Đề xuất hơn 1,6 triệu viên chức ra khỏi biên chế

09:09, 29/09/2010

Khác với nhất trí trước đây về việc vẫn giữ chế độ biên chế cho viên chức tuyển trước năm 2003 khi dự luật Viên chức có hiệu lực, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều nay (29/9) kiến nghị bỏ biên chế, đổi sang hình thức ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn.

Khác với nhất trí trước đây về việc vẫn giữ chế độ biên chế cho viên chức tuyển trước năm 2003 khi dự luật Viên chức có hiệu lực, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều nay (29/9)kiến nghị bỏ biên chế, đổi sang hình thức ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn.

Đảm bảo công bằng

Một trong những quy định quan trọng theo dự thảo Luật Viên chức, đó là viên chức được tuyển dụng vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công trước ngày 1/7/2003 vẫn được Nhà nước đảm bảo các quyền lợi về ổn định việc làm, chính sách chế độ tiền lương và các quyền lợi đang được hưởng như hiện nay.

Với các viên chức được tuyển dụng sau ngày 1/7/2003, quyền và các chế độ, chính sách sẽ được thực hiện theo các thỏa thuận theo hợp đồng.

Viên chức tuyển dụng sau ngày 1/7/2003, quyền và các chế độ, chính sách sẽ được thỏa thuận theo hợp đồng.
Viên chức tuyển dụng sau ngày 1/7/2003, quyền và các chế độ, chính sách sẽ được thỏa thuận theo hợp đồng.
Không giống quan điểm từng ủng hộ quy định trên trong các phiên họp thảo luận trước, UB Pháp luật cho hay trong quá trình thẩm tra dự luật, có ý kiến không tán thành quy định trên và kiến nghị chỉnh lý.
“Có ý kiến không tán thành vì cho rằng quy định như vậy sẽ tạo sự không bình đẳng và phân biệt đối xử trong cùng một đơn vị sự nghiệp công lập, làm giảm ý chí phấn đấu của viên chức, đồng thời gây khó khăn cho việc áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật về chế độ bảo hiểm thất nghiệp, giải quyết tranh chấp về quan hệ lao động, khiếu nại…”, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho hay.

Trên cơ sở đó, UBTVQH nhất trí kiến nghị chỉnh lý lại quy định của dự thảo luật theo hướng viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2003 thực hiện việc ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn với đơn vị sự nghiệp công lập.

Cả nước hiện có hơn 1,6 triệu viên chức làm việc trong hơn 52 nghìn đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trên nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội. Được tách ra khỏi quản lý của Luật cán bộ, công chức, dự luật Viên chức được cho là bước đổi mới về thay đổi phương thức quản lý đối với viên chức.
Theo đó, chủ trương xóa bỏ chế độ biên chế, áp dụng triệt để chế độ vị trí việc làm trong tuyển dụng, thực hiện chế độ hợp đồng làm việc trong các đơn vị dịch vụ công thay cho tuyển dụng suốt đời.

Việt kiều làm viên chức: mở quá là khó

Dù đã thảo luận khá kỹ trong các phiên họp trước, song tại phiên họp chiều nay, các thành viên UBTVQH vẫn băn khoăn xung quanh quy định của dự thảo luật cho phép công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài được tham gia dự tuyển làm viên chức.

Bên cạnh ý kiến ủng hộ hoàn toàn như của Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Lê Quang Bình, nhiều ủy viên băn khoăn về một chính sách mở nhưng có điều kiện, giới hạn.

Tán thành quy định dự luật nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về chính sách thu hút nguồn lực kiều bào nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng độ mở phải có giới hạn. “Mở quá là khó”, ông Sơn nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng luật nên quy định về nguyên tắc, ngoài các tiêu chuẩn, điều kiện để tuyển dụng theo quy định của luật, cũng sẽ giao cho Chính phủ quy định các điều kiện khác kèm theo trong văn bản Nghị định. 

Ngoài việc trình Quốc hội hai phương án xem xét : ủng hộ có điều kiện hoặc không ủng hộ quy định trên của dự thảo luật tại kỳ họp sắp tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho hay sẽ xin thêm ý kiến Bộ Chính trị về điều này.

VNN