Vấn đề nhân lực của 4 Bộ: Giáo dục và Đào tạo; Khoa học và Công nghệ; Xây dựng và Giao thông vận tải bộc lộ nhiều bất cập, đòi hỏi các cơ quan hữu quan sớm bắt tay xây dựng với trách nhiệm cao nhất.
Vấn đề nhân lực của 4 Bộ: Giáo dục và Đào tạo; Khoa học và Công nghệ; Xây dựng và Giao thông vận tải bộc lộ nhiều bất cập, đòi hỏi các cơ quan hữu quan sớm bắt tay xây dựng với trách nhiệm cao nhất.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, xây dựng quy hoạch nguồn nhân lực đòi hỏi quyết tâm và trách nhiệm rất cao. |
Ngày 23/10, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc họp để nghe các phiên bản đầu tiên về xây dựng quy hoạch nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020 của 4 Bộ: Giáo dục và Đào tạo; Xây dựng; Giao thông vận tải; Khoa học và Công nghệ.
Một bản quy hoạch chi tiết có tính tổng thể mang tầm chiến lược về phát triển nguồn nhân lực của 4 Bộ hiện được đánh giá là ngổn ngang và còn nhiều bất cập.
Chưa có quy hoạch dài hạn về phát triển nguồn nhân lực
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, để đẩy nhanh quá trình phát triển của một quốc gia và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với sự phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước, một trụ cột rất cần phải tập trung làm sáng tỏ đó là nguồn nhân lực. Nhiệm vụ trong 5 năm tới, chúng ta phải đặt quyết tâm để làm chủ và không bị động trước những câu hỏi về nhân lực cho phát triển đất nước sẽ lấy ở đâu. Vì vậy việc xây dựng quy hoạch nguồn nhân lực đòi hỏi quyết tâm và trách nhiệm rất cao của các Bộ, ngành.
Theo báo cáo tổng hợp, trong những năm qua, đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực nói chung tăng cả về số lượng và chất lượng; số công chức được đào tạo trình độ đại học, trên đại học ngày càng nhiều. Các cơ sở đào tạo ngày càng được đầu tư, mở rộng quy mô, đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng về cơ bản đã được khắc phục…
Tuy nhiên chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế.
Trong ngành Giáo dục, các cơ sở đào tạo vẫn chưa gắn việc đào tạo với nhu cầu thực tế; việc dự báo nhu cầu, xây dựng quy hoạch đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục còn chắp vá, ngắn hạn… gây khó khăn cho việc xây dựng chiến lược dài hạn của toàn ngành. Ngoài ra, hệ thống cơ sở đào tạo chưa được quy hoạch hợp lý, nhiều chuyên ngành đào tạo vẫn còn chạy theo số lượng dẫn đến chất lượng đào tạo còn thấp…
Điểm yếu lớn nhất của ngành Xây dựng là khả năng ngoại ngữ của người lao động chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ; hiểu biết về pháp luật về chuẩn mực và thông lệ quốc tế rất hạn chế. Trong khi đó, kỹ năng tiếp cận với thành tự khoa học kỹ thuật của một số cán bộ ngành Giao thông vận tải chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu; kỹ năng đàm phán ký kết thực hiện điều ước quốc tế còn hạn hẹp, nguồn lực đầu tư xây dựng đội ngũ giảng viên còn hạn chế…
Trong ngành Khoa học công nghệ, tình trạng nguồn nhân lực đào tạo và sử dụng đúng ngành, nghề liên quan đến hoạt động khoa học và công nghệ còn thấp; cơ cấu đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ còn bất hợp lý, nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực không đồng đều giữa trung ương và địa phương, các cơ sở đào tạo chuyên ngành khoa học và công nghệ còn nhỏ lẻ, chưa có quy hoạch đồng bộ….
Những mục tiêu cần hướng tới
Đánh giá về bức tranh chung của nguồn nhân lực ngành Giáo dục, Phó Thủ tướng nêu rõ, đến năm 2015, khi Việt Nam thực hiện phổ cập mầm non đến 4 tuổi thì lực lượng giáo viên hệ mầm non sẽ tăng đột biến. Vì vậy, ngành Giáo dục phải tập trung chuẩn bị kỹ cho bước chuyển này. Đồng thời để nâng cao chất lượng giáo dục ở bậc học đầu tiên, Phó Thủ tướng đề nghị chấm dứt đào tạo giáo viên mầm non ở trình độ trung cấp mà tối thiểu phải là hệ cao đẳng.
Đặc biệt, với những tồn tại xung quanh đội ngũ giáo viên cấp 1, 2, 3, Phó Thủ tướng cho rằng với năng lực đào tạo hiện, trong 2 năm tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tập trung để giải quyết dứt điểm tỷ lệ 1,8% giáo viên đứng lớp không đạt chuẩn vẫn đang tồn tại. Việc thiếu giảng viên đại học được Phó Thủ tướng nhận xét là “căn bênh trầm trọng” nhất trong giáo dục ở Việt Nam. Vì vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chọn đây là mục tiêu quan trọng để tạo bước đột phá trong giáo dục ở nước ta.
Đối với ngành Xây dựng, Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, Bộ Xây dựng chủ động phối hợp với Bộ Giáo dục Đào tạo để dự báo nguồn cung chi tiết của ngành mình, từ đó có thể hình thành bức tranh tổng thể về khả năng cung ứng nhân lực của ngành xây dựng trên phạm vi toàn quốc. Khảo sát, làm rõ những lĩnh vực mà trong những năm qua có nhiều chuyển biến thì phải điểm danh cụ thể. Dự kiến một số ngành nghề có thể tăng vọt, chủ động bồi dưỡng để có những người đủ khả năng đứng đầu và điều hành được các tập đoàn lớn.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng nhanh chóng chọn một trường đại học để xây dựng thành một trường đại học nòng cốt, đóng vai trò đầu tầu về đào tạo đứng đầu ngành Xây dựng.
Đối với ngành Giao thông vận tải, Phó Thủ tướng yêu cầu phải xây dựng được đội ngũ cán bộ công chức có khả năng tiếp cận được những công nghệ tiên tiến của đất nước thông qua các chương trình đào tạo tập huấn ở các nước phát triển. Từ đó cần dự báo nhu cầu nhân lực và sau đó đặt hàng với Bộ Giáo dục và Đào tạo để có cơ sở để dự kiến nguồn cung, rà soát lại hệ thống các cơ sở đào tạo liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải để có căn cứ để quy hoạch các trường đáp ứng đúng yêu cầu.