Là một địa phương nghèo của huyện nghèo, nhưng người dân xã Đạ Oai (huyện Đạ Huoai) lại có tinh thần hiếu học rất cao.
Xã Đạ Huoai có 824 hộ (3690 khẩu) sinh sống trên địa bàn 7 thôn, trong đó có 2 thôn đồng bào DTTS, với 147 hộ, chủ yếu sinh sống bằng nghề gieo trồng lúa nước, trồng cây công nghiệp dài ngày và nhận khoán QLBV rừng. Nhiều năm qua cho thấy, xã Đạ Oai là một trong những địa phương của huyện đi đầu trong phong trào dạy và học.
Dựa trên nghị quyết của Đảng ủy, UBND xã Đạ Oai đã cụ thể hóa nhiệm vụ, biện pháp tổ chức thực hiện và giao cho các ngành, các tổ chức đoàn thể phối hợp với 3 trường học: Mẫu giáo; Tiểu học; THCS làm tốt công tác vận động con em ra trường, duy trì sĩ số, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, tổ chức tốt ngày khai giảng năm học, các kỳ kiểm tra học kỳ; thi tốt nghiệp, công tác thi đua khen thưởng... Đặc biệt, trong điều kiện ngân sách hết sức eo hẹp, nhưng hàng năm, UBND xã đều ưu tiên đầu tư cho giáo dục một cách thỏa đáng và luôn thực hiện tốt chính sách “địa phương hóa” giáo viên thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên mới ra trường về địa phương công tác, hoặc có chính sách ưu đãi để “giữ chân” giáo viên lâu dài ở địa phương và yêu nghề, mến trẻ hơn.
Cùng với đó, Đảng ủy - UBND xã quan tâm tạo mọi điều kiện để Hội khuyến học xã không ngừng lớn mạnh và hoạt động đạt kết quả tốt. Nhờ vậy, từ một vài hội viên trong một hai chi hội những ngày đầu mới thành lập (12/2000), đến nay Hội Khuyến học xã đã có tới 8 chi hội với 248 hội viên đang hoạt động hết sức đồng bộ, hiệu quả. Chính những hội viên này, ngoài việc tham gia đóng quỹ hội đều đặn hàng tháng theo đúng quy định của điều lệ hội, còn là hạt nhân của phong trào vận động người dân trong xã nâng cao tinh thần hiếu học. Do hoàn cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, những năm trước đây một bộ phận người dân, nhất là bà con DTTS có suy nghĩ: Nuôi con đi học không thiết thực bằng nuôi con đi làm, nên họ không mặn mà với việc đưa con đến trường, hoặc chỉ cho con “học cho biết chữ” rồi bắt con ở nhà xuống đồng, lên nương rẫy...
Trước thực tế đó, các hội viên khuyến học phối hợp với cán bộ, đoàn viên, hội viên của các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội đến từng nhà vận động, khuyên nhủ và lấy những con người cụ thể, những hộ cụ thể trong thôn để phân tích cho họ thấy rằng: Thất học là dốt, là nghèo, có học là thành tài, giàu có, sung túc... Từ việc tuyên truyền vận động và sự phân tích mang tính thiết thực, cụ thể đó, Hội Khuyến học xã đã làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của người dân trong xã về tầm quan trọng của sự học, nên đến nay phong trào thi đua học tập trên địa bàn thôn, xã lên rất cao.
Nhiều gia đình, dù kinh tế còn gặp khó khăn, nhưng vẫn “dốc” hết sức lực cho con học đến nơi đến chốn, không ít gia đình có đến 3-4 con học cao đẳng; đại học; thậm chí có trường hợp khó khăn ngặt nghèo, Hội CCB phải kêu gọi tặng nhà “Nghĩa tình đồng đội” như ông K’Diễu ở thôn vẫn “gồng mình” để cho 7 con đến trường, đến lớp. Đặc biệt, thông qua vận động của Hội khuyến học xã, ở Đạ Huoai xuất hiện ngày càng nhiều, “nhà hảo tâm, nhà tài trợ” hết lòng vì “sự nghiệp trồng người”. Chỉ tính từ năm 2008 đến tháng 10/2010, Hội khuyến học xã đã vận động tiền mặt, hiện vật (bút, vở, dụng cụ học tập) trị giá trên 75 triệu đồng. Toàn bộ số tiên vận động được, Hội đã tổ chức trao học bổng, tặng quà, khen thưởng cho các học sinh và giáo viên đạt thành tích cao trong học tập, giảng dạy, nên đã kịp thời động viên, khuyến khích phong trào “học giỏi, dạy tốt” trong 3 trường học trên địa bàn xã.
Từ những thành tích đạt được trong phong trào “khuyến học, khuyến tài”, nhiều năm qua, Hội khuyến học xã Đạ Huoai được huyện hội, tỉnh hội tặng giấy khen, bằng khen. Đó là vinh dự, tự hào của những người làm công tác khuyến học, nhưng theo ông Nguyễn Trung Nghĩa - Phó Chủ tịch Hội khuyến học xã Đạ Huoai: Vinh dự, tự hào hơn là Hội Khuyến học đã góp phần tạo nên một nhận thức, một ý chí trong quần chúng nhân dân địa phương “Nghèo về vật chất, nhưng giàu về tinh thần hiếu học!”.