Không có đất sét, phấn màu, không có đồ chơi lắp ghép và không có cả những đồ chơi bằng nhựa có thể mua kí tại các chợ làng...
Cô trò trường Mầm non Lộc Lâm với những món đồ chơi tự “sáng chế”. |
Không có đất sét, phấn màu, không có đồ chơi lắp ghép và không có cả những đồ chơi bằng nhựa có thể mua kí tại các chợ làng, gần 100 cháu nhỏ đang theo học tại các lớp mầm non ở xã Lộc Lâm, (huyện Bảo Lâm) hàng ngày phải chơi cùng với những món đồ chơi do các giáo viên tự "sáng chế". Chỉ với những vật dụng sinh hoạt phế thải quen thuộc với cuộc sống hàng ngày như lon nước ngọt, bình nước xả quần áo, hộp sữa... các em đã có thể thả hồn say sưa trong thế giới riêng của mình.
Đó là hình ảnh dễ thấy khi đặt chân tới 3 lớp mầm non tại 3 thôn trên địa bàn xã. Từ năm học 2009 – 2010, các lớp học này đã được xây dựng kiên cố và khang trang, thế nhưng đồ dùng dạy và học cho cô trò thì còn thiếu thốn trầm trọng. Một giáo viên cho biết: “Cơ sở vật chất như trường học, bàn ghế thì tạm ổn nhưng đồ dùng dạy học và đồ chơi cho các cháu là một trở ngại. Các cháu không có cả những món đồ chơi nhựa giản đơn chứ nói gì đến những đồ chơi phát triển trí tuệ. Do đó, các cô phải tự tạo đồ chơi cho các cháu và đây cũng là một trong những khó khăn cho việc dạy học bậc mầm non”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đức – Trưởng Phòng Giáo dục huyện Bảo Lâm cho biết: “Đây là bài toán khó của huyện, bởi lẽ hiện nay kinh phí cho sự nghiệp giáo dục chỉ đủ để chi thường xuyên, còn chi để đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm đồ dùng học tập, trang thiết bị thì rất khó. Khó khăn là thế nhưng hàng năm, đối với bậc mầm non, xã Lộc Lâm vẫn luôn đảm bảo tỷ lệ huy động trẻ ra lớp và trẻ vào lớp 1”.
Hiện tại, ngoài bậc mầm non, xã Lộc Lâm còn 2 cấp học là tiểu học và THCS được học dồn tại Trường TH - THCS Lộc Lâm. Trong năm học 2010 – 2011, nhà trường có 375 học sinh ở 2 khối với 16 lớp học.
Đối với bậc học này thì cơ sở vật chất trường lớp và trang thiết bị dạy và học được đầu tư khá đầy đủ. Ngay từ bậc tiểu học, các em học sinh đã được tiếp cận với các môn học tự chọn như vi tính, Anh văn với phòng học bộ môn khá hiện đại. Đội ngũ giáo viên được tăng cường đúng và đủ ngay từ đầu năm và địa phương cũng đã có những chính sách ưu đãi cho giáo viên. Nhà công vụ cho giáo viên tại xã Lộc Lâm vừa được xây mới và đưa vào sử dụng trong năm học này được xem là hiện đại nhất huyện hiện nay. Do đó, trong tổng số 34 giáo viên, cán bộ công nhân viên thì chỉ có 4 giáo viên là người đồng bào dân tộc thiểu số tại xã, còn lại là giáo viên “hút” từ huyện vào.
Thuận lợi trong công tác giáo dục của xã Lộc Lâm là dân cư sống tập trung và trường học cũng phân bổ tập trung. Vì vậy, đây là xã có tỷ lệ duy trì sĩ số hàng năm tốt nhất huyện Bảo Lâm và tỷ lệ học sinh lên lớp, xét tốt nghiệp cấp II đạt khá cao. Tuy nhiên, cái khó vẫn là việc đào tạo liên thông từ cấp II lên cấp III. Mỗi năm, xã có hơn 150 học sinh tốt nghiệp THCS nhưng số học sinh học tiếp lên cấp III tại Trường THPT Bảo Lâm hoặc Trung học Nội trú Bảo Lâm chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Lý do, khoảng cách từ xã đến trung tâm huyện quá xa, trên 25 km, nên các em không có điều kiện trọ học. “Để khắc phục tình trạng này thì nên thành lập một trường THPT cho 2 xã giáp ranh là Lộc Lâm và Lộc Phú. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại thì việc thành lập trường còn khá sớm vì số lượng học sinh 2 xã còn khá ít. Cách tốt nhất hiện nay là lập các lớp “nhô” tại Trường TH - THCS Lộc Lâm, có như vậy, các em mới có điều kiện được học đến nơi đến trốn” - ông Lê Đức trao đổi thêm.
Lộc Lâm là một xã anh hùng, đồng thời cũng là xã đặc biệt khó khăn được hưởng các chính sách theo Đề án 30a về xóa nghèo nhanh và bền vững của Chính Phủ. Đây là một cơ hội và điều kiện để cuộc sống người dân ngày càng được nâng lên, sự nghiệp giáo dục ngày càng đi lên. Tương tự xã Lộc Lâm, nhiều xã khác trên địa bàn huyện Bảo Lâm như Lộc Bắc, Lộc Bảo, Lộc Phú, Lộc Lâm… dù đang còn khó khăn nhưng vẫn rất quan tâm đầu tư cho sự nghiệp trồng người. Bằng các chương trình, như 135 đầu tư điện - đường - trường - trạm, Đề án 112 hỗ trợ con em nghèo đến trường và Dự án khuyến học cho trẻ khó khăn…, sẽ góp phần đưa giáo dục xã Lộc Lâm nói riêng và huyện Bảo Lâm nói chung ngày càng phát triển.