Hình ảnh một cụ già khoảng 75 tuổi gánh trên vai một gánh chổi nặng trĩu đi bán rong trong buổi trưa nắng gắt trên đường Phan Đình Phùng (phường 2 - Đà Lạt) như xoáy vào lòng người đi đường niềm thương cảm xót xa.
Cụ K. và gánh chổi rong ruổi trên khắp các nẻo đường Đà Lạt. |
Rồi tình cờ tôi lại gặp cụ, vẫn gánh chổi nặng trĩu trên vai, lê từng bước trên con dốc đường Hùng Vương (phường 10) trong một chiều mưa nặng hạt. Trả lời câu hỏi của tôi: Con cháu cụ đâu, mà tuổi này vẫn phải lặn lội kiếm sống. Cụ K. nén tiếng thở dài, cố nở một nụ cười méo: “Con cái đã có gia đình hết, chúng ở riêng, lại còn phải nuôi con, nên tốt nhất mình tự lo cho mình. Tuổi này mà vẫn đi được thế này là trời phật còn thương”. Cứ gánh, và cứ đi, không một tiếng rao, không một lời mời chào, ai cần thì mua. Cụ bán đủ loại chổi dùng để quét nhà, quét sân, quét bụi, mỗi cây chỉ kiếm lời 2000 đồng, mua 18 ngàn, bán 20 ngàn. “Mỗi ngày bán được 10 cây thôi là đủ tiền cơm nước, rau cháo”. Mỗi ngày sức già chỉ ăn 2 lưng chén cơm, nhưng ròng rã đi bộ từ sáng đến tối. Cụ không tính được mỗi ngày mình đi bao nhiêu cây số, ngày bán được nhiều thì hơn chục cây, bán được ít vài ba cây. Cụ luôn lạc quan an ủi, tuy nhọc nhằn nhưng được tự do chi tiêu, tuổi này còn kiếm sống được là còn phúc. Nhưng những bước đi nặng nề của cụ cũng nói lên rằng đã đến lúc cụ K rất cần được nghỉ ngơi.
Không phải rong ruổi trên khắp các ngả đường như cụ K, cụ N (73 tuổi) lại suốt ngày tất bật với những việc “không tên” của một người phụ nữ trong gia đình. Từ 3 năm nay, thấy sức khỏe kém, cụ K không ra đồng, ra ruộng nữa mà giao hết ruộng đất cho các con chủ động sản xuất, còn mình thì lãnh trách nhiệm ở nhà trông nom 3 đứa cháu nội, lo việc nhà cửa. “Bồng bế cháu, chăm sóc tắm rửa, cho cháu ăn uống, rồi cơm nước, lợn gà là hết ngày” cũng nặng nhọc không kém gì công việc đồng áng. Nhiều khi các cụ trong hội người cao tuổi của thôn đến gọi đi sinh hoạt, tham gia luyện tập với CLB dưỡng sinh cho vui tuổi già, cụ cũng từ chối vì “cháu nhỏ, việc nhà bỏ cho ai mà đi được mà đi cho đành”. Người già cần nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, “Mệt lắm, nhưng thương con thương cháu nên phải cố, để con cái yên tâm sản xuất”.
Con người giống như cỗ máy, cũng đến lúc phải rệu rã. Mưu sinh với người trẻ tuổi, đang dồi dào sức lao động đã là một sự vất vả, với người cao tuổi, sức tàn lực kiệt càng vất vả hơn. Người cao tuổi mưu sinh thường là phụ nữ nghèo, vì phụ nữ ở độ tuổi nào, trong hoàn cảnh nào vẫn là người chịu thiệt thòi hơn. Cả đời vất vả lam lũ với gánh nặng làm mẹ, làm vợ, vất vả nhọc nhằn nuôi con, khi về già lại làm bà. Trên thực tế hiện nay, đa số người cao tuổi nông thôn, đặc biệt là phụ nữ chỉ cho phép mình được nghỉ ngơi khi đã thật sự chân chậm mắt mờ. Nhiều người cao tuổi nghèo có nhu cầu việc làm để kiếm sống, nhưng không có đơn vị kinh tế nào dành cho họ, nên việc mưu sinh của họ thường là những gánh hàng rong, hoặc thay con trông nom cháu, coi sóc lợn gà, nhà cửa để các con làm việc.
Chăm sóc phụng dưỡng người cao tuổi là chăm sóc cho tương lai của chính mình ông Nguyễn Phan Luỹ - Đại diện người cao tuổi tỉnh Lâm Đồng cho biết: Theo thống kê, Lâm Đồng hiện có khoảng 107 ngàn người cao tuổi (chiếm 9% dân số), trong đó 70% người cao tuổi còn tham gia lao động sản xuất, chủ yếu trong lĩnh vực nông thôn nông nghiệp và buôn bán nhỏ lẻ, có 157 cụ từ 100 tuổi trở lên. Trong số người cao tuổi còn tham gia lao động sản xuất, không ít người đã ở vào tuổi từ 70 trở lên. Nhiều năm làm việc gắn bó với các cụ, ông Phước - cán bộ Ban đại diện người cao tuổi tỉnh tâm sự: Trừ người cao tuổi là cán bộ công chức lao động nghỉ hưu trí thì khi về già không phụ thuộc vào con cái. Còn đa số người cao tuổi nông thôn về già phải phụ thuộc vào con cái. Nhiều người có tài sản, có nhà có đất, nhưng hết tuổi lao động, họ giao cho con cái làm ăn, còn mình thì giúp con trông nom nhà cửa, các cháu. Khi muốn chi tiêu gì cho mình cũng lại phải xin con. Nên rất nhiều người đã chọn cho mình cách tự mưu sinh, buôn gánh bán bưng nuôi mình để được tự do, không phải phụ thuộc vào các con. Và những cuộc mưu sinh ở tuổi xế chiều thì bao giờ cũng nhọc nhằn.
Ai cũng đến lúc phải già, người cao tuổi là tương lai của mọi người, chăm sóc phụng dưỡng người cao tuổi là trách nhiệm của mỗi gia đình và của toàn xã hội. Trong thời gian qua, Hội NCT Lâm Đồng đã không ngừng đẩy mạnh phong trào quan tâm chăm sóc phụng dưỡng người cao tuổi, đặc biệt vào tháng 10 hàng năm (tháng có ngày 1/10 - ngày quốc tế người cao tuổi) nhiều hoạt động chăm sóc phụng dưỡng người cao tuổi đã diễn ra như thăm hỏi, tặng quà, khám sức khỏe cho người cao tuổi, vận động tặng áo cho người cao tuổi. 3.095 cụ từ 85 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên 120 ngàn đồng/người/tháng, được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Hầu hết các xã phường đều đã thành lập Quỹ chăm sóc người cao tuổi, nhiều CLB dưỡng sinh được thành lập đã thực sự giúp các cụ sống vui, sống khỏe, sống có ích. Các phong trào đó, thêm một lần nhắc nhở mỗi người chưa già hãy quan tâm chăm sóc người cao tuổi, tạo điều kiện cho người cao tuổi nghỉ ngơi tĩnh dưỡng không chỉ là đạo lý mà còn là chăm sóc tương lai của chính mình.ª