầu với mục tiêu cứu được 14 triệu mạng sống từ khi kế hoạch này khởi động đến năm 2015. Tuy nhiên, đến năm 2015, kế hoạch này đã không đạt được một số mục tiêu đặt ra, chủ yếu do sự gia tăng các ca lao liên quan đến HIV và sự xuất hiện của chủng lao kháng nhiều loại thuốc.
Giai đoạn năm 2019 đến năm 2022, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến tiến trình thực hiện giai đoạn cuối của chiến lược chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu và tại Việt Nam; trong đó, bao gồm đảm bảo tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế cho tất cả người dân.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2020, Việt Nam xếp thứ 10 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao và xếp thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Bệnh lao vẫn được xem là một bệnh mang tính chất xã hội do việc lây lan, phát triển của bệnh lao có liên quan đến tình trạng hạn chế tiếp cận với dịch vụ thiết yếu chăm sóc sức khỏe, thiếu cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe để phát hiện và điều trị bệnh lao, sự hiểu biết hạn chế của người dân về kiến thức phòng bệnh, sự kỳ thị đối với người bệnh lao...
Tại Lâm Đồng, năm 2022, toàn tỉnh đã ghi nhận 568 bệnh nhân lao mới; trong đó có 349 bệnh nhân lao phổi AFB dương tính (nguồn lây chính của bệnh lao trong cộng đồng). Tỷ lệ điều trị bệnh nhân lao phổi AFB dương tính khỏi đạt 90% (đạt yêu cầu của Chương trình Chống lao quốc gia > 85%). Số bệnh nhân lao kháng thuốc đang quản lý trong toàn tỉnh là 8 người. Chương trình chống lao tỉnh Lâm Đồng đã triển khai các hoạt động phòng, chống lao đúng theo hướng dẫn của Chương trình Chống lao quốc gia.
Đặc biệt, để chủ động phát hiện bệnh lao, trong năm 2022, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Sức khỏe và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng phối hợp với các Trung tâm Y tế các huyện Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Bảo Lâm, Đơn Dương, Lạc Dương và Đam Rông tổ chức khám sàng lọc chủ động phát hiện người mắc lao tại cộng đồng cho người dân tại 56 xã của 6 huyện theo hoạt động Dự án Quỹ toàn cầu. Người dân đến khám sàng lọc bệnh lao được chụp phim Xquang và xét nghiệm Gene Xpert miễn phí. Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Sức khỏe bố trí xe Xquang lưu động tại các điểm khám và thực hiện phỏng vấn sàng lọc bệnh lao cho khoảng 6.000 người và thực hiện xét nghiệm Gene Xpert chẩn đoán bệnh lao cho gần 1.200 người dân. Những người ho khạc kéo dài trên 2 tuần, người tiếp xúc gần với nguồn lây bệnh lao, người bệnh lao cũ (bệnh nhân mắc lao trong năm 2020 - 2021) và những người có triệu chứng nghi lao, người có nguy cơ mắc lao cao (người nhiễm HIV, người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân lao kháng thuốc, bệnh nhân tiểu đường, người có dấu hiệu ho khạc đàm kéo dài...) đều được ưu tiên khám sàng lọc.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin