Họ - 2 người ở hai quốc gia khác nhau, nhưng có điểm chung là cùng yêu Đà Lạt và cùng thích làm từ thiện.
Họ - 2 người ở hai quốc gia khác nhau, nhưng có một điểm chung là cùng yêu Đà Lạt và cùng thích làm từ thiện.
Ông Paul Hall, cô giáo Nguyễn Thị Vy Vy và ông Theo Beerens. |
Trong 2 năm nay cả hai là “tình nguyện viên” của Trường Khiếm thính Lâm Đồng và Trường Thiểu năng Hoa Phong Lan tại Đà Lạt. Không chỉ giúp đỡ về tài chính, 2 ông còn thường xuyên đến đây tự tay mình giúp trường sửa chữa lại cơ sở vật chất, giúp các học sinh hòa nhập cộng đồng.
“Tôi với Đà Lạt như có một chút duyên với nhau” – ông Beerens nói.
Là kỹ sư điện về hưu, tám năm trước ông có dịp đến Đà Lạt với một người thân trong gia đình ông có gốc ở Đà Lạt. Và ông ngạc nhiên về khí hậu trong lành, nét thanh bình của thành phố trên cao nguyên này.
“Tôi thích thành phố này ngay, thích sự thân thiện của người dân nơi đây”. Rồi năm nào ông cũng trở lại Đà Lạt , ngày càng ở lâu hơn, bắt đầu tìm một công việc gì làm với tư cách như một tình nguyện viên, giúp đỡ cho ai, cho một việc gì đó “để cuộc sống bớt đơn điệu” như ông nói , và cũng để có thể đóng góp một chút gì đó có ích cho thành phố xinh đẹp này, thành phố mà ông cảm thấy gắn bó với nó như người thân lâu ngày gặp lại.
Về Hà Lan ông lại thấy nhớ. Được một người quen giới thiệu, hai năm gần đây ông tình nguyện giúp đỡ cho Trường Thiểu năng Hoa Phong Lan Đà Lạt và Trường Khiếm thính Lâm Đồng. Ông giúp nhà trường sửa chữa lại bàn ghế cho học sinh , sửa sang lại hệ thống bếp nấu và cứ mỗi lần đến thăm, ông lại thấy thêm những việc phải giúp.
Chẳng hạn như năm trước, ông mua một số máy đan len giúp cho học sinh trường Khiếm thính học nghề. Đầu năm học này ông mua trên 200 chiếc áo len tặng cho tất cả các học sinh của cả hai trường. Thấy hệ thống điện ở 2 trường quá cũ, mất an toàn cho người sử dụng, ông đã xin phép nhà trường thiết kế nâng cấp lại mạng điện , bỏ tiền ra mua lại toàn bộ dây điện , bóng đèn, trang thiết bị điện cần thiết và hằng tuần vào dịp cuối tuần tự tay ông đến sửa chữa. “ Hệ thống điện của trường Khiếm thính chắc phải trên 30 năm, cần sửa chữa gấp “. Nói về việc làm của mình: ông cười: “ Việc thiện không chỉ riêng ai, của tôi, của bạn. Khi có khả năng thì chúng ta nên làm”.
Paul Hall cũng có một cảm giác “thích Đà Lạt ngay” giống như ông Beerens khi đến thành phố này. Là người từng đi nhiều nơi trên thế giới, nhưng khi đến Việt Nam, đến Đà Lạt, ông như trở về nhà “Tôi thích Việt Nam vì những nét văn hóa độc đáo còn giữ gìn. Người Việt thẳng tính, cởi mở và thân thiện” – ông nói.
Ở Đà Lạt ông thích nhất là nhiều người ra đường còn chào hỏi nhau. Cũng như ông Beerens, ông thích nhịp sống chậm rãi, thích sự thanh bình của Đà Lạt - nơi mọi người hầu như biết nhau vì cộng đồng dân cư nơi đây nhỏ, thích cái không khí êm dịu của những quán cà phê vườn hoa nở ngập tràn, cuối tuần có thể ngồi nghe nhạc, tán gẫu với bạn bè, nhấm nháp ly cà phê nóng trong tiết trời se lạnh mùa xuân.
Về Anh vài tháng ông đâm nhớ không khí nơi đây, nên ông cùng người bạn đời Julie Thomson quay lại Việt Nam, quay lại Đà Lạt. Cho đến nay ông cùng Julie đã sống ở Đà Lạt trên 3 năm và muốn lưu lại lâu dài nơi đây. Ông cho biết nhà cửa ở Anh ông đã bán, lấy tiền gửi vào ngân hàng, số tiền lợi tức có thể giúp ông sống ở Việt Nam một cách thong thả “ Chi phí sinh hoạt ở Anh đắt đỏ hơn rất nhiều”.
Và cũng như ông Beerens, ông cùng Julie đã thành hai tình nguyên viên tích cực cho 2 ngôi trường trên trong 2 năm nay. Là một người có kinh nghiệm từng công tác trong lĩnh vực y tế nhiều năm, ông cùng Julie Thomson hằng tuần đến giúp các học sinh trường Khiếm thính Lâm Đồng và trường Hoa Phong Lan làm các bài tập giao tiếp, chơi với các em, đưa các em đi bơi, mua sữa thêm cho khẩu phần các em, thỉnh thoảng lại tự bỏ tiền mua thực phẩm nấu ăn cho học sinh. “ Tôi thích làm cho trẻ em vui”.
Cũng cần nói thêm một chút về người giới thiệu và hỗ trợ tích cực cho ông Beerens và ông Paul đến giúp cho 2 ngôi trường trên chính là cô giáo Nguyễn Thị Vy Vy của trường PTCS Quang Trung – Đà Lạt.
Là giáo viên Anh văn, dù bận rộn nhưng, cô đã dành thời gian giúp phiên dịch cho 2 ông khi làm việc với trường và trở thành một tình nguyện viên của cả 2 trường trong nhiều năm nay “ Người ta ở xa còn đến giúp đỡ, mình ở đây là người Đà Lạt cũng cần đóng góp công sức để các em hoàn cảnh cảnh đặc biệt có một cuộc sống tốt đẹp hơn và đó là một điều rất đáng nên làm “ – cô nói.
Viết Trọng