Thế giới người đẹp ở viện sinh học Tây Nguyên

08:10, 18/10/2010

Không mang vẻ hào nhoáng, lộng lẫy bước ra từ các cuộc thi tuyển chọn sắc đẹp, những nữ nghiên cứu khoa học của Viện sinh học Tây Nguyên mang vẻ đẹp trí tuệ tỏa sáng với các công trình nghiên cứu...

Không mang vẻ hào nhoáng, lộng lẫy bước ra từ các cuộc thi tuyển chọn sắc đẹp, những nữ nghiên cứu khoa học của Viện sinh học Tây Nguyên mang vẻ đẹp trí tuệ tỏa sáng với các công trình nghiên cứu đáng nể sau nhiều tháng ngày dãi dầu nắng gió cao nguyên, lặn lội rừng sâu để thu thập các mẫu vật phục vụ nghiên cứu và nhiều năm ẩn mình trong các phòng thí nghiệm.

TS Lê Thị Châu – Viện trưởng Viện sinh học Tây Nguyên cho biết: Phụ nữ nghiên cứu khoa học bằng niềm đam mê, tìm tòi sáng tạo. Viện đã tập hợp được đội ngũ nghiên cứu, có mục tiêu nghiên cứu rõ ràng và môi trường nghiên cứu thuận lợi, với đội ngũ cán bộ trẻ (dưới 50 tuổi), trong số 24 nữ đã có 1 tiến sĩ, 6 thạc sĩ, 9 đại học… TS Châu gắn bó với công việc nghiên cứu của Viện 28 năm qua với trên 20 công trình nghiên cứu các cấp.

ngh
Nữ nghiên cứu khoa học của Viện sinh học Tây Nguyên.

Chị đang chủ nhiệm đề tài cấp Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam về “Sàng lọc các chất có hoạt tính sinh học từ các loài nấm lớn trong quần thể khu rừng trên tuyến đường mới Đà Lạt – Nha Trang” (2010 - 2011), bước đầu đã thu thập 15 loài nấm, đã tiến hành làm dịch chiết tổng từ 15 mẫu để sàng lọc hoạt tính sinh học.

Trung bình mỗi năm Viện sinh học Tây Nguyên nghiên cứu 8-9 đề tài và đều có nữ tham gia. Năm 2010 cán bộ nữ của Viện chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu hơn mọi năm. Chẳng hạn: các đề tài nghiên cứu cấp cơ sở do cán bộ nữ làm chủ đề tài  như: “Ứng dụng kỹ thuật in vitro trong nhân giống và sản xuất hoa chậu trạng nguyên Euphorbia pulcherrima” (2010 - 2011) của Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hằng, đã thu thập được 3 giống và đưa vào ống nghiệm 1 giống màu đỏ đang được ưa chuộng trên thị trường, hiện đang bố trí thí nghiệm nghiên cứu khả năng tái sinh của mẫu cấy, nhìn chung mẫu sinh trưởng tốt.

Đề tài của Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Mai “Bước đầu nghiên cứu thuần dưỡng và sử dụng các kỹ thuật sinh học hiện đại để xác định giống heo rừng Sus Scrofa (Linnaeus, 1758) thuần Việt Nam ở Lâm Đồng” (2010 - 2011) đã tiến hành khảo sát tình hình nuôi heo rừng ở Đà Lạt và các vùng lân cận, thu thập mẫu sinh thiết gửi phân tích DNA, bằng hình thái giải phẫu bước đầu đã nhận diện được giống heo rừng, hiện đang thuần dưỡng một cá thể heo rừng đực tại Viện…

anh the gioi nguoi dep
Nữ cán bộ nghiên cứu trẻ nhất của Viện - cô Hoàng Nguyễn Thị Mỹ Lan.
Bên cạnh trực tiếp chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu, cán bộ nữ của Viện còn tham gia nhóm nghiên cứu đề tài cấp nhà nước như: “Nghiên cứu nhân giống vô tính và sản xuất sinh khối rễ cây sâm Ngọc Linh” (2008-2011), “Điều tra đánh giá nguồn tài nguyên thực vật có hoạt chất chống ung thư của Vườn Quốc gia Bidoup –Núi Bà và định hướng phát triển một số loài có hoạt tính sinh học cao” (2010-2011). “Hệ thống nuôi cấy lớp mỏng tế bào trong nghiên cứu chương trình phát sinh hình thái và bảo tồn cây sâm Ngọc Linh” (2009-2011).

Ngoài ra, các nhà khoa học nữ của Viện sinh học Tây Nguyên tham gia nhiều đề tài nghiên cứu cấp viện, cấp cơ sở, các dự án, đề tài nghiên cứu với các Sở khoa học –Công nghệ các tỉnh Lâm Đồng, Tp.HCM, tập trung vào đối tượng cây dâu tây, hoa Anh Thảo, hoa hồng, hồng môn Thiên Nga, địa lan, Thu Hải Đường, thông, nấm, nhím, heo rừng, … Giữa thế giới các chai lọ của phòng thí nghiệm, Thạc sĩ Nguyễn Thị Diệu Thuần - cán bộ nghiên cứu thuộc phòng hóa học các hợp chất thiên nhiên, đã trải qua 22 năm nghiên cứu với trên 10 đề tài do chị trực tiếp làm chủ hoặc tham gia cùng các cộng sự tâm sự: “Tôi làm việc ở phòng thí nghiệm là chính.

Tuy nhiên, để nghiên cứu hoàn thành một đề tài, phụ nữ đầu tư công sức nhiều hơn nam giới, do phụ nữ có nhiều hạn chế về điều kiện sức khỏe, vướng bận gia đình, chồng con, đi công tác xa, đi nước ngoài, điều kiện làm việc độc hại… Đối với cán bộ nghiên cứu khoa học đòi hỏi luôn phải học tập, nâng cao trình độ nên phụ nữ phải nỗ lực để không tụt hậu. Trong chuyện học hành, tìm tòi nghiên cứu,  phụ nữ tốn nhiều thời gian hơn nam giới, chị em phải thu xếp khi con ngủ, việc gia đình xong để tranh thủ tìm tòi sáng tạo, ban ngày hầu như dành hết thời gian ở Viện nghiên cứu. Cán bộ nữ khoa học có ưu điểm vượt trội là tính cẩn thận, kiên trì.

Hai đức tính đó cần cho nghiên cứu khoa học, có khi phải tiến hành các thí nghiệm nhiều lần, nhiều cách khác nhau thì mới đạt được thành công qua nhiều lần thất bại”. Nữ cán bộ nghiên cứu trẻ nhất của Viện - cô Hoàng Nguyễn Thị Mỹ Lan, 23 tuổi, vừa Tốt nghiệp Khoa Hóa học (Trường Đại học Đà Lạt) – là 1 trong 4 trường hợp đậu qua đợt thi tuyển viên chức của Viện với gần 20 trường hợp dự thi, cho rằng: em rất đam mê  công việc nghiên cứu, nên cảm thấy công việc phù hợp, nhiều niềm vui. Em tự tin hơn khi làm việc ở Phòng hóa học các hợp chất thiên nhiên cùng với 2 cán bộ nữ lâu năm có nhiều kinh nghiệm giúp đỡ. Em đang dự tính học thạc sĩ để có đủ trình độ năng lực nghiên cứu tại Viện.

TS Nguyễn Hữu Toàn Phan - Phó Viện trưởng Viện sinh học Tây Nguyên nhận xét: “Viện có lực lượng cán bộ nữ tương đối đông, đóng góp nhiều trong hoạt động nghiên cứu của đơn vị. Rất nhiều đề tài nghiên cứu của Viện do phụ nữ tham gia với cương vị chủ nhiệm đề tài hoặc là cộng sự tham gia đều hoàn thành tốt. Đóng góp của chị em trong công tác nghiên cứu của Viện có phần “nhỉnh” hơn nam giới”.   

Diệu Hiền