Đợt lũ thứ hai trong vòng 10 ngày khiến nhiều vùng chìm trong nước. Có nơi lượng mưa gần 600 mm; nước vẫn tiếp tục lên nhanh.
Tối 16-10, tại TP Hà Tĩnh, nhiều nhà dân đã ngập sâu hơn 1 m. Tại Hương Sơn, nước đã tràn đê Tân Long trên sông Ngàn Phố, huyện tiến hành di dân khẩn cấp trong đêm. Trước đó, mờ sáng 16-10, người dân huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đang lo chạy lũ thì bất ngờ đập Khe Mơ, xã Sơn Hàm vỡ. Cùng lúc, nước từ thượng nguồn đổ về nhanh làm vỡ tiếp đập Trưng (xã Sơn Kim 1). Nước cuốn xối xả xuống các xã Sơn Hàm, thị trấn Phố Châu, Sơn Diện, Sơn Phú…
Giao thông trên đường Hồ Chí Minh bị chia cắt
Lượng mưa ở Hà Tĩnh từ 7 giờ ngày 14-10 đến 13 giờ ngày 16-10 rất cao. Có nơi như thị trấn Chu Lễ (huyện Hương Khê) là 569 mm. Nước hồ Kẻ Gỗ đang ở cao trình 33 m, đang xả tràn với lưu lượng 550 m3/giây cộng với mưa lớn khiến nhiều vùng ngập nặng. Tuy nhiên, hồ Kẻ Gỗ có khả năng phải xả với lưu lượng lớn hơn.
Nước lũ đã làm tuyến đường từ quốc lộ 1A nối với trung tâm huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) bị ngập sâu từ 0,5 đến hơn 1m. |
Tại Hương Khê, nguy cơ lũ quét đang hiện hữu. Đập Hố Hô tiếp tục xả lũ khiến 16 xã với 12.000 hộ dân bị ngập, giao thông các xã bị chia cắt hoàn toàn. Nước đã vượt đỉnh lũ dữ dội năm 2007, gây ngập đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Phúc Đồng và nhiều đoạn khác đang có nguy cơ bị nước nhấn chìm.
Tại huyện Vũ Quang, thị trấn và 12 xã đều ngập nặng khiến trên 2.000 hộ dân phải di dời lên đồi núi cao và hàng chục ngàn hộ đang sống trên chạn (trần nhà gỗ). Huyện đã điều lực lượng đưa các cụ già lên tránh lũ tại trụ sở UBND huyện. Thiệt hại trên địa bàn huyện Vũ Quang ước tính hơn 300 tỉ đồng. Huyện Đức Thọ có ba xã bị ngập nặng, chia cắt hoàn toàn, 300 hộ dân đã di dời lên nơi cao.
Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Hà Tĩnh đã huy động xuồng cao tốc của Bộ Chỉ huy Quân sự, biên phòng, công an... và 200 cán bộ, chiến sĩ để giúp các địa phương sơ tán hơn 5.000 hộ dân.
Đến 21 giờ 30 ngày 16-10, TP Hà Tĩnh hoàn toàn chìm trong biển nước. Các tuyến đường trọng yếu của thành phố như Trần Phú, Nguyễn Du, Hà Huy Tập… có nơi vị trí nước đo được ngập sâu gần 1 m. Hàng ngàn người dân trong nội thành phố đã phải di chuyển lên những chỗ cao ráo ngay trong đêm. Riêng tại huyện Cẩm Xuyên nước lũ đã cô lập 7/22 xã của huyện này. Một số tỉnh lộ như quốc lộ 15A, tỉnh lộ 17, 3, 22 và giao thông nông thôn các huyện có chỗ ngập sâu hơn 2,5 m. Giao thông trên quốc lộ 1A hoàn toàn bị tê liệt do nhiều tuyến đường nước đã ngập sâu và phong tỏa.
Chiều tối cùng ngày, trên địa phận đi qua huyện Kỳ Anh đã xảy ra vụ tai nạn thương tâm giữa ba xe máy và một ôtô mang biển số 74K-1954 làm ba người dân thiệt mạng và gây ách tắc cục bộ trên quốc lộ 1A hơn 1 tiếng đồng hồ. Nguyên nhân do mưa quá lớn, đường trơn.
22 giờ tối 16-10, Phó Chủ tịch huyện Hương Khê Lê Trần Sáng cho biết: “Hiện toàn huyện Hương Khê đang trong tình trạng nguy kịch. 22 xã của huyện hoàn toàn bị cô lập với bên ngoài. Chúng tôi đã cầu cứu tỉnh và huy động sáu canô, thuyền cứu hộ cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ đi đến từng nhà cứu người dân và đưa lên các điểm cao. Gần 15.000 dân đã được đưa ra khỏi các địa điểm nguy hiểm”.
Quảng Bình: Lo nước dâng nhanh ban đêm
Đến chiều 16-10, Quảng Bình vẫn mưa to; các huyện Lệ Thủy, Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh ngập nặng. Nước sông Gianh tràn bờ nhấn chìm hàng ngàn căn nhà vùng hạ lưu. Tỉnh đã di dời khẩn cấp 10.000 dân đến nơi an toàn. Trong đó huyện Quảng Trạch ngập sâu trong nước, có nơi hơn 2 m. Huyện điều động hơn 200 cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an giúp di dời hơn 3.000 người dân. Tuy nhiên, nước lũ lên nhanh khiến công tác di dời gặp rất nhiều khó khăn. Chủ tịch UBND huyện Đậu Minh Ngọc cho biết người dân đã có đủ lương thực để cầm cự trong nhiều ngày tới, lo nhất lúc này là nước sông Gianh lên nhanh vào ban đêm khiến công tác ứng cứu gặp khó khăn.
Tại Lệ Thủy, hàng ngàn căn nhà bị ngập. Đường từ trung tâm huyện về các xã đều ngập sâu. Tại huyện Minh Hóa đã có hơn 4.000 nhà dân bị ngập lũ 1-1,5 m, hơn 2.000 căn nhà ngập sâu hơn 2 m, trong đó hai xã Tân Hóa và Minh Hóa tiếp tục bị cô lập.
Nghệ An: Bốn người mất tích
Cho đến chiều tối 16-10, tỉnh Nghệ An vẫn có mưa giông trên diện rộng, nước sông Lam ở hạ nguồn đã lên trên báo động 1, các hồ đập trên địa bàn tỉnh đã đầy nước.
Lực lượng tìm kiếm cứu nạn và gia đình vẫn chưa tìm thấy hai ngư dân và hai người dân bị chìm tàu và lũ quét mất tích. Lúc 10 giờ ngày 15-10, trong lúc di tản đồ và trâu, bò đi tránh lũ, hai anh Nguyễn Văn Đồng và Nguyễn Thành Luân (trú xã miền núi Thanh Hương, huyện Thanh Chương) bị lũ quét cuốn mất tích.
Theo các cơ quan dự báo khí tượng quốc tế, cơn bão này (có tên quốc tế là Megi) đang hoạt động trên khu vực tây bắc Thái Bình Dương và di chuyển với tốc độ khủng khiếp.
Cụ thể: Theo cơ quan dự báo khí tượng Hồng Kông, ngày 17/10 bão Megi ở tọa độ 19,1 độ vĩ Bắc, 128,1 độ kinh Đông, vận tốc di chuyển lên tới 145km/h. Ngày 18/10, bão ở vị tríi 18,2 độ vĩ Bắc, 123,2 độ kinh Đông, tốc độ di chuyển tăng lên 155km/h và đến ngày 190 thì giảm xuống còn 145km/h, ở vị trí 17,1 độ vĩ Bắc, 119,3 độ kinh Đông.
Dự báo hướng đi (bắc tây bắc) của bão cho thấy trước khi đi vào biển Đông, bão Megi sẽ đổ bộ vào bán đảo Ludông của Philippines.