Tại Đức Trọng, qua theo dõi tỉ lệ giới tính khi sinh cho thấy có năm thì “thừa nam thiếu nữ”, có năm thì “thừa nữ thiếu nam”.
Cán bộ y tế và dân số tuyên truyền về dân số - kế hoạch hóa gia đình cho một phụ nữ có 3 con (2 gái, 1 trai) tại xã Phú Hội (Đức Trọng) |
Theo Sở Y tế Lâm Đồng, trong 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục triển khai chương trình kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tại 12/12 huyện, thành phố với 142/142 xã, phường, thị trấn. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đạt 9,8‰ thấp hơn kế hoạch năm là 10‰. Bình quân số con sinh đẻ ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đạt 2,1 con bằng với kế hoạch năm là 2,1 con. Tổng số trẻ sinh ra của tỉnh 8.648 trẻ (trong đó có 4.420 bé trai và 4.228 bé gái), tỷ số giới tính 104 bé trai/100 bé gái đạt so với kế hoạch giao là dưới 110 bé trai/100 bé gái; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 14,4%.
Tuy nhiên, tại một số địa phương có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cục bộ ở một số xã. Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình để có các giải pháp ngăn chặn kịp thời hệ lụy của việc mất cân bằng giới tính khi sinh. Tại Đức Trọng, qua theo dõi tỉ lệ giới tính khi sinh cho thấy có năm thì “thừa nam thiếu nữ”, có năm thì “thừa nữ thiếu nam”. Cụ thể: Trung bình mỗi năm huyện Đức Trọng có 1/3 số xã mất cân bằng giới tính là số trẻ nam cao hơn số trẻ nữ, cũng có xã mất cân bằng giới tính là số trẻ nữ cao hơn số trẻ nam. Nhìn chung, tại huyện Đức Trọng việc mất cân bằng giới tính còn cao, vẫn chưa cân bằng ổn định (thông thường 104-106 bé trai/100 bé gái). Năm 2020 có 108,7 trẻ trai/100 trẻ gái; năm 2021 có 98 trẻ trai/100 trẻ gái; năm 2022 có 108,8 trẻ trai/100 trẻ gái và 6 tháng đầu năm 2023 có 112 trẻ trai /100 trẻ gái.
BSCKII Lê Khắc Thảo - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng cho biết: Nguyên nhân mất cân bằng giới tính khi sinh trước hết do đặc điểm văn hóa với nhiều phong tục tập quán thấm đậm tư tưởng Nho giáo ở huyện Đức Trọng làm cho suy nghĩ “trọng nam khinh nữ”, “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, “con trai mới là con của mình, còn con gái là con người ta”, mong có con trai để “nối dõi tông đường”, để “đảm trách công việc thờ cúng tổ tiên, ông bà”, vẫn còn tiềm ẩn trong nhận thức của một số gia đình ở địa bàn huyện. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều gia đình mong sanh con trai để đảm đương những công việc nặng nhọc của gia đình như khuân vác, làm vườn cà phê, trồng sầu riêng, đi rừng... hoặc nối nghiệp ngành nghề của gia đình như làm xưởng gỗ, thợ sắt, kinh doanh xe, vận tải hàng hóa... Trong tình hình hiện nay, các ấn phẩm văn hóa tuyên truyền về hướng dẫn việc lựa chọn giới tính thai nhi còn xuất hiện trên thị trường, cộng với mạng xã hội phát triển mạnh tạo điều kiện cho đối tượng tự tìm hiểu và áp dụng, từ đó đã góp phần gia tăng chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh.
Trong thực tế đối với huyện Đức Trọng, hệ thống y tế tư nhân phát triển mạnh, phương tiện chẩn đoán y khoa hiện đại như siêu âm 3 chiều, 4 chiều, siêu âm màu... xuất hiện ở khắp các phòng khám, trong khi một số phòng chẩn đoán siêu âm chưa cam kết không tiết lộ giới tính thai nhi, việc này vô tình góp phần trong lựa chọn giới tính thai nhi.
Thuận lợi trong công tác dân số có sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, Ban Chỉ đạo công tác dân số từ huyện đến xã, sự phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương. Công tác truyền thông, vận động được thực hiện thường xuyên, đều khắp trong toàn huyện, hệ thống cộng tác viên dân số hoạt động đều từ tháng 7/2022 đến nay.
Song khó khăn là huyện Đức Trọng dân số đông với 192.240 người (đứng thứ 2 sau TP Đà Lạt), phát triển mạnh về kinh tế, có sân bay, khu công nghiệp, chợ đầu mối, đất đai phì nhiêu phát triển mạnh cây cà phê, sầu riêng, hoa phong lan, rau, củ, quả... Do đó, thu hút nhiều di dân đến, đây là ưu điểm cũng là khó khăn của địa phương về đặc điểm dân cư: Đối với người dân từ vùng phía Bắc tư tưởng còn nặng việc có con trai để giữ gìn gia tộc, thờ cúng ông bà, nối dõi tông đường. Đối với người đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên tư tưởng còn nặng việc sinh con gái để chăm sóc cha mẹ lúc về già và giữ gìn tài sản gia đình, cho nên tại huyện Đức Trọng đã xảy ra tình trạng chênh lệch giới tính khi sinh nhiều nữ ít nam vào năm 2021 có 98 trẻ trai /100 trẻ gái.
Ngoài các nguyên nhân về mất cân bằng giới tính nêu trên, còn khó khăn trong mạng lưới hoạt động từ tháng 1/2021 đến tháng 7/2022 cộng tác viên dân số chưa có phụ cấp kéo dài nên một số nơi hoạt động không hăng hái, việc truyền thông tại cộng đồng không đều, có phần lơ là đã ảnh hưởng đến công tác dân số nói chung và vận động, tuyên truyền để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Trong thời gian tới, huyện Đức Trọng đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục các tầng lớp Nhân dân nhằm chấp hành nghiêm và thực hiện tốt các văn bản pháp luật của Đảng và Nhà nước về chính sách dân số. Trung tâm Y tế Đức Trọng tham mưu UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các cơ sở bán sách, cơ sở y tế tư nhân có chẩn đoán hình ảnh, hướng dẫn cam kết không tiết lộ giới tính thai nhi. Đồng thời, tham mưu cho chính quyền địa phương có chính sách ưu tiên dành cho nữ, nêu cao vai trò của nữ giới trong xã hội hiện nay, kịp thời khen ngợi các cặp vợ chồng có con một bề là gái thực hiện đúng chính sách dân số, nhấn mạnh vai trò của nam giới trong việc chấp hành các chính sách dân số và thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin