HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG, CHỐNG LAO (24/3):
Tăng cường phát hiện bệnh lao trong cộng đồng

AN NHIÊN 05:50, 24/03/2023

Mục tiêu của ngành Y tế Lâm Đồng năm 2023 tăng cường phát hiện nguồn lây bệnh lao phổi AFB (+) trong cộng đồng. Phấn đấu đạt tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao trên 85% theo quy định của Chương trình chống lao Quốc gia.

Các bác sĩ thuộc Chương trình Phòng, chống lao của tỉnh đang khám sàng lọc bệnh lao tại cộng đồng
Các bác sĩ thuộc Chương trình Phòng, chống lao của tỉnh đang khám sàng lọc bệnh lao tại cộng đồng

THÁCH THỨC TRONG CUỘC CHIẾN CHỐNG BỆNH LAO

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, đại dịch COVID-19 đã có tác động nghiêm trọng đến công tác chẩn đoán và điều trị lao trong những năm vừa qua. Toàn bộ những tiến độ đã đạt được tính đến năm 2019 đã bị chậm lại, đình trệ, hoặc là hoàn toàn đảo ngược, mục tiêu thanh toán bệnh lao toàn cầu đã bị chệch hướng.

Tác động rõ ràng nhất chính là sự sụt giảm lớn về số bệnh nhân lao được phát hiện trên toàn cầu. Từ mức cao nhất là phát hiện 7,1 triệu người bệnh (năm 2019) đã giảm xuống 5,8 triệu vào năm 2020 (giảm 18%), bằng với mức phát hiện của năm 2012. Năm 2021, số phát hiện bệnh nhân lao đã phục hồi một phần, lên mức 6,4 triệu trường hợp được phát hiện. Việt Nam cũng nằm trong số quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhưng có mức giảm trên 20%.

Việc giảm số ca bệnh lao được thông báo năm 2020 - 2021 có thể làm tăng số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và điều trị, dẫn đến tăng số ca tử vong do lao và mức độ lây truyền trong cộng đồng. Ước tính trên toàn cầu vào năm 2021, số ca tử vong do lao là 1,4 triệu trường hợp trong nhóm người không có HIV và 187.000 ca trong nhóm người sống chung với HIV. Ước tính có khoảng 10,6 triệu người mắc lao trên toàn cầu (năm 2021) tăng 4,5% so với năm 2020. Tỷ lệ mắc mới lao cũng tăng 3,6% trong năm 2021 so với năm 2020, đảo ngược mức độ giảm 2% hàng năm đã tồn tại trong 2 thập kỷ. Số trường hợp mắc lao kháng thuốc cũng tăng lên trong năm 2021 với 450.000 trường hợp mắc mới.

Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao với 169.000 người mắc bệnh lao và 12.000 người tử vong do lao năm 2021. Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, bệnh lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững. 

Giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng. Trước tình hình bệnh lao đối mặt với nhiều thách thức sau đại dịch COVID-19, Chương trình Chống lao quốc gia dự kiến điều chỉnh thời gian chấm dứt bệnh lao vào năm 2035 (thay vì 2030), phù hợp với Chiến lược chấm dứt bệnh lao toàn cầu. Chương trình Chống lao quốc gia cần được đầu tư rất nhiều nguồn lực để bảo đảm tất cả bệnh nhân lao được khám, phát hiện và điều trị, ưu tiên tăng cường phát hiện bệnh lao trên toàn quốc, đặc biệt là phát hiện chủ động trong cộng đồng, phát hiện tích cực tại cơ sở y tế, kết hợp phát hiện thường quy. Đảm bảo chất lượng quản lý điều trị, mở rộng hệ thống xét nghiệm nhanh, chính xác để kịp thời phát hiện sớm bệnh nhân mắc lao và ngăn chặn nguồn lây.

CHIẾN LƯỢC 2X

Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao.

Hàng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, còn có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo. Tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, khoảng 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn. Các công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc. 

Nhờ triển khai Chiến lược 2X (là chiến lược mới trong chẩn đoán lao sử dụng Xquang ngực và xét nghiệm Gene Xpert - một phương pháp chẩn đoán giúp phát hiện vi khuẩn lao), chúng ta có thể phát hiện sớm ca bệnh, đưa vào điều trị và cắt đứt nguồn lây của bệnh lao. 

Dự án USAID hỗ trợ chấm dứt bệnh lao, do tổ chức FHI 360 thực hiện, đã hỗ trợ 8 tỉnh ưu tiên triển khai các hoạt động cải thiện dịch vụ phát hiện lao, lao tiềm ẩn áp dụng chiến lược 2X và đưa vào điều trị. Với sự hỗ trợ này, từ tháng 8/2020 đến 12/2022, có 8.832 người mắc lao và 6.774 người nhiễm lao tiềm ẩn đã được phát hiện. Ngoài ra, dự án đã phối hợp với Chương trình Chống lao quốc gia xây dựng các hướng dẫn, quy trình kỹ thuật quốc gia nhằm đảm bảo tiếp cận xu hướng chẩn đoán và điều trị mới, nâng cao năng lực mạng lưới phòng, chống lao và hệ thống chẩn đoán, xây dựng các văn bản chính sách và hỗ trợ các tỉnh ưu tiên triển khai khám chữa bệnh lao thông qua quỹ bảo hiểm y tế.

Đối với hoạt động hỗ trợ công nghệ thông tin và chuyển đổi số y tế, dự án đã hỗ trợ nâng cấp hệ thống VITIMES nhằm đáp ứng đầy đủ các chức năng quản lý bệnh nhân lao, lao tiềm ẩn và hỗ trợ kết nối với một số hệ thống HIS trong bệnh viện. Trong năm 2023 và các năm tiếp theo, dự án hỗ trợ kỹ thuật cho 63 tỉnh, thành cả nước trong việc nâng cao năng lực triển khai Chiến lược 2X.

Tại Lâm Đồng, hoạt động chống lao năm 2022 ghi nhận số bệnh lao thu dung các thể là 568/600 bệnh nhân. Trong đó, số bệnh nhân lao phổi AFB (+) mới thu nhận điều trị là 349/300 bệnh nhân. Tỷ lệ bệnh nhân lao các thể trên dân số đạt 42,6/100.000 dân (đạt kế hoạch <50). Tỷ lệ bệnh nhân lao phổi AFB (+) mới điều trị khỏi đạt 90% (đạt yêu cầu của chương trình chống lao quốc gia >85%). Mục tiêu năm 2023, ngành Y tế Lâm Đồng tiếp tục duy trì công tác khám, hội chẩn bệnh nhân lao tại các tuyến. Tăng cường phát hiện nguồn lây AFB (+) mới trong cộng đồng. Các hoạt động chính: Quản lý và điều trị bệnh lao, lao/HIV, lao kháng thuốc trên địa bàn toàn tỉnh theo đúng quy định. Duy trì công tác khám, hội chẩn bệnh lao tại trung tâm và các tuyến cơ sở, duyệt cấp phát thuốc cho các đơn vị trong tỉnh. Thực hiện giám sát hỗ trợ các hoạt động phòng chống lao tại các huyện, xã trên địa bàn. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và sức khỏe triển khai các hoạt động của tiểu dự án Quỹ toàn cầu năm 2023 tổ chức sàng lọc chủ động lao trong cộng đồng, lao tiềm ẩn...