Đà Lạt làm gì để du lịch trở thành ngành kinh tế động lực?

10:10, 10/10/2010

Để khắc phục những mặt còn hạn chế, thời gian tới Đà Lạt xác định sẽ: “Tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển các trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực cho họat động du lịch.

Vườn hoa thành phố Đà Lạt.
Vườn hoa thành phố Đà Lạt.
Đà Lạt là một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng khá nổi tiếng trong và ngoài nước. Quá trình phát triển thành phố, du lịch là ngành kinh tế động lực, là thế mạnh của Đà Lạt nên luôn được tỉnh và thành phố tập trung đầu tư phát triển. Nghị quyết 06 - NQ/TU (ngày 21/ 9/ 2006) của Tỉnh ủy khóa VIII về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp “đột phá, tăng tốc” phát triển kinh tế du lịch - dịch vụ du lịch giai đoạn 2006 - 2010 đã nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển du lịch Đà Lạt theo định hướng du lịch chất lượng cao.

Với tinh thần ấy, giai đọan 2006 - 2010, du lịch dịch vụ Đà Lạt tăng trưởng bình quân 17 - 18%/ năm, khách đến tăng bình quân 20%/năm. Năm 2009, đón trên 2,1 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế chiếm 10%) và 8 tháng đầu năm 2010 đón trên 1,8 triệu lượt khách. Đến nay, tổng số cơ sở lưu trú tăng khá nhanh về số lượng lẫn chất lượng.

Đến năm 2009, thành phố có 673 cơ sở lưu trú với sức chứa 38.000 khách (85 khách sạn có sao, tăng 1,5 lần năm 2006 và 11 khách sạn cao cấp từ 3 - 5 sao). Đà Lạt cũng đã hình thành 17 khu, tuyến, điểm du lịch được nâng cấp, đầu tư thường xuyên và ngày càng có  sức thu hút; 22 hãng lữ hành nội địa và quốc tế hoạt động khá hiệu quả. Nhiều dự án du lịch đầu tư góp phần phát triển du lịch Đà Lạt.

 
Trên địa bàn thành phố có trên 50% tổng số 235 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch ở Lâm Đồng với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 62.855 tỷ đồng; trong đó có 90 dự án được triển khai đầu tư… Khi cảng hàng không quốc tế Liên Khương đi vào họat động, tuyến đường 723 rút ngắn khoảng cách giữa hai trung tâm du lịch Đà Lạt - Nha Trang, chủ trương đầu tư đường cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt và đường Đông Trường Sơn nối Đà Lạt với các tỉnh trong khu vực Nam Trung bộ là điều kiện thuận lợi cho du lịch Đà Lạt tiến xa hơn. Bên cạnh đó, các dịch vụ hỗ trợ phục vụ du lịch như siêu thị, ngân hàng, bảo hiểm, bưu điện, chăm sóc sức khỏe… cũng đang được đầu tư phát triển tương đối đồng bộ, tạo những điều kiện thuận lợi cho du khách…
 
Tuy nhiên, du lịch của Đà Lạt phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; sản phẩm du lịch chưa phong phú về chủng loại và hạn chế về chất lượng; một số danh lam thắng cảnh bị xuống cấp. Du lịch tăng trưởng khá nhưng các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển du lịch triển khai chậm, số ngày khách lưu trú thấp. Công tác quy hoạch chi tiết phục vụ cho phát triển nói chung và cho du lịch chưa theo kịp yêu cầu. Một số khu, điểm du lịch có “thương hiệu” chỉ tập trung vào khai thác mà thiếu sự quan tâm đầu tư, nâng cấp kịp thời; việc kêu gọi đầu tư phát triển du lịch theo hướng đa dạng hóa, độc đáo, hình thành các sản phẩm du lịch mới hiệu quả chưa cao... 
 
Một vấn đề cần lưu ý là nguồn nhân lực ngành du lịch có thể nói không thiếu nhưng còn yếu, chưa thực sự chuyên nghiệp, nhất là ở các cơ sở kinh doanh quy mô nhỏ. Do vậy, việc chọn lọc và đào tạo nguồn nhân lực cần được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ, đón đầu cung cấp lực lượng chuyên môn giỏi cho các dự án tương lai.
 
Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng hồ Tuyền Lâm - Đà Lạt.
Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng hồ Tuyền Lâm - Đà Lạt.  Ảnh: N.Minh
 
Để khắc phục những mặt còn hạn chế, thời gian tới Đà Lạt xác định sẽ: “Tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển các trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực cho họat động du lịch nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ có lợi thế. Xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực.

Tập trung nâng cấp môi trường cảnh quan Đà Lạt và các trục đường vào thành phố; tôn tạo, nâng cấp các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, bảo tồn và khôi phục những khu biệt thự cổ, xây dựng và phát triển làng nghề truyền thống…”. Hiện tại thành phố đang phối hợp triển khai thực hiện chương trình kích cầu du lịch trong khuôn khổ “Việt Nam – Điểm đến của bạn” giai đọan 2010 – 2011.

Trong đó tập trung thực hiện các gói kích cầu du lịch như: Xây dựng và phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch (xây dựng các điểm mua bán du lịch tại vườn hoa, vườn rau, các điểm giới thiệu sản phẩm, trung tâm thương mại…). Đẩy mạnh thu hút khách du lịch nội địa ở thị trường tiềm năng và thị trường truyền thống tại một số địa phương miền Đông Nam bộ, miền Trung. Phát động chiến dịch xúc tiến du lịch tại chỗ đối với du khách như tổ chức quảng bá hình ảnh về cảnh quan, con người Đà Lạt trên các tuyến đường, các điểm du lịch, xây dựng trạm tiếp đón khách. Và điều cần lưu tâm là phải xây dựng môi trường du lịch an toàn và thân thiện…!

BÌNH NGUYÊN