Thứ 6, 18/04/2025, 01:40

Trang bị kiến thức phòng, chống HIV/AIDS cho học sinh khiếm thính

V. QUỲNH 13:50, 11/04/2025

(LĐ online) - Ngày 10/4, tại Tỉnh Đoàn Lâm Đồng, Mạng lưới Câu lạc bộ Mùa hè xanh trực thuộc Trung tâm Tình nguyện quốc gia tổ chức tập huấn kiến thức phòng, chống HIV cho đoàn viên, thanh niên. Hoạt động nằm trong Dự án Tiếng nói chung tay - Kết nối vì cộng đồng an toàn.

Các học viên được báo cáo viên trang bị kiến thức liên quan đến HIV/AIDS
Các học viên được báo cáo viên trang bị kiến thức liên quan đến HIV/AIDS

Tham gia lớp tập tuấn có 130 học viên; trong đó, có 90 học viên là học sinh Trường Khiếm thính tỉnh Lâm Đồng. Tại đây, các học viên đã được nghe báo cáo viên là Bác sĩ Bùi Thị Kim Ngân - Bác sĩ chuyên trách Khoa Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Lâm Đồng và bác sĩ Vũ Thị Ngọc Lan - Nhân viên Khoa Phòng chống HIV/AIDS phổ biến các kiến thức liên quan đến HIV/AIDS.

Cụ thể như khái niệm cơ bản về HIV/AIDS và đặc điểm sinh học của HIV; các con đường lây truyền HIV; các giai đoạn lâm sàng HIV; mối quan hệ giữa HIV với viêm gan B, các bệnh lây qua đường tình dục, lao...

Các học viên được trang bị kỹ năng phòng chống HIV/AIDS
Các học viên được trang bị kỹ năng phòng chống HIV/AIDS

Sau buổi tập huấn, 100% học viên có bài kiểm tra đánh giá kiến thức về HIV đạt chuẩn 50%.

Dự án Tiếng nói chung tay - Kết nối vì cộng đồng an toàn nhằm tăng cường nhận thức và tiếp cận thông tin về phòng, chống HIV/AIDS cho các nhóm yếu thế, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số và người khiếm thính. Qua đó, giảm tỷ lệ nhiễm mới HIV trong các nhóm này thông qua giáo dục, cung cấp dịch vụ hỗ trợ.

Dự án “Tiếng nói chung tay - Kết nối vì cộng đồng an toàn” nhằm tăng cường nhận thức và tiếp cận thông tin về phòng, chống HIV/AIDS cho các nhóm yếu thế
Dự án Tiếng nói chung tay - Kết nối vì cộng đồng an toàn nhằm tăng cường nhận thức và tiếp cận thông tin về phòng, chống HIV/AIDS cho các nhóm yếu thế

Trong đó, mục tiêu cụ thể của dự án là đào tạo, cung cấp cho đồng đẳng viên, tình nguyện viên, người dân tộc thiểu số và người khiếm thính kiến thức về HIV/AIDS và kỹ năng truyền thông; tiếp cận và hỗ trợ trong nhóm hưởng lợi, cung cấp dịch vụ xét nghiệm, điều trị HIV (ARV, PrEP) và các dịch vụ tư vấn. Đồng thời, triển khai các chiến dịch truyền thông cộng đồng bằng các hình thức phù hợp với ngôn ngữ dân tộc và ngôn ngữ ký hiệu.