Chữ ký số trong cơ quan Đảng, Nhà nước: Chậm do nhận thức

09:10, 23/10/2010

Mặc dù hàng nghìn chứng thư số đã được triển khai cho sáu bộ ngành trung ương và chín tỉnh thành, nhưng tại hội thảo “Hiện trạng và kế hoạch thúc đẩy khiển khai ứng dụng chữ ký số” ngày 22-10 do Ban Cơ yếu Chính phủ phối hợp với Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức, nhiều đại biểu vẫn đánh giá việc ứng dụng chữ ký số ở Việt Nam còn quá chậm.

Mặc dù hàng nghìn chứng thư số đã được triển khai cho sáu bộ ngành trung ương và chín tỉnh thành, nhưng tại hội thảo “Hiện trạng và kế hoạch thúc đẩy khiển khai ứng dụng chữ ký số” ngày 22-10 do Ban Cơ yếu Chính phủ phối hợp với Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức, nhiều đại biểu vẫn đánh giá việc ứng dụng chữ ký số ở Việt Nam còn quá chậm.

Ông Nguyễn Đăng Đào, Phó cục trưởng Cục Quản lý kỹ thuật nghiệp vụ mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ cho biết, chữ ký số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước đã được triển khai trong hai năm qua.

Tại Văn phòng Chính phủ, hệ thống chữ ký số đã được triển khai trong dịch vụ xác thực dữ liệu. Sắp tới, sẽ triển khai tích hợp vào thư điện tử và cổng thông tin điện tử. Các cơ quan Đảng đã triển khai chứng thư số và phần mềm phục vụ ký xác thực trên hệ thống thư điện tử.

Ngoài ra, chứng thực chữ ký số đã được Ban cơ yếu Chính phủ cung cấp cho Viện Kiểm sát tối cao để phục vụ xác thực chữ ký số trong hoạt động chuyên ngành. Bộ Công an đã sử dụng chữ ký số tích hợp cho thư điện tử. Bộ Ngoại giao đã ứng dụng chữ ký số tích hợp vào hệ điều hành tác nghiệp qua mạng. Đặc biệt, Bộ Tài chính đã sử dụng thành công hệ thống ứng dụng chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ vào các giao dịch nội bộ của ngành tài chính.

Đề án thí điểm ứng dụng chữ ký số trong các cơ quan Đảng và Nhà nước cũng đã triển khai từ Văn phòng Trung ương đến chín tỉnh, thành đại diện cho ba miền của cả nước.

Ông Nguyễn Hữu Hùng, Giám đốc Trung tâm chứng thực điện tử chuyên dùng của Chính phủ cho biết, hiện hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng đã triển khai hàng nghìn chứng thư số và phần mềm phục vụ ký xác thực trên hệ thống thư điện tử cho các cơ quan của Đảng, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.

Có thể thấy, việc ứng dụng chữ ký số đem lại rất nhiều lợi ích cho các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp như: tiết kiệm thời gian luân chuyển, chi phí giấy tờ trong hoạt động quản lý công văn, thư điện tử; góp phần đẩy nhanh các giao dịch điện tử bảo đảm độ an toàn và bảo mật thông tin.

Theo ông Đặng Đình Khả, Giám đốc Trung tâm chứng thực số Quốc gia, hiện nay, Bộ TT-TT đã cấp 5 giấy phép cho 5 doanh nghiệp cung cấp chữ ký số ở Việt Nam. Các doanh nghiệp đã bắt đầu xem xét và sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực này và đang tạo ra một ngành công nghiệp non trẻ với nhiều cơ hội lớn cho các nhà cung cấp.

Cần đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, việc ứng dụng chữ ký số vẫn còn khá “khiêm tốn”. Ngoài một vài bộ, ngành đã nêu, còn rất nhiều đơn vị khác vẫn chưa thấy có sự quan tâm tới ứng dụng này.

Theo ông Nguyễn Hữu Hùng, đó là do nhận thức về vai trò của chữ ký số chưa được phổ biến rộng rãi. Các nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số và cơ quan quản lý chưa đẩy mạnh truyền thông về lĩnh vực này. Thêm nữa, về hạ tầng kỹ thuật, các ứng dụng CNTT và hệ điều hành của các cơ quan Đảng và Nhà nước hiện nay chưa chú trọng tích hợp chữ ký số vào trong các ứng dụng.

Ngoài việc đồng tình phải nâng cao nhận thức về chữ ký số, ông Nguyễn Đăng Đào còn cho rằng cần tiếp tục rút gọn các thủ tục hành chính thì mới triển khai chữ ký số được, vì ứng dụng CNTT phải đi đôi với thủ tục hành chính được chuẩn hóa. Một điều nữa mà ông Đào băn khoăn là do việc ứng dụng CNTT chưa đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương, mà chữ ký số đòi hỏi sự tương tác rất lớn, nên chỉ mới loanh quanh ứng dụng được ử một vài đơn vị và địa phương có CNTT phát triển mà chưa triển khai rộng rãi được.

Theo ông Vũ Duy Lợi, Giám đốc Trung tâm CNTT, Văn phòng Trung ương Đảng, nguyên nhân là do nhu cầu thực sự chưa nhiều, còn phức tạp và thiếu đồng bộ, đặc biệt là vẫn thiếu cơ sở pháp lý về việc sử dụng chữ ký số.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Minh Hồng cũng khẳng định để việc triển khai ứng dụng chữ ký số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước thành công, thì hệ thống các văn bản, quy định của Nhà nước trong lĩnh vực này cũng cần phải được nghiên cứu và hoàn thiện, góp phần thực hiện mục tiêu giảm thiểu các văn bản bằng giấy tờ Đề án 30 về cải cách hành chính.

Bộ TT-TT cũng đang nghiên cứu một bộ quy chuẩn đầy đủ để có thể đánh giá được nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số (CA) của Việt Nam, để CA này có đủ điều kiện tham gia môi trường quốc tế.

Theo Nhân Dân