Hà Nội xứng đáng là cái nôi văn hóa không chỉ của Việt Nam

10:10, 07/10/2010

Sự kiện ngàn năm Thăng Long – Hà Nội hẳn là dấu ấn tạc vào thời gian mà suốt muôn đời sau cháu con Việt không thể nào quên được.

Sự kiện ngàn năm Thăng Long – Hà Nội hẳn là dấu ấn tạc vào thời gian mà suốt muôn đời sau cháu con Việt không thể nào quên được. Dấu ấn ấy đang được khắc ghi bằng những hoạt động kỷ niệm, bằng những chương trình hưởng ứng, chào mừng… cụ thể của chính nhân dân thủ đô Hà Nội và nhân dân cả nước trong các ngày từ 1 – 10.10.2010.
 
Hà Nội anh dũng, kiên trung qua cảnh diễn trong đêm khai mạc Những ngày hội văn hóa Hà Nội tại Lâm Đồng.
Hà Nội anh dũng, kiên trung qua cảnh diễn trong đêm khai mạc Những ngày hội văn hóa
Hà Nội tại Lâm Đồng.

Tại vườn hoa Lý Thái Tổ sáng 1.10, đại lễ Ngàn năm Thăng Long – Hà Nội đã chính thức được diễn ra với sự có mặt của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân… cùng khoảng 1.000 đại biểu của Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
 
Trong lễ khai mạc, đồng chí Phạm Thanh Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội – đã phát biểu: “Thủ đô Hà Nội vừa đi qua những cột mốc thời gian đáng nhớ, 1.000 ngày, 500 ngày, 100 ngày và hôm nay bước vào 10 ngày đại lễ. Chúng ta bày tỏ lòng thành kính và biết ơn đến công ơn trời biển của những bậc tiền nhân đã hiến dâng trí tuệ, sức lực và máu xương trong cuộc trường chinh vĩ đại dựng nước và giữ nước…”. 

Sau hiệu lệnh “Mừng đại lễ Nghìn năm Thăng Long – Hà Nội”, nghi lễ thắp lửa thiêng đã được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thực hiện, mở màn lễ khai mạc; sau đó, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo TP Hà Nội đã làm lễ dâng hương trong không khí trang nghiêm và linh thiêng giữa đất trời Thủ đô nghìn năm tuổi. Sau lễ dâng hương và chào cờ của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng GĐ UNESCO – bà Irina Bokova và bà Katherine Muller Marin – Trưởng đại diện văn phòng UNESCO tại Việt Nam – đã tiến hành lễ trao bằng di sản văn hóa thế giới khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long cho lãnh đạo TP Hà Nội.
 
Sau phần lễ, phần chính hội đã được diễn ra tại 6 sân khấu quanh hồ Hoàn Kiếm và quảng trường Cách Mạng Tháng Tám; gồm một sân khấu chính được mô phỏng theo hình ảnh sân khấu cung đình với sự tham gia của 1.000 nghệ sỹ và 5 sân khấu nhỏ với mỗi sân khấu có sự tham gia của 100 – 400 nghệ sỹ.
 
Đặc biệt, trong “Đêm lung linh hồ Gươm”, hơn 2.000 diễn viên chuyên nghiệp và diễn viên quần chúng (trong đó có 400 nghệ sỹ thuộc 10 nhà hát trung ương và địa phương cùng 200 người mẫu) đã thắp sáng ngọn lửa thiêng cho đêm hội thông qua các hoạt động lễ hội ánh sáng và pháo hoa nghệ thuật, lễ hội “Thăng Long hội tụ”, lễ hội áo dài… Rồi nữa, 6 sân khấu của những ngày Hà Nội ngàn năm Thăng Long là 6 hoạt động gắn liền với chủ đề về lịch sử Thăng Long xưa và Hà Nội nay, như: “Thăng Long – Hà Nội, thành phố lịch sử truyền thống anh hùng”, “Thăng Long – Hà Nội, thủ đô văn hiến”, “Thăng Long – Hà Nội, thành phố vì hòa bình”, “Hà Nội, thành phố của hội nhập và phát triển”…

Một trong những sự kiện thu hút sự chú ý của người dân cả nước trong dịp đại lễ này là sự kiện tổ chức UNESCO công nhận Hoàng thành Thăng Long là di sản thế giới. Trong trang phục áo dài truyền thống Việt Nam, Tổng GĐ UNESCO Irina Bokova đã phát biểu sau khi trao bằng di sản: “Hôm nay, trái tim của chúng ta đã hòa cùng một nhịp đập. Và tôi tin rằng, các cụ rùa cũng đang lắng nghe chúng ta từ hồ Hoàn Kiếm – một biểu tượng quý giá về hòa bình của mọi người dân Việt Nam. Không có một kinh đô nào, một thủ đo nào trên thế giới có một bề dày lịch sử, văn hóa được lưu giữ một cách trọn vẹn như Hà Nội. Hà Nội xứng đáng cái nôi văn hóa không chỉ của Việt Nam mà là của cả châu Á…”.

Cũng trong dịp này – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua, khen thưởng Trung ương – đã phát động đợt thi đua cả nước hướng đến kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước hãy bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, lập nhiều thành tích chào mừng sự kiện lịch sử trọng đại thủ đô văn hiến tròn 1000 năm tuổi.

Có thể nói, đại lễ Nghìn năm Thăng Long – Hà Nội chính là dịp để tất cả con dân Việt Nam tôn vinh và suy ngẫm về những giá trị của độc lập, chủ quyền và ấm no, hạnh phúc của hôm qua, hôm nay và mai sau.

CÁC HOẠT ĐỘNG HƯỚNG VỀ ĐẠI LỄ
Đúc 1.000 con rồng thời Lý: Bắt đầu từ tháng 3.2010, lễ khởi công đúc 1.000 con rồng thời Lý đã được triển khai. Lễ khởi công đã được tổ chức tại xưởng mỹ nghệ Đông Sơn dưới sự chủ trì của đại đức Thích Minh Hiền, trụ trì chùa Hương (Hà Tây, Hà Nội). Theo đó, mỗi sản phẩm rồng có một giấy chứng nhận xuất xứ nhằm khẳng định yếu tố quý báu và đặc biệt của sản phẩm. Các sản phẩm rồng thời Lý này được thiết kế trên cơ sở các góp ý của các nhà khoa học chuyên ngành, đặc biệt là các nhà sử học, mỹ thuật, văn học, điêu khắc…
Dâng lư đồng lên tượng đài vua Lý Thái Tổ: Hội Cổ vật Thăng Long chiều ngày 30.9 vừa qua đã tiến hành dâng đặt chiếc lư đồng trước tượng đài đức vua Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Chiếc lư này được thiết kế dựa trên mẫu lư gốm thời Trần – Lê, có hình dáng cánh sen, bệ đặt lư được cách điệu từ bệ đá chùa Phật Tích (Bắc Ninh). Chiếc lư đồng này nặng đến 2 tấn, cao 1,4m, đường kính 1,2m. Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo là người thiết kế chiếc lư đồng này và người thực hiện là hai nghệ nhân Vũ Khắc Chương và Vũ Khắc Chiến cùng đội ngũ thợ đúc đồng có tay nghề cao của Công ty cổ phần Mỹ thuật thương mại Hà Nội.
Tặng bức tranh chạm đồng mạ vàng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đoàn đại biểu nhân sỹ trí thức và thương gia Hội văn hóa Thái Việt hồi cuối tháng 9 đã sang thăm và dự đại lễ Ngàn năm Thăng Long – Hà Nội. Nhân dịp này, đoàn đã tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh bức tranh chạm đồng mạ vàng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, có kích thước 60x90cm, do một nghệ nhân nổi tiếng của Hoàng gia Thái Lan sáng tác.
Khắc Dũng