Bắc Trung bộ: Mưa lớn, ngập sâu

09:10, 03/10/2010

Các tỉnh Bắc Trung bộ từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế đang trong tình trạng mưa lớn, nhiều nơi ngập sâu, ảnh hưởng đến giao thông. Đoạn đường sắt Bắc - Nam đang bị tắc nghẽn tại Quảng Bình...

Các tỉnh Bắc Trung bộ từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế đang trong tình trạng mưa lớn, nhiều nơi ngập sâu, ảnh hưởng đến giao thông. Đoạn đường sắt Bắc - Nam đang bị tắc nghẽn tại Quảng Bình...

Hà Tĩnh: Hơn 8.000 người dân đang bị đe doạ vì nguy cơ vỡ thuỷ điện Hố Hô

ht

Mưa lũ đang lên và hàng nghìn hộ dân ở hai huyện Vũ Quang, Hương Khê đang bị cô lập
- Ảnh: Văn Định

Đến tối ngày 3-10, mực nước ở thuỷ điện Hố Hô đạt trên 4 triệu mét khối, đang lên cao, nước chảy qua mặt đập hơn 1m và có nguy cơ vỡ đe doạ hơn 8.000 người dân của 14 xã nằm dọc sông Ngàn Sâu (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), chính quyền các cấp đang tìm mọi phương án khắc phục.

Có mặt tại thuỷ điện Hố Hô, chúng tôi ghi nhận nước ở hồ đang dâng cao, tràn qua mặt đập và đổ xuống sông như trút. Hàng trăm người dân hiếu ký đã kéo đến chân hồ xem thác nước lũ đầy nguy hiểm. Nhiều người dân bất chấp hiểm nguy đứng bên dòng nước cuồn cuộn chảy vớt củi.

Sau nghe báo cáo tình hình lòng hồ của  Nhà máy thuỷ điện Hố Hô, chiều ngày 3-10 tại UNBND huyện Hương Khê, phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh Trần Minh Kỳ đã tổ chức cuộc họp khẩn. Tại cuộc họp, đồng chí phó chủ tịch đã yêu cầu Ban quản lý Nhà máy thuỷ điện Hố Hô phải tìm mọi cách xã lũ, không để mực nước dâng cao dẫn đến nguy cơ vỡ. Trước sự nguy cơ vỡ, đồng chí phó chủ tịch yêu câu phải triển khai xã tràn cống phụ nhằm giảm nước tràn qua cổng chính.

Chiều 3-10, UBDN huyện Hương Khê đã huy động mọi lực lượng sẵn có trên địa bàn đến trực tiếp các xã bị ngập sâu, cô lập giúp dân di dời tài sản. Ba chiếc xuồng máy cao tốc đã được triển khai đến ứng cứu cho những xã bị ngập sâu như Lộc Yên, Hương Trạch, Phúc Trạch, Gia Phố, Hương Phố…

Ông Đinh Hữu Tân, Chủ tịch huyện Hương Khê cho biết: “Đến tối ngày 3-10 toàn huyện Hương Khê đang chạy đua với lũ. Hiện tại mực nước trên các con sông đang lên. Đặc biệt hồ thuỷ điển Hố Hô có nguy cơ vỡ đe doạ đến 2/3 người dân của huyện và chính quyền vẫn đang vô phương khắc phục sự cố”.

Nghệ An: Thương vong do mưa lũ

Ngày 3-10, người thân và chính quyền địa phương đã đưa thi thể bà Nguyễn Thị Thu (60 tuổi, trú tại xã Hậu Thành, huyện Yên Thành) và anh Trần Văn Khôi (39 tuổi, trú xã Phúc Thành, huyện Yên Thành) bị sét đánh chết, đi an táng trong mưa giông. Trước đó, chiều tối 2-10, bà Thu tranh thủ mưa ngớt dắt trâu ra đồng gần nhà ăn thì bị sét đánh chết, anh Khôi cũng bị sét đánh chết tại chỗ khi đi thả bắt cá.

Cũng trong sáng 2-10, mưa lớn làm nước lũ dữ tràn qua đập tràn Vân Hà (xã Mỳ Sơn, huyện Đô Lương) khiến hai học sinh đi học qua đập tràn bị nước cuốn, em Đặng Bá Thám (16 tuổi, học lớp 10, Trường THPT Đô Lương 4) bị nước lũ cuốn chết.

Đêm 2-10 rạng sáng 3-10, tàu hàng Hoàng Trung số hiệu 0808 (thuộc công ty TNHH Hoàng Trung, có trụ sở tại xã An Lư, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) chở 850 tấn xi măng từ Hải Phòng đi Phú Yên, bị gió đánh rách bạt. Mưa lớn, nước tràn vào hầm hàng làm tàu chìm tàu trên biển Cửa Lò.

Trung tâm cứu hộ cứu nạn thị xã Cửa Lò đã dùng mô tô nước phối hợp các lực lượng Đồn biên phòng cảng Cửa Lò ra cứu, đưa 8 thủy thủ vào bờ an toàn. Riêng anh Trần Văn Tuân bị thương, đã được quân y đồn BP cảng Cửa Lò - Bến Thủy cấp cứu, điều trị, sức khỏe đang bình phục dần. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã thăm, động viên hỗ trợ mỗi thủy thủ 500 nghìn đồng.

Tàu Hoàng Trung số hiệu 0808 chở 850 tấn xi măng và hơn 3.000l dầu đã bị chìm xuống biển. Hiện lực lượng chức năng thị xã Cửa Lò đang cùng chủ tàu tìm cách bảo vệ, khắc phục sự cố dầu trên tàu tràn ra biển và sớm trục vớt tàu.

Quảng Trị: báo động lũ toàn tỉnh

Đến tối 3-10, mưa lũ triền miên đã làm chết một cháu bé 2 tuổi tại xã Hải Sơn (Hải Lăng), tuy nhiên hiện chưa xác định được danh tính nạn nhân. Theo thông tin ban đầu, cháu bé chết do bị rơi xuống nước trong lúc bố mẹ bận dọn đồ đạc chạy lũ.

Ngoài ra, tình hình mưa lũ vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Tuy ở vùng hạ lưu mưa đã giảm nhưng lượng mưa đầu nguồn tăng nên mực nước tại các con sông lớn trên toàn tỉnh tiếp tục tăng nhanh. Tại sông Ô Lâu, Ô Giang (Hải Lăng), Thạch Hãn (thị xã Quảng Trị) đến 19g tối 3-10 mực nước đã chạm mức báo động 3; các sông còn lại như sông Hiếu, sông Bến Hải…đã vượt mức báo động 2 và bắt đầu đe dọa hàng trăm hộ dân sống ven sông.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tại huyện Hải Lăng, đã có hơn hai ngàn hộ dân bị ngập trong lũ. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện đã di dời được 330 hộ ra khỏi vùng nguy hiểm. Tại huyện Cam Lộ, hàng chục hộ dân ở các xã Cam Tuyền, thị trấn Cam Lộ (ven sông Hiếu) cũng bị ngập nặng do lũ. Tại thị xã Quảng Trị, lúc 15g chiều nước mới chạm báo động 2, nhưng đến 18g đã chạm báo động 3 làm hàng trăm hộ dân ven sông bị thiệt hại một số tài sản do không dọn kịp.

Tại Quảng Trị trưa ngày 3-10, mưa lớn kéo dài và liên tục từ ngày 29-9 đến nay khiến mực nước các sông trên toàn tỉnh tăng chóng mặt. Nhiều nơi nước sông đã tràn bờ và xâm xấp mép nhà dân. Hàng trăm thuyền vạn chài trên sông Hiếu đã phải sơ tán vào các con lạch ven sông.

Đặc biệt, trên các sông như sông Hiếu, sông Bến Hải, lượng nước lũ đầu nguồn đổ về kéo theo số lượng lớn củi, gỗ đã khiến nhiều người bất chấp nguy hiểm chèo thuyền ra giữa sông vớt củi.

Theo thống kê của trung tâm phòng chống lụt bão tỉnh, lượng mưa đo được trung bình trên toàn tỉnh mấy ngày qua dao động từ 200 – 450mm, có vùng như Hải Tân, Hải Sơn lên đến trên 500mm. Hiện mực nước tất cả các sông lớn ở Quảng Trị như Bến Hải, Hiếu Giang, Thạch Hãn…đều đã vượt mức báo động 1 trên nửa mét, riêng các sông Ô Lâu, Ô Giang ở Hải Lăng đã vượt trên báo động 2.

Ông Nguyễn Văn Bài, phó ban phòng chống lụt bão tỉnh cho biết, hiện tại tình hình thời tiết vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Dự kiến đến ngày 4-10, mực nước trên các sông sẽ vượt qua mức báo động 2, chạm mức báo động 3 gây lũ cục bộ ở nhiều địa phương, đặc biệt là các vùng trũng như Hải Lăng, Triệu Phong.

Quảng Bình: đường sắt ngập, gần 600 hành khách ở lại Đồng Hới

Từ 11g ngày 3-10, đoàn tàu SE6 đi Hà Nội đã phải nằm lại ga Đồng Hới. Lúc 15g, đoàn tàu TN2 đi Hà Nội đến ga Đồng Hới cũng phải dừng lại. Hiện tại ga Đồng Hới có gần 600 hành khách của hai đoàn tàu này ở lại ga.

Ông Nguyễn Thanh Khánh, phó ga Đồng Hới cho biết do trời mưa to từ đêm 2-10 nên đoạn đường sắt ở ga La Khê, giáp giới giữa huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) và Hương Khê (Hà Tĩnh) đã bị ngập nặng, đường sắt Bắc - Nam bị ách tắc. Theo ông Khánh, phải chờ nước rút mới có thể biết được có hư hỏng đường sắt hay không. Nếu không hư hỏng, khi nước rút tàu có thể tiếp tục chạy.

Đoạn đường Hồ Chí Minh (nhánh Đông) qua địa phận thôn Phú Nhiêu, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa đã bị ngập nước sâu từ 0,5-1m trên chiều dài hơn 2km. Các phương tiện giao thông từ Đồng Hới đi Minh Hóa và Hương Khê buộc  phải chạy vòng theo quốc lộ 12A xuống Ba Đồn để tránh đoạn ngập này.

Ở TP Đồng Hới, nước thượng nguồn đổ về sông Nhật Lệ suốt đêm nên đến chiều 3-10 mực nước dâng khá cao, cuốn theo nhiều rều rác. Nhiều tàu thyền dã về neo đậu trên sông tránh gió.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trong hai ngày 2 và 3-10-2010, tại Quảng Bình đã có mưa to đến rất to, lượng mưa đo được từ 190 đến trên 500mm. Mưa to đã làm mực nước sông Gianh tăng nhanh, tại trạm thủy văn Đồng Tâm mực nước 16,63m trên báo động III, 0,63m, trạm Mai Hóa mực nước 6,77m, trên báo động III, 0,77m.

Theo tổng hợp nhanh của Ban phòng chống bão lũ huyện Tuyên Hóa, huyện nằm đầu nguồn sông Gianh, đến 15h ngày 03, có 1.261 ngôi nhà ngập sâu trong lũ, địa phương đã phải di dời khẩn cấp 870 hộ gia đình với 1.507 nhân khẩu ra khỏi vùng lũ,.

Nước lũ cũng đã làm ngập tuyến đường Quốc lộ 12A đoạn qua xã Đức Hóa, hiện nay các phương tiện giao thông không thể lưu thông qua đoạn đường này. Nước lũ đã làm chia cắt nhiều cụm dân cư, chỉ tiếp cận được bằng thuyền. Đến 16g ngày 3-10-2010, tại địa bàn huyện miền núi này mưa lớn vẫn tiếp tục trút xuống, mực nước tại sông Gianh vân đang trong tình trạng tăng nhanh, Ban phòng chống bão lũ huyện đang tục trực ứng cứu, tiếp tục theo dõi để kịp thời di dời các hộ dân ra khỏi vùng lũ.

Huế: Biển nước

Thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, tính đến 13g chiều nay 3-10 mực nước trên các triền sông chưa có dấu hiệu hạ. Cụ thể trên sông Hương tại trạm Kim Long mực nước đo được là 1,93m, dưới báo động II là 0,07m; sông Bồ tại trạm Phú Ốc là 3,29m, trên báo động II 0,29m; sông Ô Lâu tại Phong Bình là 2,55m, trên báo động III là 0,55m.

hue
Đoàn khách du lịch tới Huế vào thời điểm này, phải dùng sõng để đi (ảnh chụp tại đường Bến Nghé - TP. Huế)

Đáng chú ý mưa lớn trong ba ngày qua (từ 1 đến 3-10) khiến phần lớn các hồ chứa nước lớn trên đại bàn tỉnh nước đã qua tràn.

Cụ thể, tại hồ Truồi (thuộc huyện Phú Lộc, dung tích 54 triệu khối nước) mực nước đo được lúc 12g ngày 3-10 là 36,65m, qua tràn 0,65m (cao trình đỉnh tràn hồ này là 36m); hồ Hòa Mỹ (thuộc huyện Phong Điền, dung tích 10 triệu khối nước) là 37,15m, qua tràn 2,15m (cao trình đỉnh tràn hồ này là 35m); hồ thủy điện Hương Điền (thuộc huyện Hương Trà và Phong Điền, dung tích hồ chứa dự kiến 820 triệu khối nước) là 49m, qua tràn 6,25m (cao trình đỉnh tràn hồ này là 42,75m); tại hồ thủy điện Bình Điền, dù nước chưa qua tràn nhưng hồ chứa có dung tích đến khoảng 420 triệu khối nước này mực nước đo được cùng thời điểm cũng đã lên đến 58,97m.

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, nhất là hiện có vùng áp thấp trên khu vực vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận, ba ngày qua Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có nhiều công điện, thông báo nhanh gửi các địa phương, sở, ban ngành và bộ đội biên phòng tỉnh phối hợp, triển khai các phương án đối phó. Theo ban này, đây là đợt lũ sớm, với lượng mưa lớn nhất từ đầu năm đến nay, Thừa Thiên - Huế đã thực sự bước vào mùa mưa lũ.

Do nằm trong vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Trong chiều ngày 2 và sáng ngày 3-10-2010 trên địa bàn TP Huế và Quảng Trị có mưa lớn trên diện rộng. Tại Huế, cơn mưa bất chợt trong nhiều giờ khiến cho nhiều tuyến đường, ngõ hẻm khu dân cư TP. Huế ngập sâu trong nước.

Nhiều khu vực như phường Thủy Dương, Thủy Phương (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế); các tuyến đường lớn của TP Huế như Hùng Vương, Ngự Bình, Phan Đình Phùng, Phan Châu Trinh… nước lên nhanh trong mưa, có chỗ lên đến hơn nửa đầu gối.

Mực nước tại các sông An Cựu, sông Hương, sông Đông Ba… đang tiếp tục dâng cao, bắt đầu ngập đến khu vực nhà dân.

Khoảng gần 3g sáng nay 3-10, trên tuyến đường giao nhau Ngự Bình - Hùng Vương, do nước dâng cao nên nhiều phương tiện lưu thông đã bị “chết” máy, gây khó khăn cho người đi đường. Một số xe tải, taxi cũng bị chết máy được người dân khu vực giúp đẩy đến sửa chữa gần đó.

Tại đoạn đường Ngự Bình, một vài người dân đi buôn chợ đã phải đứng trú mưa bên lề đường do không thể qua phía bên kia chợ An Cựu. Vừa trực tại chốt thoát nước, anh Phúc - một người dân ở Kiệt 1, đường Ngự Bình, TP Huế cho biết: do mưa lớn kéo dài từ suốt buổi sáng ngày 2-10 nên hệ thống thoát nước tại nhiều điểm không hoạt động kịp để rút nước. Tại một số khu vực như xóm Gióng (phường Thủy An, TP Huế) do không có hệ thống thoát nước nên lượng nước mưa cứ dâng cao theo từng giờ.

Đến khoảng hơn 5g sáng nay, mưa vẫn tiếp tục đổ xuống địa bàn TP Huế. Theo dự báo, nếu trong ngày 3-10 lượng mưa không dứt thì nguy cơ TP Huế ngập chìm trong biển nước là điều khó tránh khỏi.

Có nơi đường ngập sâu tới 0,5m - 1m khiến cho giao thông bị đình trệ, ùn tắc cục bộ như: Đống Đa, Nguyễn Huệ, Hùng Vương, Phạm Văn Đồng, cầu Phú Xuân, cầu Trường Tiền… Có nơi phải dùng cả sõng (ghe) để đưa du khách nước ngoài và người dân qua khỏi nơi ngập sâu như tại tuyến đường Bến Nghé.

Bà Trần Thị Hoa, một người dân sống trên đường Đống Đa - TP Huế cho biết: “Hễ trời mưa xuống là đường lại ngập, chuyện ngập úng ở TP. Huế không phải mới xảy ra đây, mà tồn tại từ nhiều năm nay. Nhưng chính quyền TP vẫn chưa tìm ra cách giải quyết”.

Sinh viên Nguyễn Đức Tín, lớp Xã hội học K33, trường Đại học Khoa học Huế, phân trần: “Thật sự mới đầu đặt chân ra Huế, em chưa bao giờ hình dung cảnh TP. Huế thơ mộng như thế mà cứ hễ mưa xuống là ngập. Dù mưa nhỏ hay mưa to vẫn ngập”.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lúc 13g ngày 3-10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở trên khu vực vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Nam - Bình Thuận. 

Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp này di chuyển chậm chủ yếu theo hướng Bắc Tây Bắc. Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp kết hợp với trường gió đông bắc hoạt động mạnh ở khu vực bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) và đới gió Tây Nam ở khu vực nam Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa), vùng biển ngoài khơi Trung bộ và Nam bộ, có mưa rào và dông mạnh. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy và gió giật mạnh.

Đêm hôm qua và ngày hôm nay 3-10 không khí lạnh đã ảnh hưởng đến Bắc bộ. Dự báo đêm nay và ngày mai, bộ phận không khí lạnh này tiếp tục ảnh hưởng đến các tỉnh Trung bộ.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, kết hợp với hoạt động của vùng áp thấp ở các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Thuận có mưa vừa, mưa to đến rất to và rải rác có dông. Gió đông bắc ở vịnh Bắc bộ và vùng biển Quảng Trị - Quảng Ngãi tiếp tục mạnh cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 7. Biển động mạnh.

Hà Tĩnh: lũ lớn làm 2 người mất tích

Tính đến thời điểm này, lũ lớn hành hoành ở hai huyện miền núi Hương Khê, Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã làm 2 người mất tích, hàng nghìn hộ dân bị cô lập hoàn toàn. Ban Phòng chống bão lút huyện Hương Khê cho biết đến 14 giờ chiều nay 3-10, khoảng hơn 300 hộ dân trong vùng đã sơ tán lên những vùng núi cao hơn để tránh tình trạng hồ thủy điện Hồ Hô có nguy cơ vỡ.

Theo báo cáo của Ban phòng chống bão lũ Hà Tĩnh, do ảnh hưởng khối không khí lạnh kết hợp với vùng áp thấp, từ ngày 29-9 đến 3-10, trên địa bàn Hà Tĩnh có mưa to và rất to, có nhiều nơi lượng mưa từ 300-400mm nên ở hai huyện Hương Khê và Vũ Quang xuất hiện lũ lớn và đang lên. Đặc biệt ở huyện Hương Khê đã có hai người mất tích do mưa lũ.

Được biết, chiều ngày 2-10, hai chiến sĩ Đại đội công binh thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh trên đường trở về đơn vị thì một chiến sĩ bị nước lũ cuốn trôi. Hiện tỉnh đội Hà Tĩnh huy động hàng trăm chiến sĩ nỗ lực tìm kiếm trên sông Rào Hào.

Vào lúc 6g sáng nay 3-10, cô giáo Trần Thị Hoa, giáo viên mầm non ở xóm 6 xã Hương Bình cũng bị nước lũ cuốn trôi. Mọi nỗ lực tìm kiếm đang được địa phương nay triển khai.

Ông Lê Trần Sáng, phó chủ tịch huyện Hương Khê cho biết, đến thời điểm này huyện Hương Khê đã có hơn 1.000 hộ dân bị ngập, tập trung chủ yếu ở các xã dọc hai bờ sông Ngàn Sâu như Phương Điền, Phương Mỹ, Hà Linh, Hương Thủy, Hương Trạch, Lộc Yên, Hương Đô…

Hiện nay một số công trình thủy lợi đang có nguy cơ bị vỡ, đặc biệt ở thủy điện Hồ Hô nước đã chảy qua mặt đập gần 1m, hệ thống cống xả lũ ngừng hoạt động, nếu mưa lớn kéo dài hồ thủy điện Hồ Hô sẽ có nguy cơ vỡ.

Sáng ngày 3-10, UBND huyện Hương Khê tổ chức họp khẩn các thành viên ban phòng chống lụt bão và một số ban phòng. UBND huyện Hương Khê cũng đã có công lệnh khẩn cho các xã, thị trấn phải di dời dân đến những nơi an toàn, đặc biệt hàng nghìn hộ dân sống dọc sông Ngần Sâu đang đe dọa bởi lũ quét.

Được biết hiện nay lũ ở hai huyện Vũ Quang và Hương Khê đang lên cao. Nếu mưa kéo dài hai huyện này có nguy cơ bị cô lập hoàn toàn.

Theo tuổi trẻ online