Phát sinh những hệ lụy sau khi chặn dòng?

02:10, 20/10/2010

Công trình Thuỷ điện Đồng Nai 3 đã được chặn dòng từ ngày 17/9/2010. Sau 1 tháng, cao trình mặt nước lòng hồ đã tới 546m; quốc lộ 28, đoạn  từ cầu Đồng Nai sang phía Đinh Trang Thượng đã ngập khoảng 6 km.

Công trình Thuỷ điện Đồng Nai 3 đã được chặn dòng từ ngày 17/9/2010. Sau 1 tháng, cao trình mặt nước lòng hồ đã tới 546m; quốc lộ 28, đoạn  từ cầu Đồng Nai sang phía Đinh Trang Thượng đã ngập khoảng 6 km. Chặn dòng, nước dâng là điều vui mừng, tuy nhiên đằng sau đó lại phát sinh những “hệ lụy” mà chủ dự án không lường trước (Chỉ đề cập đến địa phận Lâm Đồng, nơi có ảnh hưởng trực tiếp của dự  là khu vực xã Đinh Trang Thượng - huyện Di Linh).
 
Sau khi di dời, một số hộ dân tiếp tục làm nhà trái phép trên QL 28.
Sau khi di dời, một số hộ dân tiếp tục làm nhà trái phép trên QL 28.

* CHẶN DÒNG KHI CHƯA ĐỀN BÙ XONG!

Dẫu biết rằng đây là một “nghịch lý”, nhưng việc chặn dòng là chấp hành theo chỉ đạo của Chính phủ, vì không thể kéo dài hơn nữa tình trạng dây dưa trong việc đền bù giải phóng mặt bằng và giải quyết tái định canh, tái định cư cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng ở khu vực lòng hồ của Dự án Thuỷ điện Đồng Nai 3. Theo ông Tạ Văn Thành - Trưởng Ban đền bù, giải phóng mặt bằng (ĐBGPMB) huyện Di Linh: “Đến bây giờ, Ban ĐBGPMB huyện Di Linh chỉ mới chi trả xong tiền đền bù cho 163 hộ (với số tiền hơn 24 tỷ đồng), 21 hộ tuy đã có tiền nhưng chưa chịu nhận hoặc chưa cho nhận (trong đó có 80 hộ có nhà và các công trình khác). Tuy nhiên, hiện còn có tới 127 hộ (với 171 ha đất) chưa được bền bù do chưa hoàn tất hồ sơ”.

Nước đã dâng ngập, nhưng chưa giải quyết xong việc đền bù cho người dân. Nguyên nhân là “Do chưa có sự phối hợp và hồ sơ pháp lý chưa xong!...” - Là lời lý giải của ông Lê Xuân Thành - Phó Phòng Đền bù Ban Quản lý dự án thuỷ điện 6 (QLDATĐ 6). Quả thật là giữa chủ Dự án Thủy điện Đồng Nai 3 (là Ban QLDATĐ 6) và địa phương đã thiếu sự hợp tác một cách đồng bộ. Nhưng do đâu mà “chưa có sự phối hợp và hồ sơ pháp lý chưa xong” dẫn đến tại sao việc ĐBGPMB ở khu vực lòng hồ chậm? Ông Tạ Văn Thành – Trưởng Ban ĐBGPMB huyện Di Linh rất bức xúc, khi trao đổi với chúng tôi: “Là đơn vị ký hợp đồng với Ban QLDATĐ 6, chúng tôi muốn làm nhanh, làm đúng tiến độ để việc ĐBGPMB giải quyết xong trước khi chặn dòng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, đơn vị chúng tôi đã gặp phải khó khăn, không thể làm nhanh, làm kịp tiến độ được. Đó là do Ban QLDATĐ 6 cung cấp bản đồ đo đạc sai lệch nhiều so với hiện trạng thực tế. UBND huyện và Ban ĐBGPMB huyện Di Linh đã nhiều lần có văn bản đề nghị nhưng chủ đầu tư vẫn không đáp ứng kịp thời!”. Ngoài ra, chủ dự án tuy đã được giao đất để giải quyết tái định canh, nhưng đến bây giờ vẫn chưa xác định được diện tích đất để giao cho các hộ có đủ điều kiện bố trí tái định canh. Khi hỏi đến một cán bộ trong Ban QLDATĐ 6 thì được trả lời là: Do đơn vị khai thác tận thu lâm sản chưa bàn giao đất, nên chủ dự án chưa triển khai giao đất tái định canh cho bà con!

* NHỮNG “HỆ LỤY”?

Ngày 18/10/2010, chúng tôi có mặt tại hiện trường và được chứng kiến một tình cảnh cũng chẳng khác gì người dân đang chạy… “lũ”! Người thì tập trung thuê muớn nhân công tuốt hái cà phê cho dù già, non. Người thì lo di dời, làm nhà ở tạm. Nhiều chiếc ghe, xuồng dọc ngang xuất hiện đáp ứng kịp cơ hội “làm ăn”… ở khu vực dân cư chịu ảnh hưởng của lòng hồ phải di dời là bà con DTTS ở thôn 5 (xã Đinh Trang Thượng). Bà con đã có khu định cư từ trước với những căn nhà ở tạm để sản xuất và chuồng trại chăn nuôi. Sau khi được đền bù và hỗ trợ thêm, bà con đã chấp hành tốt việc di dời. Số còn lại chủ yếu là những hộ dân từ các nơi khác đến làm ăn, sinh sống. Trong số này có một số hộ mặc dù đã được đền bù, nhưng cố tình chây ỳ, gây khó khăn, không chấp hành tốt việc di dời hoặc chỉ di dời một phần nhà cửa, vật kiến trúc để đòi… “yêu sách”.
 
Gia đình bà Vương Thị Trạm không thuộc diện tái định cư;  căn nhà gỗ của gia đình đã được tính toán đền bù và hỗ trợ 120.000 triệu đồng, nhưng bà không chịu nhận tiền và cố tình không di dời nhà. Đến khi nước ở lòng hồ dâng cao, căn nhà của bà Trạm như nằm trên một “ốc đảo” và đến lúc đó bà xin nhận tiền, nhưng chưa được giải quyết! Cũng không thuộc diện tái định cư, sau khi nhận trên 700 triệu đồng (tiền đền bù và hỗ trợ đền bù đất đai, cây trồng, vật kiến trúc), gia đình ông Vũ Quang Vinh đã tháo dỡ nhà, nhưng lại… “di dời” đến dựng tại cổng Trụ sở UBND xã Đinh Trang Thượng! Hành vi thiếu thiện chí hợp tác này đã được chính quyền địa phương kịp thời giải toả… “Về phía người dân, là đồng bào DTTS ở thôn 5 đều chấp hành tốt việc đền bù giải toả để GPMB cho công trình Thuỷ điện Đồng Nai 3. Và người dân ở địa phương không có hộ nào có nhu cầu tái định cư” - Ông K’Drim - Chủ tịch UBND xã Đinh Trang Thượng, cho chúng tôi hay. Nhưng chính ông Chủ tịch UBND xã và ngay cả lãnh đạo huyện và các ban ngành của huyện Di Linh, không ai hay biết gì trong việc hình thành một “khu tái định cư”. Khu tái định cư hiện đã xây dựng 8 căn nhà khá khang trang, có đường đi lối lại, có rào dậu kẽm gai biệt lập hẳn hoi, nhưng không biết xây dựng cho ai ở! Vì chúng tôi biết chắc là không có “địa chỉ” của người dân có đủ điều kiện tái định cư.
 
Khi chúng tôi hỏi một cán bộ trong Ban QLDATĐ 6, thì được biết là : “Xây dựng để khi ai có nhu cầu tái định cư sẽ được giải quyết (!?)”. Trong lúc xây dựng 8 căn nhà ở khu tái định cư gần hoàn thiện, thì hiện nay đã có 5 gia đình là những hộ dân ở các nơi khác đến làm ăn, đang sinh sống tại khu vực lòng hồ Thuỷ điện Đồng Nai 3 đã “bất ngờ” leo rào, đập bẻ khoá, đưa cả nhà vào ở! (Trong đó có gia đình bà Vương Thị Trạm, ông Vũ Quang Vinh…). Ông Dương Quốc Việt - Đội trưởng thi công của Công ty TNHH Thuận Phú (Bảo Lộc) lắc đầu, không hiểu vì sao: “Chúng tôi muốn vào nhà để thi công tiếp hệ thống điện, nước, nhưng không vào được!”.

Trong quá trình lập và triển khai Dự án Thuỷ điện Đồng Nai 3, còn có những bất cập. Do không tính toán đến phần xử lý diện tích đất sản xuất không bị ngập, nên sau khi nước dâng, bà con rất bức xúc về số diện tích cà phê và hoa màu còn lại khá lớn đã bị cô lập, không có đường giao thông; Bà con đi lại, thu hái phải thuê ghe, thuyền nên vừa mất tiền (200 - 300 ngàn đồng/1chuyến) vừa không an toàn, rất có nguy cơ xảy ra tai nạn.
 
Ngoài ra, số bà con ở khu vực lòng hồ nếu không thuộc diện tái định cư, thì chủ dự án và chính quyền địa phương cũng cần phải có kế hoạch cụ thể. Họ tự chuyển hoặc chuyển họ đi ở chỗ nào cũng phải tính đến. Chẳng lẽ tiền đền bù nhận xong, họ lại sống lang thang, cơ nhỡ! Vì thực tế hiện nay đã có 6 hộ (không thuộc diện tái định cư) tuy đã nhận đủ tiền đền bù, di dời khỏi lòng hồ, nhưng họ lại lên dọc quốc lộ 28 đào bới, san nền, dựng nhà trái phép. Cho dù họ đã làm đơn xin và đã được sự thoả thuận của đơn vị chủ rừng và UBND xã Đinh Trang Thượng!
 
Nhóm phóng viên