Ngỡ ngàng đường Nguyễn Văn Cừ

03:10, 04/10/2010

Mấy người bà con từ miền xa về nhà tôi ở gần “Làng Rắn” Lệ Mật (Việt Hưng, Long Biên) thăm Thủ đô trong Đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, suýt nữa thì “lạc đường”.

[links()]Mấy người bà con từ miền xa về nhà tôi ở gần “Làng Rắn” Lệ Mật (Việt Hưng, Long Biên) thăm Thủ đô trong Đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, suýt nữa thì “lạc đường”. Trước lúc khởi hành, ông anh cả cứ như đinh đóng cột: “Tôi vừa đi Hà Nội hôm 30 tháng Tư, gặp mặt đồng ngũ sáu chín. Tôi đảm bảo đưa các cô, các chú đến nơi, đến chốn. Ta đi du lịch, vậy cứ vào bến xe Gia Lâm đàng hoàng rồi nhẩn nha ra Nguyễn Văn Cừ,  xuôi về làng Rắn. Đoạn ấy tôi thuộc như trong lòng bàn tay”.
 
 

Ai dè, xuống xe lúc nhập nhoạng tối, dẫn đoàn ra tới Đường Nguyễn Văn Cừ, ông cả bỗng như bị hoa mắt, mất phương hướng… Suy nghĩ giây lát, sợ hỏi đường thì ngượng với các em, ông kín đáo “lái” cả đoàn quay ngược lại phố Ngọc Lâm… Rồi lại quay ra… Quanh quẩn mà không tìm được cây cột bê tông treo 6 cái hộp sắt to bằng nhau, trông như ốc bươu bám cọc; trên ngọn thì đủ loại dây điện quấn quýt như tổ quạ khổng lồ mà ông gọi là “vật chuẩn”, đứng đối diện lối rẽ vào bến xe. Cả cái hàng rào sắt nằm dọc giữa đường (chính mắt ông đã thấy một cậu choai choai chui qua lỗ hổng để sang bên kia, suýt nữa thì bị xe ô tô cán vào) bây giờ cũng chẳng thấy đâu!… Rõ ràng là cái gì cũng không giống như trước, lạ quá!
 
Hỏi đường thì ngượng thật! Chi bằng ta cứ đi bộ về hướng đông như chú nó đã dặn! Ông cả nghĩ thế và nói với mọi người: “Mấy khi các cô chú lên thăm Thủ đô, ta cứ túc tắc, vừa đi vừa ngắm cảnh, về còn có cái kể cho ở nhà nghe”. Đi được một lúc, bỗng ông cảm thấy “nhẹ người” khi đoàn chui qua gầm cầu có xe lửa chạy ầm ầm bên trên. Đi tiếp khoảng hai mươi mét nữa, sờ được cái cột đèn có in số hẳn hoi ở dưới gốc mà lần trước, một bạn đồng ngũ của ông nói là nó nghiêng 3-4 năm nay rồi, giờ đã đứng thẳng lên… thì ông hân hoan quả quyết: Đường Nguyễn Văn Cừ đã được làm lại, quá là hoành tráng!
 
Trường hợp ngỡ ngàng giống ông cả nhà tôi, thật dễ hiểu. Thành phố vừa như có phép màu, mỗi ngày diện mạo mỗi khác! Tôi ngày nào cũng đi dọc Đường Nguyễn Văn Cừ để lên cầu Chương Dương, sang Thăng Long-Hà Nội làm việc. Hồi suy mới thấy bàn tay con người thật kỳ diệu. Cách Đại lễ nửa tháng vẫn còn ngổn ngang bê tông, gạch đá, người đi đường sốt cả ruột - “Làm đường mừng Đại lễ hay là “trêu ngươi?”! Rồi vào một buổi sớm, ta như đi trên một đại lộ khác, thênh thang và hiện đại…

Đường Nguyễn Văn Cừ gồm hai chiều, dài gần 3000 mét. Một đầu “ăn” vào vòng xuyến thông với đường Ngô Gia Tự và Quốc lộ 5. Một đầu tiếp vào cầu Chương Dương. Sau khi được chỉnh trang để chào mừng Đại lễ, mặt nhựa mỗi chiều có chỗ rộng tới gần mười mét, phẳng lỳ. Dải phân cách là hàng cây cảnh xanh xanh trong máng bê tông, trông giống hình một con rắn hiền từ. Hai bên mép đường không còn dây điện rối rắm làm tức mắt như trước nữa. Thay vào đấy là  hệ thống cột đèn, biển báo hiện đại, như những chú hạc ngộ nghĩnh ngày đêm đứng vẫy chào người qua đường…

Có thể ví Đường Nguyễn Văn Cừ nay như một “Thắng cảnh phía Đông” của Thăng Long-Hà Nội. Và với nó, ý thức người dân như cũng “mới” hơn. Nhìn hàng người, xe xin xít dừng trước vạch giới hạn đèn đỏ ở các ngã ba, chỗ đường Nguyễn Văn Cừ giao cắt với Đường Nguyễn Sơn và những đường khác sao mà đẹp, mà đáng yêu! Không thấy có rác rơi bên lề. Không còn những chữ, những số lòe loẹt trên tường, trên cột – dấu tich một thời quảng cáo tự do, vô lễ, bất chấp kỉ cương… Ngày ngày đi trên Đường Nguyễn Văn Cừ, tôi vẫn thường bất giác hát thành lời: “Ta đi trên đường Hà Nội rực rỡ chiến công” và tự nói với mình: “Chiến công thời bình. Chiến công của những người thợ làm đường Thủ Đô”.

Đi giữa những ngày Đại lễ, trời thu đẹp như mơ, tôi chạnh nhớ về Đường Nguyễn Văn Cừ chìm trong úng nước những ngày tháng 10 năm 2008… mà lòng thầm ước: Từ nay về sau không có cảnh ấy nữa; kể cả đôi ba tháng sau, một năm, vài năm và lâu dài, con đường lịch sử này không bị tróc lở… Ví như, không ai muốn làn da đẹp bị nhiễm vi rút hắc lào.

Đường Nguyễn Văn Cừ là một thắng cảnh, là sinh lực của văn minh hội nhập, của vĩnh cửu Hà Nội ngàn năm văn hiến. Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào mỗi người chúng ta, vào văn hóa ứng xử của từng cá nhân và cả cộng đồng đối với con đường mà ta yêu quí.
Phạm Xưởng