Trong suốt quá trình thi công, nhà thầu chỉ làm mang tính chất cầm chừng và rất nhiều hạng mục công trình làm theo kiểu cho xong việc, không đảm bảo về yêu cầu kỹ thuật.
Thầu xây dựng không có phép hành nghề, chủ yếu dựa vào “uy tín” để nhận công trình, đến khi công trình xây dựng có sự cố thì nhà thầu dễ dàng phủi bỏ trách nhiệm. Đó là tình cảnh của rất nhiều hộ hiện nay khi thuê nhà thầu “tay ngang” về thi công công trình nhà ở …
Thông qua người quen giới thiệu, ông Đỗ Văn Toàn (phường Lộc Phát, Bảo Lộc) đã thuê nhà thầu Nguyễn Văn Dũng (phường I, Bảo Lộc) xây dựng căn nhà mới theo kết cấu 1 trệt, 2 lầu tại đường Nguyễn Văn Cừ, phường Lộc Phát.
Căn nhà được khởi công xây dựng từ tháng 2/2010 và theo hợp đồng giữa ông Toàn và nhà thầu Nguyễn Văn Dũng thì sẽ hoàn thành sau 4 tháng khởi công, tiền thi công là 165 triệu đồng.
Thế nhưng, đến nay sao 8 tháng thi công, công trình vẫn đang còn dang dở. Trong suốt quá trình thì công, nhà thầu chỉ làm mang tính chất cầm chừng và rất nhiều hạng mục công trình làm theo kiểu cho xong việc, không đảm bảo về yêu cầu kỹ thuật. Khi bị phát giác, nhà thầu đã ngang nhiên bỏ dở công trình và còn đe dọa không cho người khác vào thi công.
|
Hệ thống điện, nước trong căn nhà mới xây của ông Toàn phải làm lại 100% . |
Ông Đỗ Văn Toàn cho biết: “Đến hiện tại thì nhà đã hoàn thành xong phần tổng quan nhưng có rất nhiều sai sót và sai phạm. Toàn bộ hệ thống điện đi âm tường nhưng không dùng “ruột gà” để bảo vệ mà đi dây trần trong tường; hệ thống nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời thì không dùng được; phần nền nhà thì không đồng bộ, chỗ thấp chỗ cao và thấp hơn phần lan can, sân thượng bên ngoài. Chính vì vậy hiện nay tôi phải thuê người khác về sửa chữa lại toàn bộ hệ thống điện, nước và nền nhà, ước tình thiệt hại lên đến 100 triệu đồng. Tuy nhiên, điều đó không đáng lo bằng chất lượng không trình, việc làm sai quy cách kỹ thuật như thế sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến độ bền và độ an toàn cho ngôi nhà”.
Do tin tưởng vào mối quan hệ quen biết nên ông Toàn đã không đòi nhà thầu xuất trình giấy phép hành nghề. Đến khi hỏi ra thì mới biết, đây chỉ là nhà thầu “tay ngang” .
Do đó, khi UBND phường Lộc Phát mời nhà thầu đến làm việc thì nhà thầu đã không đến. Thậm chí, trước đó UBND phường Lộc Phát đã nhiều lần mời ông Dũng đến để đóng thuế thu nhập nhưng ông cũng cố tình không đến, ông Toàn đã đứng ra “tạm ứng” trước số tiền này cho nhà thầu.
Đồng thời, ông Toàn cũng đã thanh toán 95 triệu đồng tiền công xây dựng cho nhà thầu. Mặc dù vậy, vì không có giấy phép hành nghề nên đến hiện tại địa phương cũng không có biện pháp xử lý nào tối ưu với nhà thầu. Ông Toàn kiến nghị: Cần phải có cách quản lý các nhà thầu “tay ngang” như thế này và xử lý theo đúng pháp luật để tránh những tổn thất cho người dân.
Trường hợp của ông Toàn là rất phổ biến đối với các hộ tư nhân xây dựng nhà dân dụng hiện tại. Thuê thầu xây dựng “tay ngang”, khi gặp sự cố kỹ thuật thì không biết kêu ai và cũng không có những cơ sở pháp lý để ràng buộc trách nhiệm đối với nhà thầu.
Đã đến lúc ngành chức năng địa phương cần phải thắt chặt quản lý và có những quy định chặt chẽ đối với những nhà thầu xây dựng. Đồng thời, các hộ dân khi xây nhà cũng cần cẩn trọng trong việc lựa chọn nhà thầu, tránh những nhà thầu “tay ngang” để đảm bảo chất lượng và độ an toàn cho công trình.
Hữu Sang