Bế mạc Những ngày hội văn hóa Hà Nội tại Lâm Đồng trong mưa: Tiếc nuối lộ rõ trên từng gương mặt

09:10, 03/10/2010

Dẫu không có một “không gian thiêng” cho những đôi chân trần thỏa thích hòa nhịp núi rừng nhưng nhịp chiêng của các đoàn Bảo Lâm, Lạc Dương, Lâm Hà, Đam Rông … mở màn lễ hội vẫn cất cao “giọng nói của ông bà” trong ching me trầm hùng trên “sân khấu”… hội trường.

[links()] Mặc dầu trời mưa rất to nhưng buổi bế mạc lễ hội “Những ngày hội văn hóa Hà Nội tại Lâm Đồng” vẫn được tổ chức, và cho dù không gian buộc phải thu hẹp. Bí thư Huyện ủy Lâm Hà Trần Thanh Phương chỉ đạo: “Lễ sẽ được tổ chức trong hội trường, tất cả các đơn vị có trách nhiệm đều phải chuẩn bị sẵn sàng!”.

Ngày 3.10 – ngày cuối cùng của lễ hội “Những ngày văn hóa Hà Nội tại Lâm Đồng”, tại Lâm Hà, buổi sáng, trời nắng rất đẹp; nhưng đến cuối chiều, mưa bỗng ập xuống ầm ào. Trắng trời mưa giăng. Những hoạt động của lễ hội ở ngoài trời hầu như không thể tổ chức được.
 
Chiều tối 3.10, cả Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch và Phó Chủ tịch cùng lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể của huyện và đại biểu của tỉnh đều ăn cơm “văn phòng” tại hội trường UBND huyện để sẵn sàng vào cuộc trong đêm hội khép lại lễ hội ngàn năm Thăng Long trên đất Lâm Đồng. Tuy nhiên, mưa càng ngày càng nặng hạt, việc tổ chức lễ bế mạc “Những ngày hội văn hóa Hà Nội tại Lâm Đồng” càng gặp nhiều khó khăn.
 
Hôm qua – 2.10, theo kế hoạch, lễ hội văn hóa cồng chiêng Lâm Đồng lần thứ 4 trong khuôn khổ “Những ngày hội văn hóa Hà Nội tại Lâm Đồng” sẽ được diễn ra nhưng cũng bởi mưa lớn nên Ban Tổ chức đã quyết định dời sang tối nay – 3.10.
 
Tổng đạo diễn chương trình “Những ngày văn hóa Hà Nội tại Lâm Đồng” Nguyễn Vũ Hoàng – GĐ Trung tâm Văn hóa Lâm Đồng – lúc sáng nay nhìn thấy trời đẹp đã không giấu được niềm vui: “Hóa ra, việc dời Carnavan cồng chiêng sang đêm nay lại hay! Trời đẹp thế này!”.
 
Nhưng, nằm ngoài sự mong đợi của nhiều người, bắt đầu từ 5 giờ 30 chiều ngày 3.10, trời đất ở đây bỗng trở nên mịt mù mưa xối. Trước mưa, nét buồn lộ rõ trên gương mặt của các nghệ nhân người dân tộc thiểu số. K’Brẻo đến từ Bảo Lâm trong bữa cơm tối đã không giấu được lo lắng: “Theo kế hoạch thì đêm nay sẽ là đêm hội hoành tráng nhất của những người dân tộc thiểu số Lâm Đồng. Các nghệ nhân chúng tôi đã sẵn sàng cùng hòa nhập vào dòng chảy văn hóa xứ Bắc! Rất sẵn sàng! Nhưng, mưa lớn thế này, không biết anh em chúng tôi có phải… phí cả một ngày chờ đợi để được dịp “thi thố” hay không!”.
 
7 giờ tối, mưa vẫn không có dấu hiệu tạnh. Ban Tổ chức thực hiện theo chỉ đạo của bí thư Huyện ủy Lâm Hà Trần Thanh Phương là “thu hẹp không gian” cồng chiêng trong hội trường. Dẫu không có một “không gian thiêng” cho những đôi chân trần thỏa thích hòa nhịp núi rừng nhưng nhịp chiêng của các đoàn Bảo Lâm, Lạc Dương, Lâm Hà, Đam Rông … mở màn lễ hội vẫn cất cao “giọng nói của ông bà” trong ching me trầm hùng trên “sân khấu”… hội trường.
 
cong chieng
Các nghệ nhân, già làng trong đêm giã bạn.
thu hep
Ban tổ chức buộc phải “thu hẹp không gian” cồng chiêng trong hội trường.
 
Chỉ đáng tiếc, đêm hội cồng chiêng không có được “không gian thiêng” đích thực, bởi mưa. Lửa không được cháy, rượu không được khát đến mềm môi, nhưng những nhịp chiêng, điệu xoang không thể cạn nhịp mà vẫn cứ chếnh choáng men say. Nhưng rồi, mưa vẫn cứ mưa, nhịp chiêng rồi cũng phải “tạm xa”, lễ hội đành phải khép lại trong tiếc nuối!
 
Theo kế hoạch, cũng trong khuôn khổ lễ hội cồng chiêng này, chương trình “Đêm lửa nghe chiêng” sẽ được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho cả cộng đồng cùng tham gia, nhưng rất tiếc, thị trấn Đinh Văn ngày 3.10, mưa mỗi lúc thêm nặng hạt. Tuy vậy, trong “không gian thu hẹp” tại hội trường UBND huyện Lâm Hà, các sơn nữ vẫn “cháy” đến “giọt nước” nhiệt huyết cuối cùng để mời các chàng trai buôn làng và các chàng trai người ngoài buôn làng “vào vòng” xoang cùng múa hát. 
 
bac khuat

Đồng chí Khuất Minh Phương – Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, trao
giấy khen cho các đoàn.

trao chieng
Phó GĐ Sở VH-TT-DL Lâm Đồng Nguyễn Thị Nguyên “trao chiêng” cho huyện Đạ Tẻh – đơn vị sẽ tổ chức lễ hội cồng chiêng Lâm Đồng năm 2011.
 
Một lễ hội mang đậm chất văn hóa Tây Nguyên đã được khép lại sớm vào lúc 8 giờ tối. Trời Lâm Hà của những người con Hà Nội trong đêm văn hóa Hà Nội trên đất Lâm Đồng vẫn mưa xối xả. Tuy nhiên, nụ cười vẫn rạng ngời trên khuôn mặt những sơn nữ vừa được điểm tô bằng men rừng chếnh choáng của những ché rượu cần. Và, sự tiếc nuối không chỉ lộ rõ trên gương mặt của những chàng trai núi rừng!
Trong đêm khai hội cồng chiêng, BTC cũng đã trao tặng giấy khen cho 12 huyện, TP trong toàn tỉnh vì những đóng góp tích cực cho sự thành công của Ngày hội văn hóa Hà Nội tại Lâm Đồng và Lễ hội cồng chiêng. Trao giải nhất phần thi Gánh hàng rong cho đơn vị Đức Trọng, giải nhì cho huyện Lâm Hà và giải ba cho huyện Đơn Dương. Giải nhất phần thi Cô hàng nước cho đơn vị chủ nhà  Lâm Hà, gi ải nhì huyện Đức Trọng và giải ba huyện Đạ Tẻh. Về phần thi Giọng hát hay tỉnh Lâm Đồng năm 2010, giải A thuộc về tiết mục Hà Nội linh thiêng hào hoa của huyện Đam Rông. Huyện Lâm Hà, Di Linh, Cát Tiên  nhận các giải B, C.
Lễ hội cồng chiêng lần thứ 5 sẽ được tổ chức tại huyện Đạ Tẻh vào năm 2011.

Khắc Dũng – Thụy Trang – Tuấn Linh