Quốc hội thảo luận các dự án: Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Khoáng sản (sửa đổi)

06:10, 28/10/2010

Ngày 27-10, ngày làm việc thứ bảy, kỳ họp thứ tám, QH khóa XII. Các đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống mua bán người và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi).

Ngày 27-10, ngày làm việc thứ bảy, kỳ họp thứ tám, QH khóa XII. Các đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống mua bán người và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi).
 
* Biện pháp hiệu quả phòng, chống tội phạm mua bán người

Buổi sáng, QH thảo luận ở tổ về Luật Phòng, chống mua bán người (PCMBN). Về sự cần thiết ban hành luật, các đại biểu Huỳnh Phước Long (Trà Vinh), H’Luộc Ntơr (Ðác Lắc) và một số đại biểu khác tán thành những nội dung trong tờ trình của Chính phủ, nhấn mạnh tình hình những năm gần đây, mua bán người (MBN) đã trở thành một vấn nạn, gây bức xúc trong toàn xã hội. Tình hình tội phạm MBN nói chung và mua bán phụ nữ, trẻ em nói riêng diễn biến ngày càng phức tạp; tính chất, quy mô và thủ đoạn hoạt động ngày càng nghiêm trọng; nhiều trường hợp có tổ chức chặt chẽ và có tính xuyên quốc gia. Việc ban hành một văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, có hiệu lực pháp lý cao, trong đó quy định một cách tập trung, thống nhất những vấn đề có tính nguyên tắc, định hướng cho công tác phòng, chống MBN là một đòi hỏi khách quan, góp phần khắc phục những bất cập, hạn chế. Ðồng thời, đáp ứng yêu cầu bức xúc của thực tiễn đang đặt ra và bảo đảm hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm MBN.

Ðối với Ðiều 2 của dự thảo luật, nhiều đại biểu đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của QH cho rằng, khái niệm ’mua bán người’ quy định tại khoản 1 Ðiều này là quá rộng, chưa có sự phân biệt giữa hành vi mua bán người với việc chuyển giao, tiếp nhận người trong các trường hợp cho nhận con nuôi, môi giới kết hôn, môi giới lao động hợp pháp... có nhận tiền với tính chất là một khoản lệ phí, chi phí, thù lao mà pháp luật cho phép. Do đó, cần giải thích  chính xác và rõ nghĩa hơn. Ðại biểu Huỳnh Phước Long (Trà Vinh) nêu ý kiến cần giải thích cụ thể khái niệm: mục đích vô nhân đạo khác, nô lệ tình dục, ấn phẩm khiêu dâm được quy định tại khoản 5 (Ðiều 2) và khoản 2 (Ðiều 3) để được hiểu và áp dụng thống nhất.

Một số đại biểu góp ý kiến, ở Ðiều 3 của dự án luật đề cập hành vi MBN và các hành vi liên quan đến MBN, cho rằng: Việc quy định cụ thể các hành vi MBN, hành vi có liên quan đến MBN là cần thiết, qua đó xác định rõ các hành vi mà luật này điều chỉnh, đồng thời làm cơ sở đề ra các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý có hiệu quả. Tại khoản 3 (Ðiều 5) của dự thảo luật quy định: ’Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người’, các đại biểu tán thành với quy định này và cho rằng, phòng, chống MBN là rất quan trọng, việc bố trí ngân sách hàng năm là cần thiết, góp phần tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống MBN. Theo đại biểu H’Luộc Ntơr (Ðác Lắc), đối với các tỉnh giáp biên giới có số lượng nạn nhân phụ nữ, trẻ em đông, bên cạnh tăng cường phối hợp hơn nữa giữa các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội để ngăn chặn tình trạng này, cần có điều khoản trong luật quy định việc trả thù lao cho cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin về nhóm, đường dây MBN, lừa đảo phụ nữ, trẻ e.

Về bảo vệ an toàn cho nạn nhân trong Ðiều 29 của dự thảo luật, các ý kiến đại biểu tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của QH. Tuy nhiên, có đại biểu cho rằng một số quy định về bảo vệ an toàn cho nạn nhân như bố trí lực lượng bảo vệ tại nơi ở, nơi làm việc, học tập của nạn nhân; thay đổi chỗ ở của nạn nhân và người thân thích của họ... tính khả thi không cao. Vì vậy, đề nghị Chính phủ nghiên cứu bảo đảm quy định phù hợp và thực hiện được trên thực tế.

Về công tác tiếp nhận, xác minh nạn nhân bị mua bán trong nước (Ðiều 24), một số đại biểu đề nghị giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể hơn về thủ tục chuyển giao nạn nhân từ UBND cấp xã cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân để bảo đảm mang tính khả thi, tạo điều kiện thuận lợi cho nạn nhân bị mua bán sớm tiếp cận các biện pháp hỗ trợ nạn nhân nếu họ có nhu cầu.  Ðại biểu  Ðỗ Minh Hảo (Ðác Lắc) nêu ý kiến, Ðiều 25 xác định cơ quan công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển thực hiện việc tiếp nhận, hỗ trợ việc ăn, mặc... Trong những trường hợp có nhiều đối tượng về cùng một lúc, để xác minh đối tượng, phân loại được hỗ trợ và không được hỗ trợ sẽ gây khó khăn cho cơ quan chức năng. Về thời gian tiếp nhận nạn nhân ở cơ quan có thẩm quyền quy định tại Ðiều 26, đại biểu này cho rằng chưa đề cập thời gian cụ thể bao lâu. Nếu thời gian tiếp nhận tại các đồn biên phòng với nhiều đối tượng trong thời gian dài thì có thể gây xáo trộn điều kiện sinh hoạt bình thường đối với cán bộ, chiến sĩ.

Tại Ðiều 31 của dự thảo luật quy định về sáu loại chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân bị mua bán, đồng thời xác định từng loại đối tượng được hưởng các chế độ hỗ trợ tùy theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể và nhu cầu cần được hỗ trợ của nạn nhân.  Nhiều đại biểu tán thành với quy định của dự thảo luật và cho rằng, tùy từng trường hợp, giai đoạn, hoàn cảnh và nhu cầu thực tế mà mỗi nạn nhân có thể được hưởng chế độ hỗ trợ phù hợp. Việc thực hiện các chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân bị mua bán không những bảo đảm sự cân đối với chế độ hỗ trợ cho các đối tượng khác trong xã hội, mà còn góp phần tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ để nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng.

Nhiều đại biểu phát biểu ý kiến nhấn mạnh công tác giáo dục trong phạm vi gia đình cũng như toàn xã hội cần được chú trọng đúng mức. Bên cạnh đó, thời gian tới phải có những chế tài trừng trị nghiêm khắc những hành vi MBN, những tổ chức lợi dụng xuất khẩu lao động để tham gia MBN.

* Khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn khoáng sản của đất nước

Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Ðức Kiên, các đại biểu QH làm việc tại Hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH nêu rõ, tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội nên Ban Soạn thảo không đưa hoạt động chế biến và sử dụng khoáng sản vào phạm vi điều chỉnh của luật này. Tuy nhiên, do yêu cầu khoáng sản khai thác phải được phân loại, làm giàu và chế biến thành các sản phẩm có giá trị cao để sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, dự thảo luật có quy định một khoản (khoản 7 Ðiều 3) giải thích khái niệm về chế biến khoáng sản để phân biệt rõ hoạt động chế biến khoáng sản với việc phân loại, làm giàu khoáng sản gắn với hoạt động khai thác để thấy rõ hoạt động chế biến khoáng sản không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật. Ủy ban Thường vụ QH đã tiếp thu, chỉnh lý quy định về quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác cụ thể, rõ ràng. Về vai trò của QH trong việc phê duyệt chiến lược khoáng sản, Ủy ban Thường vụ QH thấy rằng dự thảo luật quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược khoáng sản là phù hợp với thực tế hiện nay. Chiến lược khoáng sản là chiến lược ngành, là một bộ phận của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. QH quyết định kế hoạch 5 năm và cụ thể hóa những nội dung chính của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Vì vậy, dự thảo luật quy định giao Thủ tướng Chính phủ quyết định chiến lược khoáng sản là phù hợp.

Ðiều 6 của dự thảo luật quy định  về quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác được nhiều đại biểu quan tâm phát biểu ý kiến đóng góp. Các đại biểu Lưu Thị Chi Lan (Vĩnh Phúc), Tống Văn Thoóng (Lai Châu), Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) và một số đại biểu khác cho rằng, một số văn bản dưới luật và luật còn quan tâm nhiều đến lợi ích của các doanh nghiệp, vì vậy đề nghị cần tách một chương riêng về chính sách bảo vệ quyền lợi của người dân tại nơi khai thác khoáng sản. Các điều khoản về việc ưu tiên sử dụng lao động địa phương, phối hợp chính quyền địa phương bảo đảm việc chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân, hỗ trợ xây dựng các công trình phúc lợi cho địa phương... cần được quy định cụ thể và phù hợp với tình hình thực tế. Việc khai thác khoáng sản còn dẫn đến những vấn đề bất cập đối với địa phương như số người lao động tăng cao, tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp, ô nhiễm môi trường tăng...

 

Trong khi đó, quyền giám sát của các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể tại địa phương chưa được chú trọng. Vì vậy, đề nghị dự thảo luật cần quan tâm cụ thể hơn nữa vấn đề này để bảo đảm công bằng hơn cho địa phương và nhân dân nơi có hoạt động khai thác khoáng sản, tránh việc đưa ra nhưng quy định chung chung, không rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, cần có những chính sách khai thác khoáng sản đạt hiệu quả cao, tiết kiệm và bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan.

Ðại biểu Nguyễn Ðình Xuân (Tây Ninh) và một số đại biểu khác cho rằng, dự thảo luật cần được bổ sung và nghiên cứu sâu hơn nữa mới có thể  góp phần quan trọng hạn chế việc khai thác khoáng sản trái phép, gây thất thoát tài nguyên quốc gia. Ðể làm được điều này, dự thảo luật cần quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm đối với các cơ quan, địa phương liên quan trong việc bảo vệ tài nguyên quốc gia. Bên cạnh đó, cần có chiến lược về khoáng sản, quy định rõ những khoáng sản cần bảo vệ, khoáng sản nào ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước khai thác và nhất là cần có chiến lược xuất khẩu đối với từng loại khoáng sản cụ thể.

Ðại biểu Nghiêm Vũ Khải (Ðiện Biên) chưa nhất trí với bố cục của dự thảo luật và đề nghị Ban soạn thảo sắp xếp lại hợp lý và khoa học hơn các chương của dự thảo. Việc cấp phép khai thác khoáng sản cần được quy định rõ ràng, cụ thể và chi tiết hơn để tránh cơ chế ’xin - cho’ và hiện tượng tiêu cực trong việc cấp phép. Ðiều 38 quy định về việc lựa chọn  tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản, trong đó nêu rõ là: Việc xác định nhà đầu tư thăm dò khoáng sản được tiến hành bằng hình thức lựa chọn. Về vấn đề này, đại biểu cho rằng, đưa ra khái niệm ’lựa chọn’ là chưa rõ ràng, dễ gây ra hiện tượng tiêu cực và không công bằng trong việc tham gia thăm dò khoáng sản của các tổ chức, cá nhân.

Quan tâm khoản 2 Ðiều 31, quy định về thẩm quyền lập, trình, phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản cấp quốc gia, đại biểu Lê Quốc Dung (Thái Bình) cho rằng, Luật dự kiến giao cho Bộ Công thương là chưa hợp lý, dễ gây ra chồng chéo, không đúng chức năng và không hiệu quả, đồng thời đề nghị nên giao công việc trên cho Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ðại biểu Trần Hồng Việt (Hậu Giang) đề nghị cần làm rõ thế nào là khoáng sản quan trọng và cần đưa vào danh mục những khoáng sản không được xuất khẩu thô. Cần ưu tiên tổ chức đấu thầu khai thác khoáng sản, nếu không tổ chức đấu thầu được mới tiến hành chỉ định thầu.

 
Theo Nhân Dân