Càng sát Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, tổ dân phố chúng tôi càng tưng bừng, náo nhiệt.
Phố tôi ở ngoài vành đai nội đô nên với Đại lễ, sự ưu tiên trang hàng có hạn chế. Tuy nhiên đường đi, lối lại ở đâu cũng sạch sẽ. Những điểm bán bia hơi, bàn hàng ngoài trời tạm dừng, tạo nên vẻ thoáng đãng cho không gian ngày lễ. Bà con bảo nhau: “Ơn vua Lý dời đô, Hà thành đời đời sầm uất, làm ăn vui vẻ. Tạm nghỉ ít ngày lo Đại lễ chỉ thêm phước, thêm lành…”. Cờ đỏ sao vàng chạy dài khắp các hàng hiên. Phố xá rực rỡ băng rôn, biểu ngữ. Người người hân hoan, thân thiện.
Hầu hết các gia đình đều có khách, nhưng không nói là “khách đến”. Tất tật, ở phía Nam ra, vùng biển lên, trên núi xuống… đều dược gọi là “về”. “Bên ấy đã có khách về chung vui chưa?”… “Về”. Về Thăng Long-Hà Nội, về với Thủ đô, về với linh thiêng hào hoa. Vui thật, cảm động thật.
Sáng 2-10-2010, hàng ngàn đại biểu và nhân dân cùng quan khách đến khu quần thể di tích lịch sử văn hóa cách mạng của phường dự mít tinh trọng thể. Lễ dâng hương Bác Hồ tại Đài kỷ niệm đón Bác năm xưa mở đầu những hoạt động của Đại lễ tại phường.
Ông Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch phường nói với mọi người: “Với nhiều tầng ý nghĩa, sự đặc biệt của Đại lễ 1000 Thăng Long – Hà Nội còn ở chỗ không phải thế hệ người Việt nào cũng được may mắn chứng kiến một sự kiện lịch sử như thế. Càng biết ơn sâu sắc các thế hệ cha ông đã xây dựng, giữ gìn và phát triển để có được mốc son này, chúng ta càng quyết tâm đoàn kết, đổi mới, sáng tạo… để xây dựng phường phát triển toàn diện, văn minh bền vững”.
Đắm mình trong không khí Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, tôi bỗng nhớ tới câu: “Cờ bay, lòng cũng bay/ Người hát, đường cũng hát” của nhà thơ Tố Hữu và hình dung lại những buổi lễ lịch sử trọng đại khác của dân tộc Việt Nam, của Tổ quốc ta mà tôi được tận mắt chứng kiến hoặc được biết đến qua lịch sử trong hơn nửa thế kỷ mà lớp tuổi chúng tôi đã đi qua.