“Bảo vật” một thời mang theo …

07:10, 03/10/2010

Có một thời, những chàng trai, cô gái Hà Nội mang theo cả tuổi trẻ dấn thân chinh phục vùng đất mới, hoang vu và xa lạ - vùng kinh tế mới Nam Ban  xưa và Lâm Hà nay.

[links()]Có một thời, những chàng trai, cô gái Hà Nội mang theo cả tuổi trẻ dấn thân chinh phục vùng đất mới, hoang vu và xa lạ - vùng kinh tế mới Nam Ban  xưa và Lâm Hà nay. Ngoài nỗi nhớ quê hương, hành trang đi cùng họ còn là những vật dụng giản đơn, thô sơ nhưng vô cùng hữu ích cho cuộc sống nhiều thiếu thốn ngày ấy.

Chiếc cối đá xay bột làm muối ăn trong những ngày gian khó của gia đình ông Giáo
Chiếc cối đá xay bột làm muối ăn trong những ngày gian khó của gia đình ông Giáo.

Ba mươi bốn năm trước, những chiếc cuốc chim, cối đá xay bột, xe thồ cải tiến, radio Sông Hồng, quạt con cóc … so với thời đại công nghệ số bây giờ thật khiêm nhường và tụt hậu. Nhưng với những người đi mở đất thuở nào, chúng là món ăn tinh thần, là công cụ sinh nhai cho hàng ngàn con người suốt quãng dài gian khó.

Những vật dụng thân thuộc xưa kia không tránh khỏi sự mai một của thời gian, nhưng với thế hệ đầu tiên đi mở đất, chúng là tài sản vô giá, như thể là những tín vật linh thiêng không thể đánh đổi, luôn được trân trọng và gìn giữ như những bảo vật.

Chúng tôi thật sự ấn tượng và ngỡ ngàng trước những vật dụng cổ xưa có tuổi đời hàng trăm năm tuổi trong các gian trưng bày trong “Những ngày hội văn hóa Hà Nội tại Lâm Đồng” được tổ chức tại huyện Lâm Hà, quê hương thứ hai của những người con Hà Nội đi mở đất trên cao nguyên Lâm Đồng. Những vật dụng được mang theo được trưng bày ấy là những công cụ sinh hoạt, phương tiện sản xuất… từ những ngày đầu tiên con dân đất Hà thành vào Lâm Đồng xây dựng kinh tế mới.

Chiếc bình đồng đựng hạt giống và chiếc cối giã tương có mặt ở Nam Ban năm 1976
Chiếc bình đồng đựng hạt giống và chiếc cối giã tương có mặt ở Nam Ban năm 1976

Những vật dụng mang theo thuở ấy hiện đang được trưng bày tại lễ hội “Những ngày hội văn hóa Hà Nội tại Lâm Đồng” vốn rất gần gũi với người Hà Nội đi mở đất thuở nào. Đó là những vật dụng quen thuộc nơi làng quê bắc bộ như mâm đồng, lọ gốm đựng hạt cải, hũ đựng tương, liễn đựng mỡ lợn … của gia đình ông Nguyễn Danh Huệ ở thôn Vân Khánh, xã Hoài Đức.

Đó còn là những chiếc cuốc chim, bình gốm đựng các loại hạt giống để gieo hạt, cối đá xay đậu phộng làm muối ăn … của gia đình ông Giáo ở khu phố Đông Anh 1, thị trấn Nam Ban mang theo vào vùng kinh tế mới Lâm Hà hồi cuối năm 1976 đầu 1977.

Gần hơn với thời gian và mang “dáng dấp” của công nghệ kỹ thuật là những chiếc radio mang nhãn hiệu Sông Hồng của ông Dương Văn Đô ở khu phố Thăng Long, thị trấn Nam Ban mang vào cùng gia đình từ những ngày đi tiền trạm. Rồi nữa, đó còn là chiếc quạt con cóc do Nhà máy cơ điện Hà Nội sản xuất năm 1960 theo chân chàng thanh niên 21 tuổi Nguyễn Văn Phiếu vào Nam Ban năm 1976.

Mâm đồng và điếu bát, những vật dụng có tuổi đời trên một thế kỷ là minh chứng cho sức sống của vùng KTM Hà Nội.
Mâm đồng và điếu bát, những vật dụng có tuổi đời trên một thế kỷ là minh chứng cho sức sống của vùng KTM Hà Nội.

Những vật dụng gần gũi, giờ đã bạc màu bởi thời gian; cái còn hữu dụng, cái đã hỏng, nhưng kỳ lạ thay là chúng vẫn tồn tại như vượt lên trên cả thời gian lẫn không gian để tỏa sang một nét văn hóa Hà thành trên vùng quê mới Lâm Hà không phải là không có những biến đổi khôn lường. Những hiện vật đó như thể sự tồn tại hiện sinh minh chứng cho sức sống kỳ diệu của một vùng đất và một thế hệ tuổi trẻ Hà Nội đã hy sinh thời thanh xuân căng tràn sức sống để gieo mầm và đặt những viên gạch đầu tiên trên vùng đất bazan bên dòng Đạ Dâng – Lâm Hà.

Những vật dụng đơn sơ –hành trang theo chân những người Hà Nội đầu tiên trên đất Lâm Đồng.
Những vật dụng đơn sơ –hành trang theo chân những người Hà Nội đầu tiên trên đất Lâm Đồng.
TUẤN LINH-THỤY TRANG-KHẮC DŨNG