Cùng với Bangladesh, Ấn Độ, Madagascar, Nepal, Philippines, Zimbabwe, Myanmar, Campuchia, Thái Lan…, Việt Nam nằm trong số những nước bị biến đổi khí hậu đe dọa nhiều nhất.
Cùng với Bangladesh, Ấn Độ, Madagascar, Nepal, Philippines, Zimbabwe, Myanmar, Campuchia, Thái Lan…, Việt Nam nằm trong số những nước bị biến đổi khí hậu đe dọa nhiều nhất.
Theo bản phân tích tình hình 170 quốc gia của Cơ quan phân tích rủi ro Maplecroft của Anh, Việt Nam đứng thứ 13/16 nước bị đe dọa nhất của tình trạng biến đổi khí hậu.
Trong số những quốc gia sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu 30 năm tới đây, đứng đầu bảng là các nước vùng Nam Á (gồm Bangladesh, Ấn Độ, Madagascar, Nepal), tiếp theo sau là một số quốc gia Đông Phi và Đông Nam Á (như Ethiopia, Mozambique, Malawi, Zimbabwe, Myanmar, Philippines, Campuchia, Việt Nam, Thái Lan).
Theo nhà phân tích môi trường Anna Moss của Maplecroft, hiện có bằng chứng ngày càng nhiều về việc biến đổi khí hậu đang làm tăng cường độ và mật độ xảy ra của các hiện tượng thời tiết. Những thay đổi rất nhỏ về nhiệt độ có thể có những tác động lớn đối với môi trường sống của con người, bao gồm những biến đổi đối với nguồn cung nước và sản lượng lương thực, tình trạng mất đất do mực nước biển dâng cao và dịch bệnh lan rộng.
Phân tích của Marplecroft cho biết, sở dĩ Ấn Độ thuộc loại dễ bị tổn thương nhất, đó là vì dân số đông đảo của nước này, mức độ khai thác tài nguyên thiên nhiên quá lớn, thêm vào đó là tình trạng nghèo túng trong dân chúng, vấn đề y tế nghiêm trọng.
Nếu những nước chịu hậu quả nặng nề nhất là những nước nghèo nhất, thì một số nền kinh tế quan trọng bậc nhất thế giới và tăng trưởng nhanh nhất cũng sẽ phải đối phó với những rủi ro lớn nhất cho cư dân, cho hệ sinh thái và môi trường kinh doanh.
Trong số các nước được xếp vào diện đang vươn lên, Trung Quốc đứng thứ 49 (rủi ro nghiêm trọng), Brazil đứng hàng thứ 81.
Còn trong các nước có tiềm năng để trở nên những nền kinh tế có trọng lượng của kinh tế thế giới thì Việt Nam cùng với Philippines, Pakistan, đứng trước những mối “rủi ro tột cùng”.
Ở một đánh giá khác, Ngân hàng Phát triển châu Á và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) trong một nghiên cứu thực hiện 2 năm qua cho biết, các thành phố lớn ven biển của châu Á ngày càng bị ngập trên quy mô lớn.Trong số này, TP Hồ Chí Minh (Việt Nam), Bangkok (Thái Lan), Manila (Philippines) ngày càng bị ảnh hưởng lớn hơn về tình trạng ngập lụt liên miên nếu xu hướng biến đổi thời tiết như hiện nay vẫn tiếp tục. Điều này sẽ gây thiệt hại rất lớn về kinh tế.
Nghiên cứu kết luận, 3 thành phố nói trên phải thực hiện các biện pháp mũi nhọn mang tính mục tiêu cao theo đặc thù của mỗi thành phố để đối phó với các thách thức này.
Theo đó, chính quyền các thành phố này cần phải tính đến các nguy cơ biến đổi khí hậu như là nhân tố thiết yếu của kế hoạch hoá và chương trình nghị sự phát triển đô thị. Việc phát triển cơ sở hạ tầng cần phải phối hợp với duy trì và bảo vệ hệ sinh thái các rừng đước ven biển, phục hồi các vùng đất ướt và liên tục cải thiện hệ thống kiểm soát ngập lụt.